Thứ 3, 07/05/2024, 13:29[GMT+7]

5 giải pháp của ngành ngân hàng góp phần xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 27/10/2010 | 14:57:56
2,072 lượt xem
Thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất tiền vay, có 54.947 doanh nghiệp và hộ nông dân khu vực nông thôn nhận số tiền hỗ trợ lãi suất 32 tỷ đồng, chiếm 30,5% tổng số tiền hỗ trợ toàn tỉnh.

Ngân hàng nông nghiệp và PTNT Thái Bình địa chỉ cung ứng vốn chủ lực cho nông dân, nông thôn

Mạng lưới tín dụng ngân hàng Thái Bình gồm 14 ngân hàng và 85 quỹ tín dụng nhân dân. Đến 30/9/2010 tổng nguồn vốn hoạt động đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng trên 24% so với 1/1/2010, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, phục vụ đắc lực chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn Thái Bình.

Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế toàn tỉnh đến 30/9/2010 đạt gần 15.500 tỷ đồng. Trong đó dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt 6.230 tỷ đồng, tăng 38,1% so với 1/1/2010, chiếm 40,4% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân 4 năm qua đạt 37,8%/năm.

Các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dư nợ đạt 770 tỷ đồng, tăng 2,4 lần, cho vay phát triển chăn nuôi 1.250 tỷ đồng, tăng 2,5 lần, cho vay kinh tế biển 900 tỷ đồng, tăng 5,5 lần so với 1/1/2006.... Thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 và chỉ đạo của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, các tổ chức tín dụng đã đầu tư gần 1.200 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, TTCN, làng nghề khu vực nông thôn, tập trung cho vay các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm 530 tỷ đồng, cho vay khôi phục các làng nghề truyền thống 460 tỷ đồng và đầu tư trên 1150 tỷ đồng phát triển thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, văn hóa góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao mức sống nhân dân khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, Ngân hàng CSXH đã cho trên 150 ngàn hộ vay 1.522 tỷ đồng bao gồm cho vay hộ nghèo 573 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm, đi lao động nước ngoài 62 tỷ đồng, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 94 tỷ đồng, cho vay học sinh sinh viên 785 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo khó khăn làm nhà ở 8 tỷ đồng, góp phần bảo đảm chính sách an sinh xã hội.

Tỉnh ta đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng mô hình nông thôn mới tại 8 xã điểm. Cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đến 30/9/2010, các tổ chức tín dụng đã cho 7.756 doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất , chủ trang trại, gia trại tại 8 xã vay 153 tỷ đồng; trong đó để đầu tư cơ sở hạ tầng 15,5 tỷ đồng, cơ giới hóa nông nghiệp 10,4 tỷ đồng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh kinh tế hộ 85,4 tỷ đồng và phát triển văn hóa xã hội, môi trường 33,7 tỷ đồng...

Là cơ quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động ngân hàng- tiền tệ trên địa bàn, cùng với nhiệm vụ triển khai kịp thời, đầy đủ các cơ chế chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chủ trì, xây dựng, bảo vệ thành công một đề tài khoa học cấp ngành về tăng cường đầu tư tín dụng đối với vùng chuyển đổi thủy sản, khu chăn nuôi tập trung của tỉnh. Vừa qua Ngân hàng đã trình Thường trực Tỉnh Ủy, HĐND, UBND 3 đề án về Đầu tư tín dụng ngân hàng đối với khu vực nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2009-2015; Đề án tăng cường củng cố hoàn thiện phát triển hệ thống quỹ TDND giai đoạn 2010- 2015; Đề án củng cố phát triển mạng lưới ngân hàng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.  Đây là cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng mở rộng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với công tác kiểm tra hoạt động ngân hàng theo chương trình công tác hàng tháng, quý, năm, Chi nhánh tăng cường phối hợp tuyên truyền sâu rộng cơ chế chính sách tiền tệ mới của Nhà nước; làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh và các huyện, Thành phố tổ chức triển khai NĐ 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Các ngân hàng thực hiện cơ chế ưu đãi về hỗ trợ lãi suất tiền vay theo QĐ 131, 443, 479, 2213, 2072 của Thủ tướng chính phủ đối với khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Để góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta, ngành ngân hàng đã tổ chức triển khai 5 nhóm giải pháp sau:

Một là: về cơ chế chính sách: Tiếp tục tham mưu, kiến nghị Ngân hàng cấp trên và tỉnh bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất tháo gỡ những khó khăn liên quan đến nông nghiệp  như đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ lãi suất vùng chuyển đổi, các làng nghề, quản lý tín dụng nội bộ HTX.

Hai là: về mạng lưới hoạt động: Khuyến khích ưu tiên phát triển, mở rộng mạng lưới, điểm giao dịch tại huyện và khu vực nông thôn đối với các ngân hàng, các quỹ tín dụng, đẩy mạnh triển khai các dịch vụ ngân hàng mới, hiện đại, lắp đặt máy ATM, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn và dịch vụ ngân hàng.

Ba là:  Về huy động vốn: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huy động vốn, gắn huy động với cho vay theo cụm, xã tạo thuận lợi cho nhân dân gửi và vay tiền.

Bốn là: Về đầu tư tín dụng: Mở rộng, đa dạng hóa phương thức cho vay nông nghiệp, nông thôn, cho vay các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Tăng cường cho vay 3 nội dung, 19 tiêu chí lĩnh vực xây dựng nông thôn mới.

Năm là: Các giải pháp về nhân lực, khoa học công nghệ: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ ngành. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thanh kiểm tra nội bộ nâng chất lượng tín dụng. Làm tốt việc phối hợp với các sở, ngành, chính quyền các cấp  đưa nguồn vốn tín dụng về nông thôn, thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bảo Linh

  • Từ khóa