Thứ 4, 08/05/2024, 05:25[GMT+7]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Thứ 3, 09/11/2010 | 11:09:59
8,466 lượt xem
Hồ Chí Minh, người được thế giới tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng của Người là hệ thống những quan điểm bao quát nhiều lĩnh vực, là cơ sở lý luận soi đường cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục bao gồm hệ thống những quan điểm khoa học và cách mạng về giáo dục, là kết tinh truyền thống giáo dục văn hiến của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa giáo dục nhân loại.

Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục, để giáo dục thực sự trở thành khâu "đột phá" của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là vấn đề có ý nghĩa nền tảng, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo tư tưởng đó vào thực tiễn đa dạng và phong phú của đất nước hiện nay. Có như vậy chúng ta mới có thể đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiến lên một bước mới, xứng đáng với vị trí là "Quốc sách hàng đầu" của nó.

Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh xuất phát từ mục đích của sự nghiệp cách mạng mà Người theo đuổi, từ tình thương bao la đối với con người, từ chủ nghĩa nhân đạo cộng sản cao cả, đối với Người, con người là vốn quý nhất.

Thắng lợi của một sự nghiệp, sự hưng thịnh, tồn vong của một quốc gia suy cho cùng phụ thuộc vào con người, vào sự nghiệp "trồng người" trong đó giáo dục giữ vai trò chủ yếu.

Người không đồng tình với quan điểm coi giáo dục là vạn năng; cũng không nhất trí với quan niệm truyền thống "cha mẹ sinh con trời sinh tính", thực chất là xem nhẹ, dẫn đến phủ định vai trò của giáo dục. Người cho rằng, giáo dục góp phần vào việc rèn luyện con người, hình thành nhân cách con người, song đây chỉ là "phần nhiều".

Năm 1943, trong bài thơ nửa đêm Người nói:

"Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên"

Tin tưởng ở giáo dục nên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn chăm lo, thiết tha với vấn đề giáo dục và công tác giáo dục, vì Người thấy rõ rằng, giáo dục rất cần thiết cho cách mạng "không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”, "Xã hội càng đi tới, việc cũng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”.

Trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Để đạt được mục tiêu đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau, "những con người xã hội chủ nghĩa" Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiệm vụ cụ thể của từng cấp học, với các cấp độ khác nhau:

Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước, kết hợp với thực tiễn nước ta để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.

Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.

Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi yêu tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng, vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu.

Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy phải bền bỉ chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ thì sau này các cháu thành người tốt... Điều trước tiên dạy các cháu là đạo đức.

Những tư tưởng giáo dục lớn lao và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu là nền tảng, là phương hướng của chiến lược trồng người, chiến lược phát triển giáo dục ở nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua và đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn.

Trong hơn nửa thế kỷ đó, đi theo chỉ dẫn của Người, gắn giáo dục với kinh tế, với đời sống nhân dân phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của dân tộc, Đảng ta đã tiến hành các cuộc cải cách giáo dục lớn, nhờ đó sự nghiệp "giáo dục đào tạo đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ... phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng".

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, các quan điểm về giáo dục toàn diện, giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, giáo dục là nền tảng của phát triển kinh tế xã hội, cũng như các phương châm, phương pháp giáo dục của Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho nền giáo dục Việt Nam.

Nghiên cứu, truyền bá, học tập, vận dụng tư tưởng của Người về giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện con người vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là định hướng của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

      Nguyễn Thị Kim Hồng
                                                 (Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình)

  • Từ khóa