Thứ 2, 02/12/2024, 18:42[GMT+7]

Sáng tạo để đào tạo đạt chuẩn và đào tạo theo nhu cầu xã hội

Thứ 2, 15/11/2010 | 14:17:40
2,489 lượt xem
Thực hiện đề án 26 - ĐA/TU ngày 08/4/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo cán bộ xã, phường có trình độ cao đẳng, đại học; Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật đã có nhiều giải pháp sáng tạo để đào tạo đạt chuẩn, đào tạo theo nhu cầu xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học Quản lý Kinh tế, Kỹ thuật.

Cuối năm 2008, đề tài về đổi mới tổ chức quản lý công tác đào tạo theo Đề án 26 do Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Dũng (người đứng giữa) - Hiệu trưởng nhà trường chủ nhiệm đã được Hội thi sáng tạo kỹ thuật Tỉnh tặng giải Nhì và được dư luận đánh giá rất cao.

Nhà trường đã tập trung cho nhiệm vụ này bằng các hoạt động, công việc cụ thể:

 

Thứ nhất, tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ xã có trình độ cao đẳng, đại học” có sự tham gia của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục - Đào tạo và cán bộ xã phường.

 

Thứ hai, Xây dựng nghị quyết 07/NQ-ĐU của Đảng uỷ nhà trường về “Nâng cao chất lượng các lớp đào tạo cán bộ xã, phường theo Đề án 26” với các giải pháp cụ thể về đổi mới mục tiêu đào tạo, đổi mới nội dung chương trình, đổi mới cách dạy, cách học, cách quản lý, cách đi thực tế, cách thi cử; rèn luyện 5 kỹ năng của người cán bộ lãnh đạo, quản lý.

 

Về đổi mới mục tiêu đào tạo: nhà trường đào tạo theo hướng hình thành 5 kỹ năng. Đồng thời, xây dựng 5 chuẩn mực đạo đức để rèn luyện sự tận tâm, tận tụy với công việc, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.

 

Về đổi mới nội dung chương trình đào tạo, nhà trường đã thiết kế một chương trình học vừa coi trọng chuyên môn, vừa chú ý đào tạo kỹ năng lãnh đạo quản lý và kiến thức tổng hợp. Cụ thể là các ngành đào tạo về kỹ thuật bổ sung thêm chương trình đào tạo về kinh tế; đào tạo các ngành kinh tế bổ sung thêm chương trình đào tạo về kỹ thuật; bổ sung phần kỹ năng công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng; bổ sung thêm một số môn Luật phục vụ thiết thực trong quản lý như Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Ngân sách, vấn đề Quản lý nhà nước về tài chính ngân sách...

 

Để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ theo Đề án 26, nhà trường đặc biệt chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy bằng hàng loạt các quy trình khoa học đã được lượng hoá như 5 yêu cầu của một bài giảng, quy trình giảng dạy 5 bước, môn học 5 có, bài giảng 5 có; Mỗi môn học (hoặc nhóm môn học) có 3 báo cáo bổ sung đó là báo cáo của Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà khoa học đầu ngành; báo cáo của lãnh đạo ngành; báo cáo của cơ sở (doanh nghiệp, xã, phường).

 

Tập trung đào tạo 3 chân kiềng kiến thức là những môn chuyên ngành, những môn trọng tâm và tin học, ngoại ngữ, giảm thời lượng lý thuyết 15- 20% để tăng cường thời gian hướng dẫn thực tế tại cơ sở, phát huy khả năng tự học, tự đào tạo, tự nghiên cứu của người học.

 

Nhà trường thường xuyên tổ chức các Hội nghị, Hội thảo tập huấn như Hội thi sáng kiến kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy; Hội thi sáng kiến kinh nghiệm quản lý của giáo viên chủ nhiệm; Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp Tỉnh và tham gia thi cấp toàn quốc. 

 

Về đổi mới cách đi thực tế và làm luận văn tốt nghiệp: việc viết chuyên đề thực tập tốt nghiệp sau đó nâng cấp thành luận văn tốt nghiệp thay cho một môn thi và tổ chức bảo vệ luận văn tại địa phương, luận văn tốt nghiệp phải sưu tầm xử lý một tình huống kinh tế phát sinh có liên hệ với chức danh đảm nhiệm về việc chỉ đạo thực hiện những giải pháp, ý tưởng của luận văn khi được xã duyệt là những đề án phát triển kinh tế của địa phương thì được điều hành như thế nào, được đánh giá là một cách làm độc đáo, sáng tạo, rất phù hợp với đào tạo cán bộ xã phường và đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.

 

Thứ ba, Hướng dẫn sinh viên Đề án 26 tập trung nghiên cứu chuyên đề là những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bức xúc của địa phương trong phát triển kinh tế đang cần phải tháo gỡ như chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tiêu thụ sản phẩm hàng hoá; phát triển làng nghề và doanh nghiệp làng nghề; quy hoạch vùng kinh tế; phát triển kinh tế gia trại, trang trại; phát huy hiệu quả sử dụng đất; quản lý tài chính ngân sách xã; vấn đề đào tạo sử dụng lao động ở địa phương; quản lý dự án đầu tư, phát triển kinh tế biển bền vững...

 

Thứ tư, Hàng năm nhà trường tổ chức hội nghị vận dụng kết quả học tập và ứng dụng luận văn tốt nghiệp để phát triển kinh tế xã hội địa phương và mời các đồng chí cán bộ chủ chốt xã (Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND xã) và các đồng chí cán bộ nghiệp vụ chuyên môn nguyên là sinh viên đã học tại trường về trường để báo cáo kết quả ứng dụng các giải pháp cụ thể của luận văn sinh viên đã nghiên cứu vào việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. 

 

Việc đổi mới phương pháp đào tạo của nhà trường được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Vụ Giáo dục Đại học và các Vụ về thăm, làm việc với nhà trường đồng tình đánh giá cao và luôn quan tâm khích lệ cổ vũ, cho ý kiến để Nhà trường làm tốt hơn.

 

Tại Hội nghị phát động thi đua thực hiện Nghị quyết TW 07 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” của các tỉnh đồng bằng sông Hồng tháng 11 năm 2008, GS.Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch nước đã phát biểu: “Cách đào tạo cán bộ có trình độ Cao đẳng, Đại học theo Đề án 26 của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Bình là sự sáng tạo và rất có hiệu quả, các tỉnh cần nghiên cứu học tập”. Và các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Namon>, Hải Dương... khi về thăm, nghiên cứu, học tập đều đánh giá cao phương pháp, cách làm của nhà trường.

 

Phát huy những kết quả đạt được, trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Bình đang tích cực chuẩn bị cho việc “đưa nội dung xây dựng nông thôn mới vào chương trình đào tạo cán bộ xã phường theo Đề án 26” nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVIII.

TS. Trần Thị Bích Hằng

      Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng KTKT

 

  • Từ khóa