Thứ 2, 02/12/2024, 18:48[GMT+7]

Hướng tới mục tiêu “Nhà giáo mẫu mực, học sinh chăm ngoan, môi trường giáo dục lành mạnh”

Thứ 6, 19/11/2010 | 07:30:45
6,734 lượt xem
Chào mừng kỷ niệm 28 năm ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là dịp để ngành Giáo dục tổng kết lại các phong trào thi đua, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua: Dạy tốt - Học tốt. Năm học 2009-2010 được Bộ GD&ĐT xác định là năm “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Đồng chí Đặng Phương Bắc,Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo trao cờ của Sở giáo dục đào tạo cho các đoàn tại hội nghị tuyên dương thành tích học sinh giỏi kỳ thi 2009 – 2010. Ảnh: Thành Tâm

Đứng trước thực tế ấy, trong phong trào thi đua chung của toàn ngành, giáo dục-đào tạo Thái Bình đã khẳng định mình bằng những kết quả đã đạt được: quy mô các ngành học, cấp học được củng cố và mở rộng, các loại hình trường lớp phát triển đa dạng.

 

Tiếp tục quán triệt quan điểm đổi mới phương pháp dạy học; đầu năm học Sở GD-ĐT đã tổ chức lớp tập huấn đối với giáo viên dạy Thể dục, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục thể chất ở các nhà trường; Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tốt chuyên đề “Vở sạch – Chữ đẹp” và 4 chuyên đề “Đổi mới Phương pháp dạy học gắn với thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng” đối với 2 môn Toán, Tiếng Việt ở tất cả các khối lớp.

 

Việc sử dụng CNTT, soạn giáo án theo hướng cải tiến tiếp tục được quan tâm, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả giờ lên lớp. Một số đơn vị đã kết nối mạng cho 100% đơn vị trường học, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại (Bảng tương tác - thông minh), tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp. 

 

Giao lưu Toán tuổi thơ cấp tỉnh năm nay tiếp tục được đổi mới, kết quả đã có 16 Huy chương Vàng thuộc về Đông Hưng (8), Thành phố (3), Thái Thụy (3), Vũ Thư (1), Quỳnh Phụ (1).  Cuộc thi giải toán qua mạng đã thu hút đông đảo học sinh Thái Bình tham gia, tất cả các huyện thành phố đều có học sinh dự thi. Kết quả ở cấp tỉnh: Nhất: huyện Đông Hưng; Nhì: Thành phố và Quỳnh Phụ; Ba: Thái Thụy, Vũ Thư và Kiến Xương.

 

Ở cấp quốc gia, huyện Đông Hưng đại diện cho tỉnh tham dự, kết quả toàn đoàn đoạt Huy chương Vàng, cả hai đội Tiểu học, THCS của Thái Bình đều đoạt giải nhất Quốc gia. Thi Ôlimpic Tiếng Anh tiểu học cấp quốc gia 3 học sinh của thành phố Thái Bình dự thi đều đạt huy chương Vàng trong đó 1 em đoạt giải giao tiếp xuất sắc. Các phòng GD đã tổ chức tốt kỳ thi Vở sạch – Chữ đẹp. Nhiều đơn vị  tích cực mở các lớp bổ túc văn hoá ở Tiểu học và tổ chức kiểm tra xét công nhận hoàn thành chương trình cho các đối tượng không có điều kiện học tập tại các trường lớp chính quy.

 

Toàn tỉnh vận động 1.434 học sinh khuyết tật học hoà nhập, toàn bậc học thường xuyên quan tâm đến 715 em diện chính sách và 4.165 em có hoàn cảnh khó khăn. Đã có 275/293 trường đạt chuẩn quốc gia (=93,85%) trong đó có 46 trường đạt chuẩn mức 2.

 

Với giáo dục trung học, cấp  THCS  tổng số 271 trường với 98.482 học sinh. Cấp  THPT, toàn tỉnh có 41 trường,  63.796 học sinh, trong đó 28 trường công lập, 13 trường ngoài  công lập, 1 trường Chuyên. Tích cực thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường của bậc giáo dục Trung học đã chỉ đạo thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của từng địa phương. 

 

Đẩy mạnh hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở cả hai cấp THCS và THPT. Việc cải tiến phương pháp giảng dạy cho phù hợp với nội dung chương trình SGK mới được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, nhiều thầy cô giáo nhiệt tình, tích cực đổi mới phương pháp trong giảng dạy, nhiều tiết dạy đã thể hiện khá rõ nét việc đổi mới đồng bộ về cả nội dung, phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy- học. 

 

Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia được các bậc học quan tâm, coi đây là một hệ điều kiện cần thiết cho nhiệm vụ dạy và học của các nhà trường. Tính đến nay đã có 138/271 trường THCS, 14/41 trường THPT được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.

 

Quan tâm giúp đỡ học sinh yếu kém, chỉ đạo các trường khảo sát, phân loại  học sinh yếu kém ngay từ  tuần 2 của năm học, xây dựng kế hoạch và thực hiện việc phụ kém cho học sinh, các nhà trường đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng học tập cho đối tượng học sinh yếu kém, động viên khích lệ kịp thời những cố gắng của các em.

 

Trọng tâm bồi dưỡng học sinh giỏi được các nhà trường quan tâm đầu tư. Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm nay toàn tỉnh có 640 em dự thi, trong đó 408 em đoạt giải, đạt tỷ lệ 63,75% (23 giải Nhất; 127 giải Nhì; 177 giải Ba; 81 giải Khuyến khích). Đoạt giải Nhất toàn đoàn là Thành phố;  giải Nhì: Thái Thụy; giải Ba: Đông Hưng, Kiến Xương; giải Khuyến khích: Vũ Thư, Hưng Hà.

 

Trong kỳ thi HSG lớp 12, đoạt vị trí nhất, nhì, ba là các đơn vị: Nguyễn Du; Nguyễn Đức Cảnh, Bắc Đông Quan, Quỳnh Côi; Bắc Duyên Hà , Đông Thụy Anh, Tây Tiền Hải, Nam Đông Quan. So với năm học trước, nhiều đơn vị đã cố gắng vươn lên.

 

Kỳ thi HSG quốc gia năm học 2009-2010, Thái Bình có 56/65 học sinh đoạt giải, trong đó 01 giải Nhất, 15 giải Nhì; 31 giải Ba; 9 giải Khuyến khích. có 01 học sinh đoạt giải Nhì môn Vật lý đã được dự thi chọn đội tuyển Ôlympic môn Vật lý. Tỷ lệ học sinh đạt giải là 86,15%, cao nhất từ trước tới nay, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

 

Năm nay về số lượng giải chúng ta đã vươn lên, về chất lượng giải cũng đã được cải thiện đáng kể, có giải Nhất, nhiều giải nhì, giải ba và tất cả các đội tuyển tham dự  kỳ thi đều đoạt giải. Kỳ thi ĐH năm 2010 Thái Bình vẫn là tỉnh có tỷ lệ học sinh thi đỗ cao, vào tốp đầu cả nước. Có 9 trường THPT được xếp vào tốp 200 trường THPT có tỷ lệ học sinh thi ĐH đạt điểm cao trong toàn quốc. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,72%. Xếp thứ 3 toàn quốc.

 

Ngành học giáo dục thường xuyên có 10 Trung tâm GDTX, 01 Trung tâm Tin học-Ngoại ngữ, 286 Trung tâm HTCĐ. Các trung tâm đều hoạt động nền nếp hiệu quả, hoàn thành mục tiêu đề ra. Các trung tâm GDTX đã kết hợp tốt với hội khuyến học và các ngành giúp các trung tâm H.T.C.Đ tổ chức hoạt động hiệu quả. Đánh giá xếp loại hoạt động của các trung tâm HTCĐ có 189 trung tâm xếp loại tốt (=66%), 95 trung tâm xếp loại khá (=33,2%), 2 trung tâm xếp loại trung bình (=0,8%). Kỳ thi tốt nghiệp Bổ túc THPT đạt tỷ lệ 97,67%, xếp tứ 5 của cả nước.

 

Khối giáo dục Chuyên nghiệp quy mô được củng cố và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 3 trường và 7 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với 5.914 học sinh. Các trường đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo hướng vào chủ đề năm học; Thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành. Tổ chức rút kinh nghiệm và tiếp tục giảng dạy về “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho HS, SV.

 

Công tác đổi mới phương pháp dạy học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, biên soạn tài liệu, giáo trình giảng dạy được nhà trường quan tâm đầu tư. Nhiều trường đã tích cực mở rộng mã ngành đào tạo, mua sắm trang thiết bị, tăng thời lượng thực hành trong chương trình đào tạo. Công tác quản lý về liên kết đào tạo đại học cao đẳng trên địa bàn tỉnh năm nay đã được kiểm tra, chấn chỉnh nghiêm túc.

 

Công tác thu nhận, trả hồ sơ tuyển sinh ĐH-CĐ được thực hiện đúng quy định, không xảy ra sai xót. Công tác nghiên cứu khoa học được triển khai tới các đơn vị cơ sở, có 16 đề tài đã đăng ký trong năm 2010 để nộp về hội đồng khoa học tỉnh xét duyệt. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành đã được đẩy mạnh. Tin học đã và đang nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà trường, nhiều đơn vị là điển hình tiên tiến về ứng dụng CNTT, mô hình trường học điện tử.

 

Hơn nửa thập kỷ qua, chúng ta luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, bước vào năm học 2010-2011 toàn ngành đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về phát triển sự nghiệp giáo dục, phát huy những kết quả đã đạt được, triển khai sâu rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với trọng tâm “ Nhà giáo mẫu mực, học sinh chăm ngoan, môi trường giáo dục lành mạnh”. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Tích cực đổi mới phương pháp dạy học; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị cho các nhà trường, tích cực thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, hoàn thành chuyển đổi loại hình trường bán công, tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Coi trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến.

 

Làm tốt công tác vệ sinh học đường, đảm bảo nhà trường xanh - sạch - đẹp, đủ nước uống hợp vệ sinh, không khói thuốc lá. Cảnh quan trường học phải thực sự là một môi trường sư phạm có tác dụng giáo dục tốt, thân thiện, an toàn đối với học sinh. Chú ý công tác giáo dục thể chất, giáo dục pháp luật, giáo dục quốc phòng, các hoạt động đoàn đội, an toàn giao thông, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, thực hiện không có ma tuý và bạo lực trong tuổi trẻ học đường góp phần giáo dục toàn diện học sinh.

 

Được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương và với sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành chúng ta tin tưởng  giáo dục- đào tạo Thái Bình ngày càng phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

 

Đặng Phương Bắc

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo

 

  • Từ khóa