Thứ 2, 02/12/2024, 18:59[GMT+7]

Thái Bình 15 năm đối phó với HIV/AIDS

Thứ 4, 24/11/2010 | 08:07:35
3,653 lượt xem
Từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1996, đến nay, cuộc chiến với HIV/AIDS của Thái Bình kéo dài được 15 năm.

Đồng chí Nguyễn Trọng Bình Giám đốc Sở y tế phát biểu tại Hội nghị triển khai tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2010.

Trong suốt chặng đường đã qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

 

Sau 15 năm, hệ thống làm công tác phòng chống HIV/AIDS trực tiếp là Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm và phòng chống HIV/AIDS từ tỉnh đến xã đã được thành lập, từng bước kiện toàn và đi vào hoạt động có nền nếp.

 

Ngành y tế là đơn vị thường trực đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND, phối hợp với các ngành triển khai các hoạt động phòng lây nhiễm HIV/AIDS có hiệu quả. Đặc biệt, từ năm 2004, công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh đã thực sự bước sang giai đoạn mới với sự ra đời của Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phòng chống ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS.

 

Với những định hướng quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết 10 không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà còn  thể hiện sự cam kết chính trị của Đảng bộ, chính quyền đối với công tác này. Vì vậy, những năm gần đây, công tác phòng chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực:

 

Công tác thông tin, giáo dục truyền thông được tăng cường, đổi mới và đa dạng, ngày càng hướng vào chiều sâu thông qua việc đẩy mạnh các hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Nhận thức của các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân được nâng cao, sự phân biệt, kỳ thị về HIV/AIDS trong tỉnh đang dần được hạn chế, người nhiễm HIV/AIDS ở Thái Bình đang tự tin sống hòa nhập cùng cộng đồng; đã thành lập được 10 câu lạc bộ của người nhiễm HIV/AIDS. Không ít người nhiễm HIV/AIDS đã dám công khai mình và tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS....

 

Chương trình can thiệp giảm tác hại được triển khai khá hiệu quả với việc thành lập được 3 câu lạc bộ giáo dục đồng đẳng của người nghiện chích ma túy, một câu lạc bộ của nhóm nhân viên nhà hàng, khách sạn. Tập trung vào hoạt động nâng cao kiến thức phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho nhóm ma túy, mại dâm, hàng năm các nhóm đã tiếp cận, phân phát được hàng trăm nghìn tờ rơi, bao cao su, bơm kim tiêm. Vì vậy, những năm gần đây, số nhiễm HIV/AIDS trong nhóm ma túy, mại dâm đang có xu hướng giảm.

 

Chương trình chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS được các cấp ngành, địa phương quan tâm, tổ chức triển khai rộng rãi với các hoạt động như thăm hỏi, tặng quà... cho người nhiễm HIV và gia đình họ. Những năm gần đây, chương trình phát triển lên quy mô lớn hơn với nhiều hoạt động như nâng cao kiến thức về chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS tại nhà cho cán bộ y tế các tuyến và gia đình người nhiễm, tăng cường hoạt động hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS như hỗ trợ tạo việc làm, vốn sản xuất, huy động sự tham gia của ngưòi nhiễm trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thông qua các câu lạc bộ của người nhiễm.

 

Năm 2009, Thái Bình thành lập Ban điều hành của những người nhiễm – Mạng lưới Hy vọng. Năm 2009, dưới sự hỗ trợ của tổ chức LIFE - GAP, Ban chỉ đạo tỉnh đó tổ chức rà soát toàn bộ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của tỉnh để đưa vào chương trình hỗ trợ đặc biệt (OVC). Hiện nay, đang có hơn 400 trẻ em bị ảnh hưởng được hỗ trợ các nhu cầu về ăn, ở, học tập...

 

Chương trình tiếp cận điều trị ngày càng được thực hiện trên phạm vi rộng và nâng cao chất lượng. Năm 2003, toàn tỉnh chỉ có một cơ sở khám và chữa bệnh cho người nhiễm tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến nay, đã phát triển lên 6 cơ sở, bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho bệnh nhân AIDS trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 30/6/2010, tổng số bệnh nhân đang quản lý là 797 người, số bệnh nhân đang điều trị ARV là 421 người, trong đó số trẻ em được quản lý, điều trị ARV và điều trị nhiễm trùng cơ hội là 118 em.

 

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đang có nhiều chuyển biến tích cực, hướng vào chiều sâu bằng việc tăng cường công tác tư vấn, xét nghiệm cho bà mẹ mang thai. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đều có dịch vụ tư vấn, xét nghiệm cho bà mẹ mang thai.

 

Có hai cơ sở là Bệnh viện Phụ sản và Khoa sản bệnh viện Đa khoa Kiến xương triển khai phòng lây nhiễm từ mẹ sang con với việc bảo đảm 100% phụ nữ  mang thai nhiễm HIV được tư vấn về HIV, được khám sức khỏe định kỳ, được cấp thuốc dự phòng lây truyền HIV sang con miễn phí, trẻ em được sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được uống thuốc ARV dự phòng và được cấp sữa miễn phí đến 18 tháng tuổi.

 

Chương trình giám sát theo dõi: Hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá được củng cố, công tác giám sát dịch, thống kê, báo cáo được chấn chỉnh thường xuyên với độ chính xác cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.

 

Công tác an toàn truyền máu: Các đơn vị khám chữa bệnh triển khai tốt chương trình, bảo đảm 100% túi máu được sàng lọc HIV.

 

Chương trình nâng cao năng lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS: Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS được bổ sung về số lượng và nâng cao chất lượng, thường xuyên được tham dự các khóa tập huấn từ trung ương đến tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác phòng chống HIV/AIDS.

 

Tuy nhiên, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Thái Bình cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức: Tình hình dịch chưa được khống chế, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ, dịch đã không chỉ còn tập trung trong những nhóm đối tượng nguy cơ cao mà đang có xu hướng lây nhanh trong cộng đồng dân cư. Các hoạt động can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, điều trị, dự phòng lây nhiễm HIV độ bao phủ chưa rộng, kinh phí cho các hoạt động can thiệp chủ yếu từ các dự án Quốc tế tài trợ.

 

Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng Chống HIV/AIDS còn thiếu trong khi số bệnh nhân HIV/AIDS tăng làm cho hoạt động giám sát, hỗ trợ điều trị HIV/AIDS tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn xảy ra tại cộng đồng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến phụ nữ và trẻ em không được phát hiện sớm.

 

Công tác thông tin, giáo dục, Truyền thông chưa có sự phối hợp mạnh mẽ giữa các ban ngành, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong phòng chống ma tuý và HIV/AIDS chưa được kiểm tra đánh giá thường xuyên tại một số cơ sở, các hoạt động truyền thông đôi khi còn mang tính bề nổi hình thức. Để công tác phòng chống HIV/AIDS tiếp tục đạt kết quả, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới là:

 

1.Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác phòng chống HIV/AIDS, làm sâu sắc hơn nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức công tác phòng chống AIDS, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân tham gia phòng chống AIDS tại cộng đồng dân cư”.

 

2. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về công tác phòng chống  HIV/AIDS nhằm giảm sự phân biệt, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng vào hoạt động chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, can thiệp giảm tác hại nhằm xóa bỏ sự kỳ thị và rào cản với người nhiễm HIV/AIDS.

 

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại các tuyến, trong đó chú trọng đến sự phối hợp giữa các ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo trong việc chỉ đạo, giám sát hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Từng bước củng cố, hoàn thiện và nâng chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn đáp ứng cơ bản công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

 

4. Nâng cao chất lượng chuyên môn trong các hoạt động chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, an toàn trong phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong các dịch vụ y tế. Tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, lây nhiễm từ mẹ sang con... 

 

5. Tăng cường các nguồn lực, triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước trong phòng chống HIV/AIDS.

Với sự chỉ đạo, vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, công tác phòng chống HIV/AIDS chắc chắn sẽ tiếp tục gặt hái những thành công, Thái Bình sẽ sớm khống chế và từng bước đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.

 

  TTƯT- BSCKII: Nguyễn Trọng Bình

      Giám đốc Sở Y tế Thái Bình

 

  • Từ khóa