Thứ 6, 25/04/2025, 09:51[GMT+7]

Thái Bình – Quá trình hình thành đất đai và tên đất qua các thời

Thứ 2, 16/03/2015 | 10:42:30
36,423 lượt xem
Từ đầu thế kỷ XXI, công tác nghiên cứu, xuất bản địa chí Thái Bình được đặc biệt quan tâm, năm 2010 sách “Ðịa chí Thái Bình” được xuất bản.

Thành phố Thái Bình được quy hoạch và xây dựng hiện đại. Ảnh: Thành Tâm

 

Sách đã công bố nhiều thông số về địa mạo, địa tầng, thủy văn... và cho biết:

 

“Thái Bình là tỉnh đồng bằng, không có đồi núi, độ cao địa hình từ 0,8m đến 2,5m so với mực nước biển. Bề mặt địa hình không lộ đá gốc (đá cứng) mà chỉ có các loại đất đá là các trầm tích trẻ bở rời được thành tạo, cổ nhất khoảng 6 nghìn năm trước đây và tiếp tục được bồi đắp cho đến ngày nay. Ðá gốc là đá cứng chỉ gặp ở các lỗ khoan sâu (lỗ khoan thăm dò, lỗ khoan khai thác khí…). Ðịa tầng địa chất tỉnh Thái Bình từ dưới lên trên gồm 11 hệ tầng, trong đó có 6 hệ tầng là đá gốc và 5 hệ tầng là đất đá bở rời, đó là: hệ tầng Phù Tiên (được hình thành cách đây 33,6 - 57,8 triệu năm); hệ tầng Ðình Cao (23,6 - 33,6 triệu năm); hệ tầng Phong Châu, hệ tầng Phủ Cừ, hệ tầng Tiên Hưng (3 hệ tầng này được hình thành cách đây 5,1 - 23,6 triệu năm); hệ tầng Vĩnh Bảo (1,6 - 5,1 triệu năm); hệ tầng Lệ Chi (700 - 1.600 nghìn năm); hệ tầng Hà Nội (10 - 700 nghìn năm); hệ tầng Vĩnh Phúc (10 - 125 nghìn năm); hệ tầng Hải Hưng (3 - 10 nghìn năm); hệ tầng Thái Bình (3 nghìn năm đến ngày nay). Các khoáng sản có liên quan đến các hệ tầng là: Khí đốt (trong hệ tầng Tiên Hưng), than nâu (trong hệ tầng Tiên Hưng), sét gốm (trong hệ tầng Hải Hưng), ti tan và sét gạch ngói (trong hệ tầng Thái Bình), nước khoáng nóng (trong hệ tầng Hà Nội và hệ tầng Tiên Hưng)”. Kết luận trên khẳng định đất đai Thái Bình thấp nhất cũng có lịch sử 3.000 năm.

Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Ðức (Hưng Hà).

 

Thời các vua Hùng nước Văn Lang có 15 bộ, đất Thái Bình thuộc Bộ Lục Hải (Biển Xanh). Thời nước ta bị phong kiến Trung Quốc thống trị (thời Bắc thuộc) đất Thái Bình thuộc quận Giao Chỉ. Dưới quận, huyện là Hương, Thái Bình thời ấy có các hương: Ða Cương (Hưng Hà, Ðông Hưng), Thái Bình (Thái Thụy và một phần Ðông Hưng), A Côi, Tù Hương (Quỳnh Phụ), Màn Ðể (Vũ Thư), Cổ Chảm (Kiến Xương), Kỳ Bố (thành phố Thái Bình)...

 

Ðầu thế kỷ thứ X, đất Thái Bình thuộc hai châu: Phía Bắc tỉnh là châu Ðằng, phía Nam tỉnh là châu Ðặng. Năm 1005 sau khi vua Lê Ðại Hành băng hà, Lê Long Ðĩnh lên làm vua “...đổi châu Ðằng thành phủ Thái Bình”. Như vậy địa danh Thái Bình được chính sử ghi nhận từ thời ấy.

Nghề chạm bạc truyền thống xã Hồng Thái (Kiến Xương).

 

Thời Lý (1010 - 1225), năm Thuận Thiên thứ nhất (1010), vua Lý Thái Tổ chia nước ra làm 24 lộ, trên đất Thái Bình ngày nay có hai lộ: lộ Long Hưng ở phía Bắc sông Trà Lý, lộ Kiến Xương ở phía Nam sông Trà Lý. Dưới lộ, nhà Lý đã cho thành lập huyện. Lộ Long Hưng có các huyện: Ngự Thiên, Diên Hà, Thần Khê, Cổ Lan, A Côi, Ða Dực, Tây Quan, Thái Bình. Lộ Kiến Xương gồm các huyện Bổng Ðiền, Bố (Vũ Tiên), Kiến Xương, Chân Lợi.

 

Thời nhà Trần (1225 - 1400), buổi đầu khi mới lên ngôi, vua Trần Thái Tông  tổ chức lại từ 24 lộ rút xuống còn 12 lộ, đất Thái Bình vẫn thuộc hai lộ: Long Hưng, Kiến Xương. Thời Trần Thuận Tông (1388-1398), Thái sư Hồ Quý Ly lại chia nước ra làm 15 lộ. Lộ Long Hưng tách thành hai lộ: Long Hưng và An Tiêm. Lộ An Tiêm gồm 4 huyện Thái Bình, Tây Quan, Ða Dực, A Côi.

Dây chuyền sản xuất sợi Công ty BITEXCO Nam Long (thành phố Thái Bình).

 

Năm 1407 nhà Hồ lại đổi lộ An Tiêm thành phủ Tân  Hưng, sau lại đổi phủ Tân Hưng thành phủ Tân An gồm 4 huyện của phủ Tân Hưng và huyện Giáp Sơn của trấn Hải Ðông, kéo dài suốt phần đất của Thái Thụy, Quỳnh Phụ (Thái Bình) đến Chí Linh (Hải Dương), Ðông Triều (Quảng Ninh). Thời giặc Minh thống trị, lộ Long Hưng bị đổi thành phủ Trấn Man, huyện Ngự Thiên đổi thành huyện Tân Hóa. Sáp nhập Tân Hóa với Diên Hà, Thần Khê với Cổ Lan... Phủ Kiến Ninh (thời Trần là lộ Kiến Xương), nhà Minh sáp nhập huyện Bổng Ðiền, huyện Bố vào huyện Kiến Xương.

Biển cồn Vành, xã Nam Phú (Tiền Hải).

 

Thời Lê sơ (1428 - 1527), sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi chia nước làm 5 đạo, bỏ tên đất do nhà Minh đặt, trả lại tên cũ nhưng huyện Kiến Xương chỉ được tách ra làm hai huyện Thư Trì, Vũ Tiên (không còn huyện Kiến Xương). Ðời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 7 (1466) chia nước thành 12 Thừa tuyên, đổi lộ thành phủ, đổi trấn làm châu. Thái Bình từ  thời Lê Thánh Tông có ba phủ: Tân Hưng (từ năm 1600 vì kiêng húy vua Lê Kính Tông - Duy Tân, đổi gọi là Tiên Hưng) kiêm quản các huyện: Ngự Thiên, Diên Hà, Thần Khê, Thanh Lan (thời Trần là Cổ Lan). Phủ Kiến Xương kiêm quản các huyện: Chân Ðịnh, Vũ Tiên, Thư Trì. Phủ Thái Bình kiêm quản các huyện: Quỳnh Côi, Phủ Dực, Ðông Quan (Tây Quan), Thụy Anh (Thái Bình).

Cánh đồng cây vụ đông xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ).

 

Thời Mạc (1528 - 1593), Mạc Ðăng Dung lấy 3 phủ Tân Hưng, Thái Bình, Kiến Xương (Thái Bình), Khoái Châu (Hưng Yên), Thượng Hồng, Hạ Hồng (Hải Dương, Hải Phòng) lập Dương Kinh, vùng đất Thái Bình thuộc về Dương Kinh. Thời Lê Trung Hưng trả lại như cũ.

Trường THCS Hoa Hồng Bạch (Ðông Hưng).

 

Thời Lê sơ, năm 1435, lần đầu tiên sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi và sau đó là “Hồng Ðức bản đồ” (1490) đã thống kê đến làng xã. Theo “Dư địa chí” thì các phủ, huyện thuộc đất Thái Bình ngày nay có:

 

Phủ Tiên Hưng có 4 huyện: huyện Thần Khê có 8 tổng, 49 xã, thôn, phường; huyện Thanh Quan có 10 tổng, 52 xã, thôn, phường; huyện Diên Hà có 6 tổng, 59 xã, trang, phường; huyện Hưng Nhân có 6 tổng, 55 xã, thôn, phường (đơn vị phường lúc này là phường thủy cơ (đánh cá), không phải như ngày nay).

 

Cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Ðiền (Thái Thụy).

 

Phủ Thái Bình có 4 huyện: huyện Thụy Anh có 9 tổng, 59 xã, huyện Ðông Quan có 8 tổng, 55 xã, phường, sở; huyện Quỳnh Côi có 6 tổng, 47 xã, thôn, phường; huyện Phủ Dực có 6 tổng, 36 xã, thôn, phường.

 

Phủ Kiến Xương có 3 huyện: huyện Vũ Tiên có 7 tổng, 45 xã, thôn, phường; huyện Thư Trì có 8 tổng, 67 xã, trang, phường, sở; huyện Chân Ðịnh có 8 tổng, 87 xã, thôn, phường.

 

Thái Bình qua sách “Dư địa chí” có 3 phủ, 11 huyện, 519 xã, 6 thôn, trang.

 

Sách “Hồng Ðức bản đồ” ra đời vào năm 1490, sau “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi 55 năm. Ðất Thái Bình khi ấy có: phủ Tân Hưng lãnh 4 huyện, 180 xã, 19 thôn, trang, sở; phủ Kiến Xương lãnh 3 huyện, 160 xã, 2 sở; phủ Thái Bình lãnh 4 huyện 194 xã, 2 thôn, sở. Sau 55 năm Thái Bình thời ấy có 3 phủ, 11 huyện, 557 xã, thôn, trang, sở.

 

Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) chia trấn Sơn Nam thành Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, đất Thái Bình thuộc Sơn Nam Hạ.

 

Thời Tây Sơn (1788 - 1802) vẫn giữ 3 phủ, phủ vẫn kiêm nhiệm các huyện như thời Lê, chỉ đổi tên huyện Thanh Lan thành huyện Thái Ninh.

 

Thời Nguyễn và thời thuộc Pháp (1802 - 1945): trên vùng đất Thái Bình ngày nay có một số thay đổi: Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Ðịnh. Năm Minh Mệnh thứ 11 - 12 (1830 - 1831), chia nước thành các tỉnh, đổi trấn Nam Ðịnh thành tỉnh Nam Ðịnh. Huyện Thanh Lan đổi gọi là huyện Thanh Quan và tách khỏi phủ Tiên Hưng, lệ vào phủ Kiến Xương thuộc tỉnh Nam Ðịnh. Năm Tự Ðức thứ 3 (1850) lại đưa huyện Thanh Quan lệ vào phủ Thái Bình. Cùng thời gian lại tách phủ Thái Bình làm hai: phủ Thái Bình kiêm quản các huyện Thanh Quan, Ðông Quan, Thụy Anh. Phân phủ Thái Bình quản hai huyện Quỳnh Côi, Phủ Dực.

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tại xã Song An (Vũ Thư).

 

Tháng 9 năm 1828, huyện Tiền Hải được thành lập trên cơ sở số diện tích mới được mở cộng với tổng Ðại Hoàng của huyện Chân Ðịnh, tổng Tân Bồi của huyện Thanh Quan và tổng Hà Cát của huyện Giao Thủy (Nam Ðịnh). Năm 1895 lại đưa tổng Tân Bồi về phủ Thái Ninh.

 

Ngày 21/3/1890 tỉnh Thái Bình được thành lập (đổi phủ Thái Bình thành phủ Thái Ninh). 125 năm qua, cái tên Thái Bình vẫn được giữ vững, ổn định và phát triển.

Phạm Minh Đức

Thành phố Thái Bình

  • Từ khóa

Hoang long - 4 năm trước

Theo mình biết thì vào thời Hoàng đế Lê Long Đĩnh từng được vua Lê Đại Hành giao trấn giữ Đằng Châu, đồng thời là người khai sáng tên gọi phủ Thái Bình, nay là 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên nên ông cũng được nhân dân nhiều vùng 2 nơi này lập làm Thành hoàng làng thờ phụng

Nguyễn Triệu - 6 năm trước

Về huyện Thanh Quan: Như trên viết, Thời Tây Sơn (1788 - 1802) vẫn giữ 3 phủ, phủ vẫn kiêm nhiệm các huyện như thời Lê, chỉ đổi tên huyện Thanh Lan thành huyện Thái Ninh. Thời Nguyễn và thời thuộc Pháp (1802 - 1945) lại viết Huyện Thanh Lan đổi gọi là huyện Thanh Quan và tách khỏi phủ Tiên Hưng, Cùng thời gian lại tách phủ Thái Bình làm hai: phủ Thái Bình kiêm quản các huyện Thanh Quan, Ðông Quan, Thụy Anh. Vậy thời gian nào được Thanh Quan đổi thành phủ Thái Ninh ?

Tải thêm