Thứ 3, 02/07/2024, 22:14[GMT+7]

Ký ức chiến trường và những người bạn

Thứ 6, 10/04/2015 | 08:42:35
2,298 lượt xem
Vào những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi - những người lính trực tiếp chiến đấu với kẻ thù không ai là không bồi hồi nhớ lại những ký ức ở chiến trường, ký ức về những người bạn cùng sát cánh bên nhau thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, để đất nước sớm hòa bình, thống nhất.

Thanh niên xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư lên đường nhập ngũ năm 1967. Ảnh tư liệu

Mới ngày nào đồng bào cả nước từ Nam chí Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thị thành, từ ruộng đồng đến nhà máy, cơ quan, trường học... đâu đâu cũng ca vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” để mừng ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà (30/4/1975) nay đã tròn 40 năm. Vào những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi - những người lính trực tiếp chiến đấu với kẻ thù không ai là không bồi hồi nhớ lại những ký ức ở chiến trường, ký ức về những người bạn cùng sát cánh bên nhau thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, để đất nước sớm hòa bình, thống nhất.

 

Quý IV/1966, chúng tôi từ một đơn vị huấn luyện bổ sung vào chiến trường Trung và Nam Trung Bộ. Thời điểm ấy, chiến trường này vô cùng khó khăn ác liệt: xa cả hai đầu cung cấp hậu cần. Sư đoàn 3 Sao Vàng lại vừa thành lập, phải rải ra 3 tỉnh (Nam Quảng Ngãi, tỉnh Bình Ðịnh và Bắc Phú Yên), có thời điểm tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên. Trong khi đó, lực lượng địch vẫn còn sung sức. Một bên (phía ta) chỉ có 1 sư đoàn luôn luôn thiếu hụt quân số; một bên (phía địch) có Sư đoàn 22 ngụy, 3 sư đoàn Nam Triều Tiên, Lữ đoàn không vận số 1 của Mỹ và nhiều lữ đoàn dù, không kể hàng chục liên đoàn bảo an và hàng trăm đơn vị dân vệ. Vũ khí của ta chủ yếu là súng bộ binh và pháo cối hạng nhẹ; còn địch được trang bị hiện đại đến “tận răng”, bom có tới 6 - 7 loại (bom phá, bom phát quang, bom napan, bom lân tinh, bom tạ, bom tấn), pháo cũng đủ loại từ 12,7 ly đến 200 ly. Súng bộ binh của ta chủ yếu là AK, CKC, lựu đạn tự chế; phía địch ngoài súng thông thường, cực nhanh, bắn bằng tia hồng ngoại còn có cối cá nhân (M79), súng bắn đạn hóa học. Ðịch di chuyển một bước là có xe GMC, bằng trực thăng vận, xe tăng hạng nặng hàng chục tấn. Bộ đội ta thì di chuyển bằng đôi chân. Công sự chiến đấu của ta là đào hào chiến đấu. Các cấp chỉ huy của địch đổ quân đến đâu có xe tăng, máy bay di chuyển công sự bê tông tới đó. Chiến sự xảy ra, địch sử dụng máy bay đổ quân, máy bay phản lực đánh phá, xe tăng chà sát hỗ trợ cho quân trên bờ. Ở ngoài biển, các loại pháo từ các tàu chiến còn nã pháo hỗ trợ, chúng bắn không bao giờ tiếc đạn. Tại các làng có chiến sự xảy ra, khói bom đạn trùm kín đất trời. Người lính chiến nhuộm màu của đất và khói bom đạn. Nhà cửa, cây cối tàn phá tan hoang.

 

Những ngày đầu vào chiến trường, ngoài nỗi nhớ cha mẹ, quê hương, bạn bè, còn là sự khốc liệt của chiến trường, không ngày nào là không chứng kiến đồng đội mình hy sinh. Mặt đất và bầu trời không một phút bình yên. Có thể chiều còn cười đùa bên nhau, sau một đêm người bạn được cử đi đánh ém không bao giờ trở về. Một người bạn tôi quê ở Hải Dương, trong trận đánh vận động trên bãi biển đã bị một quả bom na pan trùm lên cháy như một bó đuốc sống di động. Trong tổ bám địch cho đơn vị vượt eo biển Châu Trúc, chúng tôi bị địch phục kích, hai anh Lương (quê Hải Dương), anh Du (quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã anh dũng hy sinh để tôi quay lại đưa đơn vị đi đường khác... Tôi về tiểu đoàn bộ, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 được ít lâu, anh Phan Nho Ðường quê ở Hương Khê (Hà Tĩnh), nay là Ðại tá nghỉ hưu ở thành phố Vinh tâm sự với tôi: Sư đoàn 3 thành lập ngày 2/9/1965 đến nay (vào 7/1967) được gần 2 tuổi, quân số “dưới âm” tính ra phải gấp 4 - 5 lần quân số trên mặt đất. Có những trận đánh giữ chốt như trận Ðập Ðá (cửa ngõ vào Quy Nhơn) tết Mậu Thân 1968 để chặn quân tiếp viện, sau nhiều ngày chiến đấu, Tiểu đoàn 6 chúng tôi hy sinh gần hết. Tôi là một trong hơn 10 người chiến đấu đến khi được lệnh rút, còn sống. Anh Nguyên Văn Loát, cùng nhập ngũ với tôi là Ðại đội phó Ðại đội 63, trong đêm ngày 23 tháng Chạp Ðinh Mùi (23/1/1968), trước khi vác khẩu trung liên lên mở đường máu, nói với tôi rằng: Sau này nếu tôi còn sống hãy về nói hộ với dân làng, họ hàng cha mẹ anh rằng: Loát đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Ðảng, Ðoàn đã giao phó. Anh Loát đã hy sinh anh dũng để chúng tôi rút khỏi trận địa... và sống đến hôm nay.

 

Do bị thương nên tôi phải rời đồng đội trở về quê hương làm báo. Nhớ lại những ngày ở chiến trường tôi càng bồi hồi nhớ về các địa danh, các trận chiến đấu anh dũng, thắng lợi vẻ vang của đơn  vị chúng tôi như đồi 10, đèo Nhông, Xuân Sơn, Trà Bồng, Thuận Ninh, Lại Giang, Ðập Ðá, Chóp Nhài, Mỹ Thắng, Gò Bồi… Nhiều địa danh đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Còn toàn Sư đoàn 3 Sao Vàng cũng đã được phong tặng danh hiệu “Ðơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

 

Những ký ức chiến trường và những người bạn đã cùng sát cánh chiến đấu năm xưa sẽ còn sống mãi trong tôi và các đồng đội.

Hoàng Duy

(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày