Thứ 4, 16/07/2025, 18:19[GMT+7]

Ngưỡng vọng một người con quê hương

Thứ 4, 15/04/2015 | 09:22:21
2,021 lượt xem
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về quê hương Kênh Xuyên, xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải để nghe câu chuyện của người anh hùng được suy tôn là “Người cắm cờ lần thứ hai”, người đã anh dũng hy sinh trên ngọn núi Ba Chồng trong trận đánh Định Quán (Đồng Nai). Đó là liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Văn Hoan.

Mẹ và em trai bên bức hình kỷ niệm về liệt sĩ Đặng Văn Hoan.

 

Sinh năm 1950, trước khi vào Namon> chiến đấu, Đặng Văn Hoan đang là công nhân thủy sản tại Hải Phòng. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1971 anh nhập ngũ vào Trung đoàn 5 (Quân khu 3). Tháng 9/1972, Đặng Văn Hoan được biên chế về Trung đội 5, Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4). Trung đội 5 có nhiệm vụ chặn đầu trong đánh vận động và là đơn vị mở cửa trong đánh địch phòng ngự công sự vững chắc.

 

Từ khi về Đại đội 7 cho đến ngày hy sinh, Đặng Văn Hoan đã tham gia 9 trận đánh, được tặng bằng khen về thành tích bắt sống địch ở trận Phú Thứ, danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới” ở trận đánh Lộ 7 ngang, bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở cửa trận Đồng Xoài - Phước Long, Huân chương Giải phóng hạng Nhì với thành tích chiến đấu ở trận Định Quán. Anh đã cùng đồng đội góp phần xây dựng, vun đắp bề dày truyền thống của Đại đội 7 anh hùng.

 

 Giờ đây, mỗi lần đồng đội sum họp bên nhau, cùng ôn lại một thời binh lửa, họ lại nhắc đến người Trung đội phó Trung đội 5 mưu trí, kiên cường, đã anh dũng ngã xuống khi ngày toàn thắng còn không xa; nhớ lại hình ảnh Đặng Văn Hoan trong trận đánh chi khu Đồng Xoài ngày 26/12/1974 đã dũng cảm trực tiếp đánh quả bộc phá đầu tiên mở cửa, dùng thân mình vắt qua hàng rào cuối cùng làm cầu cho đồng đội vượt qua, tiếp tục chiến đấu sâu vào bên trong trận địa địch. 

 

Thế hệ mai sau vẫn luôn nhớ đến một Đặng Văn Hoan dũng cảm cắm cờ trước dinh Tỉnh trưởng Phước Long ngày 6/1/1975 trong khi địch còn chưa hoàn toàn bị vô hiệu hóa, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bộ đội ta giành thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch đường 14 - Phước Long.

 

Ngọn núi Ba Chồng - một địa danh lịch sử của huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai vẫn sừng sững hiên ngang, là minh chứng của một thời đạn lửa chiến tranh. Đó cũng là nơi tạc ghi công ơn những người chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, không tiếc máu xương, ngã xuống để mở toang tuyến phòng thủ ở hướng Đông Bắc Sài Gòn, mở thông quốc lộ 20 - tuyến giao thông chiến lược nối liền miền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên trong trận tiến công chi khu quân sự Định Quán ngày 18/3/1975. Trong đó có hình ảnh Trung đội phó Đặng Văn Hoan phất cao ngọn cờ xung trận và anh dũng hy sinh trên ngọn núi Ba Chồng khi tay vẫn nắm chặt lá cờ giải phóng đã đi vào lịch sử, là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Sau trận đánh này, liệt sĩ Đặng Văn Hoan đã được đồng đội suy tôn danh hiệu “Người cắm cờ lần thứ hai”.

 

Những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc của liệt sĩ Đặng Văn Hoan trong những năm tháng chiến đấu chống giặc ngoại xâm không chỉ là niềm tự hào của đồng đội, gia đình, dòng họ, quê hương mà còn tô thắm thêm truyền thống hào hùng của Quân đoàn 4 nói riêng, Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung. Để rồi, 40 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, liệt sĩ Đặng Văn Hoan được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Trò chuyện với anh Đặng Văn Việt, em trai liệt sĩ Đặng Văn Hoan, chúng tôi thấu hiểu nỗi lòng của người mẹ tuổi đã ngoài 90 và những người em 40 năm qua luôn trăn trở đi tìm hài cốt anh trai. Câu thơ: “Tôn em là bậc anh hùng/Lấy núi Ba Chồng làm mộ cho em” của người đồng đội viết cho liệt sĩ Đặng Văn Hoan vang lên giữa hàng nghìn ngôi mộ không tên như đã nói hộ điều đó.

 

Tất Đạt

  • Từ khóa