Thứ 3, 07/01/2025, 05:45[GMT+7]

Nên cấy sạ hàng theo phương thức hàng rộng – hàng hẹp

Thứ 4, 01/12/2010 | 09:06:28
9,379 lượt xem
Để lúa có năng suất cao thì trong kỹ thuật cấy cần lưu ý: cấy mạ non, cấy nông và cấy thưa.

Để lúa có năng suất cao thì trong kỹ thuật cấy cần lưu ý: cấy mạ non, cấy nông và cấy thưa. Ảnh nguồn internet

Thứ nhất, cấy mạ non khi mạ có 2,5-3 lá (mạ sân, mạ dầy xúc...). Mạ non đẻ khỏe, khả năng phục hồi nhanh, bông to, năng suất cao.

 

Thứ hai, cấy nông, cấy gửi tạo điều kiện cho cây lúa đẻ ngay từ mắt đốt đầu tiên trên tầng đất mặt. Ngược lại cấy dúi sâu, đặc biệt là khi đất chưa lắng bùn, cây lúa mất hai đốt đầu tiên nên không còn hai bông to đẻ ra từ nhánh đầu tiên nữa làm năng suất lúa bị giảm.

 

Thứ ba, cấy thưa: Trước đây, khi dinh dưỡng cho cây lúa không nhiều thì: cấy thưa thừa đất, cấy dầy thóc chất đầy kho. Ngày nay, có nhiều phân hóa học, phân vô cơ, lượng dinh dương nhiều, thì cần phải cấy thưa, tạo điều kiện thông thoáng để cây ít sâu bệnh kết hợp điều tiết nước hợp lý cây lúa đẻ khỏe, năng suất cao: cấy thưa thừa thóc.

 

Có một thực tế: cây lúa ria bờ bao giờ cũng đẻ khỏe, bông to, năng suất cao, ít sâu bệnh, chống đổ tốt. Vì quần thể cây thông thoáng, từ khi cấy đến khi kín hàng lúc nào ánh sáng cũng chiếu xuống gốc, thân, lá lúa kích thích chồi gốc giúp cây lúa đẻ sớm, đẻ khỏe, tạo điều kiện cho cây lúa cứng thân, dầy lá... tăng khả năng chống đổ, hạn chế sâu bệnh, tăng hiệu suất quang hợp giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt, khóm lúa nhiều bông, bông to, hạt mẩy.

 

Để cây nào trong quần thể ruộng cũng là cây ria bờ thì nên cấy hàng rộng – hàng hẹp (hay còn gọi là hiệu ứng hàng biên). Cách làm như sau:

 

- Trước khi bừa, bón toàn bộ phân lót để phân vùi sâu vào trong lòng đất, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển đâm sâu sau này chống đổ tốt mà lại đỡ mất phân... Tùy ruộng, tùy phân mà bón với lượng khác nhau. Nhưng nên bón bằng các loại phân NPK chuyên lót, ví dụ như 6:11:2 thì bón 1 bao 25kg + 2 tạ phân chuồng/sào (không có phân chuồng thì thay thế bằng 5-7 kg phân vi sinh Azotobacterin/sào bón cùng phân lót). Sau khi bừa chờ lắng bùn, gạn bớt nước trong cho vừaç nước rồi cấy. Không nên sốt ruột, bùn chưa lắng đã xuống cấy sau này lúa bị bó gốc chậm phát triển.

 

- Cấy hai hàng dẹp cách nhau 14-15cm, tiếp đó cấy một hàng rộng cách hàng trước 28-30cm, rồi lại cấy một hàng cách hàng vừa cấy 14-15cm. Làm như vậy sẽ tạo ra hàng rộng – hàng hẹp, hàng rộng 28-30cm, hàng hẹp 14-15cm. Như vậy, cây lúa nào cũng như cây ria bờ phát huy được hiệu ứng hàng biên.

 

- Về mật độ cấy: giống đẻ khỏe như lúa lai, BC 15 cấy 1-2 dảnh/khóm; giống đẻ kém hơn như TBR1, Q5, BT7 cấy 2-3 dảnh/khóm. Mật độ cấy xung quanh 32-35 khóm/m2.

 

Cấy xong giữ một lớp nước nông, Khi lúa cấy được 7-10 ngày bén rễ hồi xanh bón thúc ngay để cây có dinh dưỡng đẻ nhánh sớm, đẻ tập trung, đẻ khỏe, bông to, không đẻ nhánh lai rai. Tùy thuộc vào từng loại phân mà lượng bón khác nhau. Nên bón NPK chuyên thúc, như hàm lượng 16:5:17 thì bón 10-12 kg/sào, trong trường hợp không thể có phân NPK thì mới bón phân đơn, kết hợp bón luôn 4-5kg đạm + 5-6 kaly/sào. Bón xong nên dùa đục nước để đỡ mất phân.

 

Với kéo dàn sạ: bón phân lót như lúa cấy sau đó san phẳng mặt ruộng, chia luống rộng khoảng 2,4-2,5m, vụ mùa nên lên luống hình mui rùa để thoát nước tốt.

 

Với kéo sạ thì tiêu chuẩn về mộng mạ khắt khe hơn. Sau khi hạt nứt nanh tiến hành ngâm nước, ngâm 12-14 tiếng rồi để trên cạn chỉ 6-8 tiếng để hạn chế ra rễ. Khi mộng đạt tiêu chuẩn rễ ngắn, mầm dài bằng 2/3-3/4 hạt thóc thì tiến hành xạ. Sử dụng công cụ sạ hàng cải tiến dạng hàng biên 14-28cm.

 

Sau khi sạ nên phun thuốc trừ cỏ ngay hoặc chậm nhất sau gieo là 1 ngày với vụ mùa, 3 ngày với vụ xuân. Sử dụng đúng loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm, như Sofit.

Sau gieo giữ ẩm mặt ruộng. Trong trường hợp ruộng khô quá thì tháo nước vào một đêm rồi thoát nước ngay.

 

Khi lúa được 2,5-3 lá thì đưa nước vào, bón thử 2kg đạm/sào và tiến hành dặm tỉa.

 

Khi lúa đẻ nhánh thì bón thúc như lúa cấy.

 

Đây là phương thức cấy và sạ mới cho năng suất lúa cao hơn cấy thông thường. Tuy nhiên vụ đầu chưa quen, nông dân nhìn chưa quen mắt, thấy thưa nên thường hay tiếc đất, lại dặm thêm một hàng vào. Hơn nữa, nông dân đang cấy 20-20cm nên cách cấy mới này sẽ khó khăn hơn vì chưa quen tay. Nhưng rất mong bà con áp dụng phương pháp cấy, sạ mới này vì đây là phương pháp cấy ưu việt, cho năng suất cao, hạn chế sâu bệnh, giúp cây lúa khỏe, ít phải khoác bình bơm phun thuốc trừ sâu bệnh, thân thiện hơn với môi trường, giúp canh tác nông nghiệp phát triển bền vững.

Mai Thị Thu Hương

      (TT KNKNKN Thái Bình)

  • Từ khóa