Thứ 6, 02/08/2024, 15:21[GMT+7]

Tự hào phong trào “Ba đảm đang”

Thứ 2, 20/04/2015 | 09:22:01
5,462 lượt xem
Khi tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ tưởng rằng sẽ làm đình đốn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Nhưng chúng đã lầm. Với quyết tâm lao động khẩn trương, đạt năng suất cao, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, hàng chục vạn phụ nữ trong tỉnh hưởng ứng phong trào thi đua “Ba đảm đang” đã lập nên những chiến công kỳ diệu trong sản xuất, chiến đấu và đời sống. Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng dấu ấn về phong trào “Ba đảm đang” vẫn mãi là n

Phụ nữ Thái Bình là lực lượng đi đầu trong thâm canh tăng năng suất làm nên 5 tấn thóc/ha đầu tiên trên miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

 

Giặc Mỹ ngày đêm bắn phá Thái Bình, nhưng chính ở nơi giặc đánh phá ác liệt ấy đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ dũng cảm, kiên cường. Ðến nay, trên quê hương 5 tấn vẫn còn vang mãi câu chuyện về những cô gái của Ðại đội 4 dân quân gái  xã Ðông Lâm, huyện Tiền Hải, Ðại đội pháo cao xạ 37 ly thị xã Thái Bình chiến đấu gan dạ, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, 7 cô gái Hưng Nhân chỉ với 8 viên đạn đã bắn rơi 1 máy bay không người lái của Mỹ… Nhiều chị em đã động viên, khuyến khích chồng, con lên đường nhập ngũ, viết đơn xin cho chồng, con kéo dài thời gian tại ngũ, có chị em đã chích tay lấy máu viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

 

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, chị em nô nức thi đua thâm canh tăng năng suất, tăng vụ, tăng màu, đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, học cày, bừa, học khoa học kỹ thuật, làm phân bón, làm thủy lợi… Từ những phong trào này, có chị đã trở thành Anh hùng Lao động, hàng vạn chị em trở thành những canh điền giỏi, kiện tướng thủy lợi, cán bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Chị em còn thực hiện các khẩu hiệu: “Ðịch đến ta đánh và tránh, địch đi ta sản xuất”, “Giặc đánh ngày, ta sản xuất đêm” và các phong trào “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”... Năm 1966, Thái Bình đạt 5 tấn thóc/ha, được ghi trong sổ vàng 5 tấn của toàn miền Bắc, công đầu thuộc về chị em phụ nữ - lực lượng đông đảo nhất trên đồng ruộng. Chị em ở các lĩnh vực khác cũng không ngừng phấn đấu vươn lên đạt “Ba điểm cao”, “Dạy giỏi”, “Lương y như từ mẫu”, bảo đảm giao thông thông suốt… Với gia đình, các chị vẫn đảm nhận tốt vai trò dâu thảo, vợ đảm, mẹ hiền, hậu phương vững chắc của chồng, con.

 

" Trong không khí sôi sục của những ngày “Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”, phụ nữ Thái Bình từ thành thị đến nông thôn, ở mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi đều nhiệt tình hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang”. Từ phong trào này, phụ nữ Thái Bình đã vượt qua tự ti, rụt rè, trở thành quân chủ lực, tham gia chiến đấu và bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, viết nên bài ca 5 tấn…, xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ khen tặng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Ðảm đang”."

 

(Bà Ðoàn Thị Chinh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh)

 

Thực hiện phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Thái Bình đã kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Các bà, các chị đã trở thành những hòn than đỏ bùng lên đốt cháy quân thù, đốt cháy tàn tích của bất công, lạc hậu, góp phần khẳng định truyền thống của một dân tộc anh hùng không bao giờ khuất phục trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào.

 

Từ năm 1964 đến đầu năm 1969, toàn tỉnh có

  • 3.700 vợ bộ đội được kết nạp Ðảng
  • 7.301 chị được tín nhiệm giao công tác từ cán bộ đội sản xuất đến chủ tịch, phó chủ tịch xã, chủ nhiệm hợp tác xã
  • 1.935 chị đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”
  • 12.914 chị đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Dũng sĩ chống Mỹ cứu nước”

 

Bà Phạm Thị Chắt, thôn Phạm, xã Phú Châu (Ðông Hưng)

Chồng đi bộ đội, một mình nuôi hai con nhỏ, chăm sóc mẹ chồng ốm liệt giường nhưng để chồng yên tâm diệt thù, tôi luôn hăng hái lao động sản xuất, chiến đấu để trở thành người phụ nữ “Ba đảm đang”. Việc nhà tranh thủ làm ban đêm, ban ngày tôi cùng xã viên thực hiện “đường cày đảm đang”, “cấy chăng dây thẳng hàng”, lấy bèo dâu về ủ làm phân bón cho lúa, ngâm ủ giống đúng kỹ thuật, cung cấp giống chất lượng cho bà con, chăn nuôi lợn bán cho hợp tác xã luôn vượt chỉ tiêu, tham gia đào giao thông hào dọc làng. Công việc nào cũng hoàn thành xuất sắc nên đã ba lần tôi vinh dự được đại diện cho phụ nữ toàn tỉnh dự hội nghị tổng kết phong trào chăn nuôi giỏi toàn miền Bắc, được Chủ tịch nước tặng Bằng khen. Phát huy phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, nay dù đã 77 tuổi nhưng tôi vẫn tham gia cấy 2 sào ruộng, tiết kiệm ủng hộ 10 triệu đồng và hàng chục mét vuông đất cho thôn, cho xã làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới.

Bà Trương Thị Tần, thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương)

Tôi cùng 6 cô gái của Tiểu đội du kích làng Nê, xã Tán Thuật (nay là thị trấn Thanh Nê) hăng say luyện tập, trở thành đơn vị du kích đầu tiên của tỉnh sử dụng thành thạo vũ khí, cả 7 chị em đều là kiện tướng bắn giỏi. Là Tiểu đội trưởng, tôi trực tiếp chỉ huy chị em trực sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay Mỹ, phối hợp với bộ đội chống càn. Máy bay địch đi khỏi, 7 chị em lại tích cực chăn nuôi lợn, nuôi bèo dâu, gieo điền thanh làm phân bón lúa, cấy lúa thẳng hàng, cấy một dảnh, đào sông Lân đưa nước vào đồng, góp phần đưa năng suất lúa của xã đạt 6 tấn/ha (năm 1970). Tiểu đội du kích làng Nê được suy tôn là “Lá cờ đầu của Quân khu 3”, được Bác Hồ gửi thư khen: 7 cô gái làng Nê văn võ song toàn, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Phần thưởng và những lời khen ngợi của Bác đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục lao động, sản xuất giỏi, chiến đấu dũng cảm.

 

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày