Thứ 3, 06/08/2024, 19:19[GMT+7]

Những người con Thái Bình trên đoàn tàu không số

Thứ 5, 30/04/2015 | 10:00:35
2,997 lượt xem
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ, Việt Nam còn có một đường Hồ Chí Minh trên biển gắn liền với những chiến công đặc biệt xuất sắc của đoàn tàu không số thuộc Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân. 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, ký ức hào hùng về những lần cùng đồng đội dũng cảm vượt biển, đấu trí với kẻ thù, đưa vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những cán bộ, chiến sĩ quê lúa Thái Bình.

Đội tiếp nhận vũ khí do đoàn tàu không số chuyển vào tại bến Rạch Mốc (Cà Mau) năm 1963. Ảnh tư liệu.

 

Là thế hệ cán bộ đầu tiên của miền Bắc tham gia đoàn tàu không số, cựu chiến binh Phạm Văn Bát (xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng) - Chính trị viên  tàu 68, 154, 42, nay là Trưởng Ban liên lạc Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thái Bình kể lại: Mỗi chuyến đi của đoàn tàu không số là cuộc đối đầu, đấu trí, đấu lực giữa những chiếc tàu nhỏ bé của ta với lực lượng hùng hậu của hải quân Mỹ - ngụy, phòng tuyến cảnh giới của hệ thống ra đa đối hải quét dọc bờ biển từ Cửa Việt đến Hà Tiên và các đồn bốt, trạm kiểm soát luồng lạch ven biển của địch. Vì vậy, phương châm đặt ra cho các tàu của ta là phải “Chủ động, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng vào bến, đồng thời có sẵn phương án thật linh hoạt, mưu trí đối phó với địch, khi bị lộ thì kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần có thể cho hủy tàu để giữ bí mật con đường”. Trong những chuyến đi ấy, cựu chiến binh Phạm Văn Bát nhớ nhất là chuyến đi đầu tiên ngày 29/1/1965 cùng thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn chỉ huy tàu 68 chở 65 tấn vũ khí vào Bến Tre. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, tàu chuẩn bị cập bến thì nhận được tín hiệu “bến động” phải quay ra khơi. Ngay sau đó, tàu khu trục và tuần dương hạm của địch bao vây, chiếu đèn pha vào tàu, phía trên máy bay địch gầm rú cùng với âm thanh của loa dụ hàng. Lúc này, cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều đã sẵn sàng quyết tâm chiến đấu đến cùng nhưng ông Bát cùng thuyền trưởng động viên anh em bình tĩnh, nghe ngóng tình hình và khôn khéo xử trí đưa tàu ra hải phận quốc tế nên đã thoát khỏi sự truy đuổi của địch và giao hàng an toàn tại căn cứ Bến Tre.

 

Trong giai đoạn 1968 - 1974, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Ngọc (xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ) đã tham gia vận chuyển rất nhiều chuyến hàng trên những con tàu không số nhưng chỉ có ba chuyến đưa vũ khí trót lọt vào bến. Ông cũng may mắn được đi cùng với Chính trị viên Phạm Văn Bát trên chuyến tàu 154 nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào Bạc Liêu. Khi kể về chuyến đi này, ánh mắt ông Ngọc rực sáng, chất chứa niềm tự hào: “Sau khi gặp địch phải quay trở lại, ngày 24/8/1970, tàu 154 chở 58 tấn vũ khí tiếp tục nhận lệnh lên đường vào Bạc Liêu nhưng không may gặp sóng to, gió lớn làm trục lái của tàu lệch tâm, tàu trôi dạt lên cửa Bồ Đề (Cà Mau), khoảng 2 giờ sáng gặp hai tàu của ngụy thả trôi ở đó, lập tức thuyền trưởng lệnh cho tàu quay lại, chạy sang hướng khác để tránh. Đến 4 giờ sáng gặp sông Gành Hào, dù không phải bến nhưng trong tình thế cấp bách thuyền trưởng đã cho tàu vào bụi cây để ngụy trang, phân công một tổ cảnh giới ở đường biển, một tổ chống địch đổ bộ. Tàu ngụy trang xong 10 phút thì máy bay địch bay ngay trên đầu nhưng may mắn chúng không phát hiện được, hàng cũng được bốc xuống bến an toàn.

 

 

Tàu không số đang thực hiện hải trình. Ảnh tư liệu

 

Với cựu chiến binh Đỗ Xuân Sang (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư), những năm tháng tham gia vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trên đoàn tàu không số là quãng thời gian vinh dự nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Ông chia sẻ: “Ở trên tàu, tôi và đồng đội đều chung một quyết tâm được ra đi, được chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách, chấp nhận sự đối mặt không cân sức với kẻ thù và chấp nhận hy sinh, chỉ mong ngày đất nước thống nhất. Những năm đầu, do địch chưa biết chúng ta có tuyến vận tải trên biển nên các tàu đi gần bờ, vận chuyển dễ dàng, sau 7 đến 10 ngày đi có thể cập bến. Sau sự kiện tàu 143 bị lộ ở bến Vũng Rô (Phú Yên) năm 1965, Mỹ, ngụy tổ chức kiểm soát gắt gao nhằm cắt đứt tuyến chi viện vũ khí từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Song, bằng nhiều cách, những con tàu không số vẫn vượt qua hệ thống phong tỏa dày đặc của địch, hàng vẫn tới bến, súng đạn vẫn đến chiến trường. Đội ngũ thuyền trưởng của ta không chỉ đi bằng phương pháp địa văn giỏi mà đi bằng phương pháp thiên văn cũng giỏi. Đi ban ngày giỏi, đi đêm, ra vào luồng lạch lạ ở các vùng biển quốc tế cũng giỏi. Những trận chiến đấu của tàu Lữ đoàn 125 trên biển khiến quân thù khiếp sợ và khâm phục, chúng đã phải kêu lên: Thủy thủ đoàn trên tàu Bắc Việt là “lão luyện”, là “gan dạ”, là “thuần thục”, là “tài trí”.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có hàng trăm người con quê lúa Thái Bình tham gia trên các con tàu không số, góp phần cùng Lữ đoàn 125 dệt nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, những người lính năm xưa nay đã tóc bạc, da mồi nhưng vẫn tiếp tục đóng góp sức mình xây dựng quê hương. Trong tâm trí họ, ký ức hào hùng về thời kỳ kiên cường dũng cảm trên những con tàu không số mãi mãi bất tử.

 

Nguyễn Hình

 

Cựu chiến binh Vũ Thuyết Tâm (xã Đông Long, huyện Tiền Hải)

Cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số ra đi làm nhiệm vụ là xác định cảm tử, sẵn sàng hy sinh bảo vệ tàu, bảo vệ hàng. Để bảo vệ bí mật, vợ con, bố mẹ cũng không biết chúng tôi làm công việc gì. Không tàu nào biết việc của tàu nào, chỉ có chính trị viên và thuyền trưởng biết chở hàng vào bến nào. Thư trước khi gửi đi phải được chính trị viên thẩm định nội dung. Có đồng chí ra Bắc tập kết xa quê hương, xa nhà đã gần chục năm, về mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình mà không được bước lên bờ. Có đồng chí bất ngờ thấy vợ trong đoàn dân công ra nhận vũ khí đã lánh mặt xuống khoang tàu, ngậm ngùi qua cửa sổ trông lên. Mặc dù vậy, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều không hề nản chí, kiên định mục tiêu chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Cựu chiến binh Hồ Nghĩa Thắng (thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư)

Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự là một kỳ tích, là sự độc đáo và sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Namon>. Để vận chuyển vũ khí vào miền Namon>, tàu của ta phải giả dạng tàu đánh cá còn cán bộ, chiến sĩ phải là những ngư dân thực thụ để đánh lạc hướng địch. Gọi là tàu không số nhưng thực ra tàu nào cũng có số nhưng khi vào chiến trường để giữ bí mật đã xóa hết dấu vết, không mang số. Mọi thứ mang theo như đường, đồ hộp, sữa, thuốc lá, xà phòng đều không có nhãn, không có số. Chúng tôi vô cùng tự hào khi được tham gia đoàn tàu không số, góp sức cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày