Thứ 7, 27/07/2024, 02:21[GMT+7]

Tiếng hát át tiếng bom trên tuyến đường máu lửa

Thứ 2, 04/05/2015 | 09:51:02
2,733 lượt xem
Ðể động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, cùng với các đội văn công xung kích một số tỉnh, thành trong cả nước, từ tháng 11/1969 đến tháng 12/1970, Ðội văn công xung kích Thái Bình đã hăng hái lên đường đem lời ca tiếng hát đến từng đơn vị đang làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn.

Ðội văn công xung kích Thái Bình biểu diễn tiết mục “Hai chị em” tại một đơn vị của Ðoàn 559. Ảnh: Tư liệu

Hơn 45 năm đã trôi qua, ở tuổi gần 80, đôi mắt người Ðội trưởng Ðội văn công xung kích Thái Bình Lê Thế Phiệt năm ấy vẫn ánh lên niềm vui, niềm tự hào. Ông Phiệt kể: Lúc ấy, Ðội chúng tôi gồm 15 người bao gồm 9 diễn viên, 6 nhạc công hầu hết còn đang trong tuổi đoàn. Diễn viên, người trẻ nhất 19 tuổi, người lớn tuổi nhất 23. Vẫn biết chiến trường ác liệt, nhiều hiểm nguy, hy sinh mất mát nhưng với các thành viên trong Ðội chúng tôi ngày ấy, được mang tiếng đàn, tiếng hát của mình đi phục vụ chiến đấu, góp phần vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc là niềm vinh dự nên rất tự hào.

 

Trong thời gian vài tuần trước khi lên đường, các thành viên trong đội tập trung, chủ yếu tập phối hợp biểu diễn các tiết mục sao cho nhịp nhàng, nhuần nhuyễn và dàn dựng chương trình. Xác định phục vụ trong hoàn cảnh chiến tranh nên các chương trình đội xây dựng có kết cấu khá linh hoạt, dễ thay thế, bổ sung phù hợp với điều kiện biểu diễn và đối tượng người xem. Nếu biểu diễn cho đơn vị có nhiều chiến sĩ trẻ chương trình sẽ có nhiều ca khúc hát mới như “Hai chị em”, “Bài ca năm tấn”... Nếu biểu diễn ở nơi có đồng bào hoặc chiến sĩ người dân tộc thiểu số thì chương trình sẽ có thêm các ca khúc dân tộc như “Tiếng đàn Ta Lư”, “Em là hoa Pơ Lang”... Nếu số đông khán giả là các chiến sĩ quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thì sẽ tăng các tiết mục hát chèo, diễn chèo như “Cô gái Thái Bình, cô gái Việt Nam”, “Vợ chồng anh thợ mộc”... Khi biểu diễn cho lính công binh thì thêm tiết mục “Cô gái mở đường”, khi biểu diễn cho pháo binh thì thêm “Bài ca người săn máy bay”, “Không cho chúng nó thoát”...

 

Sau khi nhuần nhuyễn các tiết mục, Ðội văn công xung kích Thái Bình diễn báo cáo với Bộ Tư lệnh Ðoàn 559 và được đánh giá cao. Từ đây, đội bắt đầu lên đường đến các binh trạm trong Ðoàn 559 rồi từ các binh trạm đi bộ tới các đơn vị biểu diễn. Bà Ðoàn Thị Minh Huệ, một nữ diễn viên trong đội kể: “Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đi bộ đến đơn vị biểu diễn, chân ai cũng bị phồng rộp, bỏng rát. Ðêm đầu tiên ngủ trong rừng, mưa rét, tiếng máy bay gầm gừ trên đầu. Cả đội không ai chợp mắt, bắt đầu cảm nhận được sự ác liệt của chiến trường. Sáng hôm sau, chúng tôi lại lên đường. Ðến đơn vị đầu tiên, được các đồng chí trong đơn vị hướng dẫn, dặn dò kinh nghiệm sinh hoạt, chiến đấu tại chiến trường, chúng tôi dần thích nghi với hoàn cảnh mới. Không kể mùa mưa hay mùa khô, thời tiết nắng nóng hay mưa dầm, với chiếc ba lô đựng tư trang, mỗi thành viên trong đội mang theo một loại nhạc cụ hành quân có khi qua các bãi bom dài hai ba ki-lô-mét, có khi qua những ngọn đồi lửa bom vẫn nghi ngút, khi phải bám hốc đá leo qua những ngọn núi hiểm trở, mang tiếng hát của quê hương năm tấn đến tiếp sức cho các chiến sĩ trên tuyến lửa”.

 

Sân khấu biểu diễn lúc ở trên đỉnh đèo giữa trận địa pháo, lúc ở giữa đường trước một trạm chỉ đường có đủ cả lái xe vừa dừng xe đợi lệnh, chiến sĩ công binh vẫn còn cuốc xẻng trong tay, có khi lại trong hầm thường trực chiến đấu của tiểu đội công binh thép ngay trên trọng điểm. Ông Lê Thế Phiệt kể: Nhiều lần đang diễn thì máy bay địch tới ném bom song các thành viên trong Ðội vẫn hết mình trong từng buổi diễn, từng đêm diễn.

 

13 tháng sinh hoạt, biểu diễn văn nghệ phục vụ các đơn vị trên tuyến đường Trường Sơn, 15 thành viên Ðội văn công xung kích Thái Bình đã đi qua 1.700km đường trường, trong đó có hơn 800km đường hành quân đi bộ, biểu diễn hơn 200 buổi, phục vụ gần 40.000 lượt người xem là bộ đội các binh chủng và đồng bào suốt Ðông - Tây dải Trường Sơn. Những tiết mục văn nghệ của đội là biểu hiện cụ thể và sinh động tấm lòng của hơn một triệu người dân Thái Bình với tiền tuyến, góp phần không nhỏ động viên tinh thần các chiến sĩ tiếp tục chắc tay súng, vững tinh thần xông pha chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Vũ Hường

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày