Thứ 4, 08/05/2024, 00:48[GMT+7]

Châu Âu đối mặt với thảm họa “biến đổi khí hậu”

Thứ 4, 08/12/2010 | 07:54:50
1,891 lượt xem
Châu Âu đang phải hứng chịu một mùa đông khắc nghiệt nhất trong nhiều năm qua. Khắp đường phố ở Trung Âu và Bắc Âu, đâu đâu cũng bao phủ một màu tuyết trắng xóa. Trong khi đó, một phần khác của châu Âu, lũ lụt lại đang hoành hành dữ dội.

Tuyết rơi dày làm tê liệt hệ thống giao thông ở Ca-răng-ten, miền Tây nước Pháp. Ảnh: AFP

Cụm từ “biến đổi khí hậu” giờ đây đã được nhắc nhiều trên các tờ báo lớn khi số người thiệt mạng do thiên tai ngày một tăng dần.

 

Hết tuyết rơi lại tới lũ cuốn

 

Sau một tuần nhiệt độ liên tục ở dưới mức âm 30 độ C, tuyết phủ dày đặc, ngày 6-12, nhiệt độ ở khu vực Trung Âu và Bắc Âu đang nhích dần lên. Tuy nhiên, đợt giá rét vừa qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở khu vực này. Theo thống kê, đợt giá rét này đã làm 60 người chết, trong đó Ba Lan là nước chịu thiệt hại nhất (52 người), phần lớn nạn nhân là người vô gia cư. Tuyết rơi dày đã khiến hàng chục chuyến bay trong nước và quốc tế tại các nước ở khu vực này phải hoãn nhiều giờ hoặc bị hủy bỏ, hàng nghìn trường học phải đóng cửa, nhiều tuyến giao thông đường bộ bị tê liệt do tuyết phủ dày.

 

Một loạt nước ở Tây Âu như Anh, Pháp, Đức, Bỉ... cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của đợt giá rét và bão tuyết dữ dội này. Hoạt động trên tuyến đường sắt Eurostar giữa Luân Đôn, Pa-ri và Brúc-xen cũng bị gián đoạn. Theo các chuyên gia, thời tiết khắc nghiệt như vậy có thể khiến kinh tế Anh thiệt hại tới 1,2 tỷ bảng (1,9 tỷ USD) mỗi ngày.

 

Trong khi khu vực Trung Âu và Bắc Âu chìm trong giá rét, thì các nước khu vực Ban-căng đang phải tổ chức sơ tán hàng nghìn người sau khi mưa lớn gây đợt lũ lụt được coi là tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ qua ở khu vực này. Tại An-ba-ni, hơn 11.000 người đã phải sơ tán sau một tuần mưa xối xả, biến các con đường thành những dòng thác lũ và làm 14.000ha đất nông nghiệp ngập chìm trong nước. Tại thành phố Xcô-đra, phương tiện duy nhất ra vào thành phố là thuyền và máy bay lên thẳng, các đường phố ngập dưới 2m nước. Tổng thống An-ba-ni Ba-mia Tô-pi (Bamir Topi) cho biết tình hình rất căng thẳng. Chính quyền lo ngại mưa lớn hơn có thể làm mực nước dâng cao hơn và nhấn chìm cửa đập tại các nhà máy thủy điện.

 

Tại Mông-tê-nê-grô, tình hình mưa lũ vẫn tiếp tục nghiêm trọng tại khu vực hồ Xca-đa giáp ranh với An-ba-ni cũng như xung quanh Thủ đô Pốt-go-ri-xa. Hơn 1000 binh sĩ đã được huy động để trợ giúp dân chúng. Tại Pháp, tuyết tan cộng với mưa lớn và thủy triều dâng cao 2m đã gây nên trận lụt lịch sử tại thành phố Se-bua, cách thủ đô Pa-ri khoảng 350km về phía Tây vào sáng 5-12, làm hàng trăm người dân ở đây phải đi sơ tán.

 

Lời cảnh báo từ COP-16

 

Thời tiết bất thường ở châu Âu xảy ra đúng thời điểm Hội nghị biến đổi khí hậu Liên hợp quốc lần thứ 16 (COP-16) đang diễn ra tại Can-cun (Mê-hi-cô) với sự tham gia của 25.000 đại biểu thuộc các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cơ quan nghiên cứu đến từ 194 nước tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

 

Mặc dù hội nghị đã đi được hơn nửa chặng đường, nhưng khả năng đạt được một thỏa thuận về giai đoạn 2 Nghị định thư Ki-ô-tô là rất ít. Theo thỏa thuận trên, các nước phát triển buộc phải cam kết cụ thể mức giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính bắt đầu từ tháng 1-2013. Thỏa thuận này đã gây phản ứng trái chiều giữa đại diện các nước phát triển như Nhật Bản, Nga và Ca-na-đa với các nước đang phát triển. Quan chức LHQ cho rằng, thách thức lớn nhất của hội nghị lần này vẫn là tìm ra một phương án dung hòa hai lập trường nêu trên.

 

Trong khi chưa có một thỏa thuận cụ thể nào đạt được tại COP-16, các chuyên gia cảnh báo, nếu các nước không phối hợp hành động kịp thời để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một trong những thủ phạm gây nên tình trạng biến đổi khí hậu, thế giới sẽ phải đối mặt với các thảm họa thiên tai thảm khốc, đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người trên Trái Đất. Các chuyên gia cho rằng, tới năm 2030, mỗi năm trên thế giới sẽ có khoảng một triệu người thiệt mạng và thiệt hại vật chất ước tính 157 tỷ USD do biến đổi khí hậu. Các nước công nghiệp phát triển sẽ gánh chịu 50% mức thiệt hại kinh tế, đi đầu là Mỹ, Nhật Bản và Đức.

Theo qdnd.vn

 

 

  • Từ khóa