Thứ 2, 20/05/2024, 16:14[GMT+7]

Ông Mấn “loa đài”

Thứ 3, 09/06/2015 | 08:20:51
1,563 lượt xem
Về thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương), nhắc đến ông Mấn “loa đài” có lẽ ai cũng biết. Ðó là cái tên trìu mến đã trở thành quen thuộc mà người dân nơi đây đặt cho ông Trần Trọng Mạnh, nhân viên Ðài Truyền thanh thị trấn Thanh Nê.

Một buổi tác nghiệp của ông Trần Trọng Mạnh.

 

Nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Mạnh là một trong những nhân viên cao tuổi nhất của hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Sinh năm 1944, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Quảng Namon> - Ðà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi đất nước thống nhất, ông ra Bắc làm cán bộ khung tại Trung đoàn 253, Quân khu 3, đến năm 1988 xuất ngũ trở về địa phương. Thời điểm này, Ðài Truyền thanh xã Tán Thuật (nay là thị trấn Thanh Nê) gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên, kỹ thuật. Do nắm được kỹ thuật thông tin từ thời còn trong quân ngũ cùng những phẩm chất của người lính Cụ Hồ được tôi luyện trong chiến tranh, ông Trần Trọng Mạnh được cấp ủy, chính quyền tín nhiệm giao giữ chức Trưởng Ðài Truyền thanh xã Tán Thuật, phụ trách kỹ thuật kiêm phát thanh viên. “Ðối với nhân viên kỹ thuật của Ðài, đây là thời điểm hết sức khó khăn” - người phát thanh viên già tâm sự với chúng tôi. Toàn bộ hệ thống dây truyền thanh chủ yếu sử dụng dây lưỡng kim được dẫn trên những cây cột gỗ, do đó hiện tượng chập dây, đứt mạng, cắt trộm dây thường xuyên xảy ra. Mỗi khi đường truyền bị đứt, các cụm loa bị hỏng, ông lại nhanh chóng khắc phục. Có những ngày mưa bão, người dân nơi đây nhớ mãi hình ảnh cả gia đình ông Mạnh tham gia nối dây, bảo đảm thông tin thông suốt. Cái tên ông Mấn “loa đài” do người dân địa phương trìu mến đặt cho ông.

 

Hiểu rõ tầm quan trọng của hệ thống truyền thanh đối với công tác truyền tải thông tin đến nhân dân, với vai trò Trưởng đài, ông Mạnh thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình để kịp thời phản ánh các phong trào, hoạt động của địa phương, nghiên cứu và phổ biến thông tin, văn bản của địa phương, chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. Nội dung những chủ trương, chính sách mới, công tác đoàn thể, tình hình sản xuất hoặc thiên tai, dịch bệnh xảy ra… qua hệ thống truyền thanh với giọng đọc trầm ấm và truyền cảm của ông đã được người dân địa phương nhanh chóng nắm bắt. Kỷ niệm sâu sắc của phát thanh viên Trần Trọng Mạnh là những lần ông đọc tin thông báo tìm trẻ lạc, nhờ thông tin kịp thời qua hệ thống loa truyền thanh mà nhiều trẻ em bị lạc tại thị trấn Thanh Nê đã được tìm thấy. Niềm vui đoàn tụ của trẻ em bị lạc với gia đình là món quà vô giá đối với ông. Chị Nguyễn Thị Dung (khu Hưng Long, thị trấn Thanh Nê) cho biết: Người dân Thanh Nê chúng tôi đã quen với giọng đọc của ông Mấn “loa đài” qua hệ thống truyền thanh, nhờ đó nắm bắt kịp thời mọi thông tin liên quan đến chính sách và cuộc sống, nội dung tuyên truyền của Ðài Truyền thanh thị trấn Thanh Nê luôn được nhân dân đón nhận.

 

Bao năm qua, người nhân viên mẫn cán của Ðài Truyền thanh thị trấn Thanh Nê vẫn hàng ngày tiếp âm đầy đủ 3 buổi các chương trình của Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Phát thanh Truyền hình Thái Bình và Ðài Truyền thanh huyện cùng chương trình “Tiếng kẻng 3 phòng” phát lúc 22 giờ. Ngoài ra, ông còn cùng các đồng nghiệp trong Ðài xây dựng chương trình truyền thanh của địa phương phát định kỳ 3 chương trình/tuần, thời lượng khoảng 20 phút/chương trình, kịp thời chuyển tải những thông tin cần thiết đến người dân. Bà Bùi Thị Ngoan, Trưởng Ðài Truyền thanh thị trấn Thanh Nê cho biết: Ông Trần Trọng Mạnh tuy tuổi cao nhưng vẫn rất cần mẫn trong công việc, giản dị trong cuộc sống, có nhiều tâm huyết với công tác phát thanh, truyền thanh. Ông luôn nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức truyền đạt các tin, bài, chuyên mục, nhờ đó đã phát huy được hiệu quả tuyên truyền, là tấm gương sáng để các đồng nghiệp khác học tập, noi theo. Ông Mạnh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Ðài Tiếng nói Việt Namon> cùng nhiều giấy khen và danh hiệu thi đua của các cấp, các ngành. Nhưng với ông, phần thưởng lớn nhất là niềm tin yêu của nhân dân.

Trịnh Cường

 

 

  • Từ khóa