Thứ 3, 02/07/2024, 16:20[GMT+7]

Người hướng tôi theo nghề báo

Thứ 6, 19/06/2015 | 08:51:07
3,505 lượt xem
Buổi ấy, tôi được gặp ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Tổng biên tập Báo Lai Châu sau khi hội nghị “Những chiến sĩ giỏi” bế mạc. Trông gương mặt ông còn hưng phấn lắm. Ông vỗ vai tôi:

Giảng viên báo chí trao đổi phương pháp trình bày báo với phóng viên, kỹ thuật viên Báo Thái Bình. Ảnh: Ngọc Linh

 

- Này đồng hương Thái Bình, qua hội nghị này, tôi thấy tay máy cô đã chắc. Bên ấy thường xuyên xuống cơ sở. Cơ sở là nơi tập trung nhiều nhân tố điển hình tích cực. Báo thiếu người, không với khắp được. Cố gắng tham gia viết bài cho báo nhé. Bước đầu có thể chưa tốt, sau sẽ có kinh nghiệm. Cô chụp ảnh tư liệu, có bài in kèm là quý lắm đấy. Xem báo như thế mới có sức thuyết phục bạn đọc.

 

Nghe ông nói, tôi còn lưỡng lự. Liệu có làm được không?

 

Ông Thủy như đọc được suy nghĩ của tôi:

 

- Cô cứ vui vẻ bắt tay vào viết đi. Tự nhiên thời gian nó sẽ dành cho cô. Có kết quả trên mặt báo, cô lại không mê luôn cả mấy cánh phóng viên trẻ bên tôi ấy chứ!

 

Nói xong ông cười. Tôi biết là ông đùa. Ông dặn thêm:

 

- Cứ vững tâm mà làm, chỗ nào chưa được chúng tôi sẽ chỉ. Thế nhé! Giúp chúng tôi là chính. Và cũng còn một phần trách nhiệm của người đoàn viên thời chống Mỹ nữa đấy.

 

Nói xong, ông bắt tay tôi rất chặt rồi vội vàng đi.

 

Nửa tuần lễ trôi qua, lúc nào tôi cũng ám ảnh lời ông Thủy: “Cô cứ bắt tay vào viết đi…”. Thế là, sau một chuyến đi công tác, tôi mê say với bài viết về gương người lính trẻ Lê Tuấn, người Thái Bình, công tác ở Biên phòng Tây Ninh, nơi giáp ranh biên giới Việt - Lào. Anh là người nhiệt tình giúp đồng bào dân tộc xóa giặc dốt và tiễu phỉ, được đồng bào rất yêu mến và nể trọng. Bài viết đó tôi lấy tên “Xuân này Lê Tuấn có đi bản xa”. Viết xong, tôi đọc đi, đọc lại, tự hỏi mình liệu có ổn không nhỉ? Sợ khi xem ông Thủy lại cười thì xấu hổ.

 

Bẵng đi gần tháng, mải công việc nên tôi cũng quên mất bài báo. Tết năm đó, tình hình ngoài mặt trận rất căng thẳng. Anh em không ai nghỉ phép. Họ tình nguyện xuống các cơ sở công tác rồi ăn tết cùng với dân bản. Tôi và cô Na người Namon> Định được cắt cử ở nhà thường trực cơ quan. Đêm giao thừa thời chiến có khác, tất cả mọi người đều dành cho công việc nên cơ quan vắng như chùa bà Đanh. Riêng chỉ có một căn phòng có đốm đèn sáng. Trời rét căm căm, hai chúng tôi đốt đống lửa giữa nhà, ngồi bên nhau nói chuyện tầm phào cho vơi nỗi nhớ quê hương. Chiếc loa treo trên cây gạo đầu nhà đã đến giờ phát thanh. Một bản nhạc đàn tính tẩu quen thuộc. Rồi một giọng nữ: Đây là Đài Phát thanh tỉnh Lai Châu. Tiếp đến giọng nam: Mời các bạn đón nghe gương một chiến sĩ giỏi, vì dân quên mình phục vụ với nhan đề “Xuân này Lê Tuấn có đi bản xa”. Tôi giật mình. Đúng bài của mình rồi. Nghe xong, tôi thở phào, ôm lấy cô bạn: Tuyệt, bài của mình đấy. Đêm đó, cả hai chúng tôi ai cũng vui, không sao ngủ được. Chắc ông Thủy động viên mình thôi chứ vạn sự khởi đầu nan, viết có ra sao...

 

Sáng hôm sau, mùng 1 tết, hai chúng tôi còn đương ấm ổ thì nghe ngoài sân có tiếng xe đạp lọc cọc, rồi tiếng gõ cửa. Ông Thủy đĩnh đạc trong bộ đại cán màu rêu:

 

- Đây! Tờ báo xuân biếu cô. Còn đây là quà của Báo mừng tuổi cộng tác viên mới có bài hay nhất trong tờ báo xuân đấy.

 

Gói quà ông mang sang tặng tôi là một lạng chè địa phương có tiếng ngon - chè Tam Đường, một bao thuốc lá Điện Biên, một gói kẹo vừng. Đó là sản phẩm đầu tay của một kỷ niệm không bao giờ quên. Chờ anh em trong phòng về đông đủ, tôi mang quà của Báo ra mời mọi người thưởng thức. Họ còn chưa biết lý do thì cô bạn tôi đã nhanh tay lấy ra tờ báo ra khoe với mọi người. “Đây là sản phẩm đầu tay của cộng tác viên Thu Thời” - cô đọc oang oang cho mọi người nghe. Tôi, mặt đỏ dừ vì xấu hổ, vì cả vui nữa. Mọi người phấn khởi, nhất là những người có tuổi, ai cũng khuyên tôi cố gắng công tác, ngoài giờ nên tham gia viết bài tích cực với báo. Công việc đó không chỉ rèn giũa ý chí mà còn buộc ta phải siêng năng học hỏi, tìm tòi để vươn lên với chính mình. Tôi đã phấn đấu thực hiện như mọi người mong muốn.

 

Nhớ tới ông Nguyễn Văn Thủy - một trong những người có nhiều cống hiến cho Báo Thái Bình, lại có công với Báo Lai Châu nữa. Đó là điều rất đáng trân trọng.

 

Là người đi sau, “ăn quả nhớ người trồng cây”, tôi viết những dòng này kể lại kỷ niệm về mùa xuân năm ấy, để nhớ một thời sơ khai không thể nào quên.

 

Thu Thời

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày