Thứ 2, 02/12/2024, 18:28[GMT+7]

Quỳnh Sơn Khai thác mọi tiềm năng phát triển kinh tế trên cả ba trụ cột

Thứ 6, 17/12/2010 | 08:51:44
441 lượt xem
Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế, cấp uỷ, chính quyền xã Quỳnh Sơn (Quỳnh Phụ) chủ trương tập trung khai thác lợi thế từ cả ba lĩnh vực là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Trường THCS Quỳnh Sơn.

Qua đây từng bước hình thành thế “chân kiềng” nhằm tạo sự ổn định về tăng trưởng, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá.

 

Lĩnh vực trồng trọt tuy đang giảm tương đối về tỷ trọng nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng và được khuyến khích phát triển theo hướng đổi mới toàn diện cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng, thực hiện luân canh tăng vụ kết hợp áp dụng đồng bộ các tiến bộ KH- KT vào canh tác. Riêng cây lúa, mấy năm trở lại đây đã có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu giống.

 

Nhóm giống ngắn ngày trà muộn vươn lên chiếm 71% diện tích gieo cấy ở vụ xuân, còn với vụ mùa đã cơ bản loại bỏ hoàn toàn các giống lúa dài ngày. Đặc biệt nhóm lúa cho chất lượng gạo ngon đang phát triển rất nhanh về diện tích với đa dạng các giống như: N87, N97, Bắc thơm, Hương thơm, Thiên hương... Đấy là chưa kể một số giống lúa khác cho năng suất cao, chất lượng gạo khá đủ tiêu chuẩn làm hàng hoá như BC15, TBR1.

 

Sự điều chỉnh về cơ cấu giống giúp đưa năng suất lúa của Quỳnh Sơn năm 2009 lên 130,5 tạ/ ha. Đối với diện tích lúa chân cao, năng suất kém xã mạnh dạn chuyển đổi thành đất chuyên màu, hiện tại Quỳnh Sơn đã hình thành được vùng đất chuyên màu rộng 14,77 ha. Tại đây chủ yếu trồng ngô xuân (10,77ha) và rau các loại (4ha).

 

Việc hình thành vùng đất chuyên màu vừa cho giá trị thu nhập cao hơn từ 3- 4 lần cấy lúa, vừa giúp chủ động được giống ngô cho sản xuất vụ đông. Bên cạnh hai vụ lúa, năm 2010 này nông dân Quỳnh Sơn còn tranh thủ thời vụ gieo trồng 190 ha cây vụ đông các loại, tương đương khoảng 60% diện tích đất canh tác và tăng 34ha so với năm 2009.

 

Trong đó ngô vừa là cây màu truyền thống, vừa là cây chủ lực chiếm ưu thế về diện tích với 140ha (tương đương khoảng 63% tổng diện tích cây vụ đông của toàn xã). Mặc dù hiệu quả kinh tế mà cây ngô mang lại không phải là cao nhưng bù lại đây là cây tương đối dễ trồng, thích ứng với nhiều loại đất, quỹ thời gian sinh trưởng ngắn và có thể bảo quản lâu dài sau thu hoạch, đồng thời tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và cá.

 

Trung bình mỗi sào ngô cho thu nhập khoảng 800.000- 1.500.000đ, trừ chi phí khoảng 200.000đ/ sào thì người trồng ngô vẫn còn thực lãi 600.000- 1.300.000đ/ sào/ vụ, tuỳ thuộc vào giá thị trường cao hay thấp. Ngoài cây ngô giữ vị trí chủ đạo còn có đậu tương, khoai lang, khoai tây và rau các loại. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, kết hợp với luân canh tăng vụ nên giá trị thu nhập từ trồng trọt của Quỳnh Sơn năm 2009 đạt khoảng 21,658 tỷ đồng (giá hiện hành)...

 

Cùng với trồng trọt, mảng chăn nuôi thời gian qua cũng có bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng đa dạng mô hình sản xuất, đa dạng con vật nuôi. Toàn xã hiện có 249 con trâu bò, hơn 2.000 con lợn gồm 453 con lợn nái, hơn 1.500 con lợn thịt (chưa kể đàn lợn sữa). Riêng đàn gia cầm thường xuyên có khoảng 20.000- 22.000 con, chủ yếu là gà, ngan và vịt đẻ. Bên cạnh hình thức chăn nuôi truyền thống, mấy năm trở lại đây phương thức chăn nuôi ở Quỳnh Sơn đang có sự thay đổi theo hướng chuyển từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung quy mô gia trại và trang trại.

 

Hiện các hộ dân ở Quỳnh Sơn đã xây dựng được 6 trang trại và 100 gia trại các loại. Ngoài ra, toàn xã còn có 45ha mặt nước phục vụ nuôi thả thuỷ sản, trong đó diện tích chuyển đổi chiếm 23ha, còn lại là diện tích ao nằm phân tán trong dân. Sau chuyển đổi và cải tạo hầu hết các hộ đều chọn nuôi cá truyền thống kết hợp với trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bình quân mỗi héc- ta vùng chuyển đổi cho thu nhập khoảng 150- 160 triệu đồng/ năm, cao hơn nhiều so với cấy lúa. Nhờ phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng tập trung nên tổng thu từ chăn nuôi của Quỳnh Sơn năm 2009 đạt gần 20 tỷ đồng, chiếm 48% tổng giá trị từ nông nghiệp.

 

Không chỉ chuyển biến về nông nghiệp, lĩnh vực TTCN và TM- DV ở Quỳnh Sơn thời gian qua cũng có sự phát triển khá sôi động. Các nghề truyền thống của địa phương từng bước được khôi phục và đang phát triển ổn định như: Mộc, nề, cơ khí...Gần đây còn có thêm nhiều nghề mới thu hút khá đông lao động, điển hình như nghề đan mặt ghế cói tạo việc làm cho 200- 250 lao động; các nghề đan mây tre xuất khẩu, móc sợi nilon, làm lông my giả cũng góp phần tạo việc làm cho 100- 150 lao động.

 

Đặc biệt là nghề làm giấy tiền xuất khẩu đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 400 lao động với thu nhập tại xưởng là 1,5 triệu đồng/ người/ tháng và làm gia công tại nhà là 600.000- 700.000đ/ người/ tháng. Các nghề khác tuy ngày công thu nhập thấp hơn nhưng đổi lại đều là nghề dễ học, dễ làm, tận dụng được lao động và có thể tận dụng mọi thời điểm trong ngày để làm... Nhờ vậy đến nay xã có thôn Cẩn Du đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề.

 

Giá trị thu nhập từ CN- TTCN và XDCB năm 2009 đạt khoảng 18,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quỳnh Sơn còn có hàng chục hộ mở cửa hàng kinh doanh nhỏ, 2 đại lý thức ăn chăn nuôi cấp 1, 1 cơ sở ấp trứng gia cầm, 2 ô tô khách và 5 ô tô vận chuyển hàng hoá, chưa kể lực lượng lao động đi làm ăn xa của xã thường xuyên có từ 900- 1.000 người, mỗi năm đóng góp cho kinh tế địa phương hàng tỷ đồng.

 

Nhờ khuyến khích phát triển kinh tế đồng bộ trên cả ba lĩnh vực, Quỳnh Sơn đã khai thác tốt những lợi thế trên tất cả các mặt. Tổng giá trị sản xuất năm 2009 đạt 78,5 tỷ đồng (giá thực tế).Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hai con số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Nguyễn Văn Huy

Chủ tịch UBND xã Quỳnh Sơn

 
  • Từ khóa