Thứ 2, 02/12/2024, 18:39[GMT+7]

An Khê - Quỳnh Phụ Xứng danh vùng đất anh hùng thời chống Mỹ

Thứ 2, 20/12/2010 | 09:00:17
3,563 lượt xem
An Khê là xã duyên giang, nằm về phía Bắc huyện Quỳnh Phụ. Đây là mảnh đất vốn có truyền thống văn hiến và anh hùng cách mạng.

Nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ phát triển ở xã An Khê đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Ảnh: Ngọc Trâm

Ngay từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, An Khê đã có tướng Lê Đô tụ binh khởi nghĩa. Năm 1883, thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, các làng Lộng Khê, Hiệp Lực, An Quý, Đại Đồng đã đào hào, đắp luỹ, đặt súng thần công, gài hỏa mù phòng thủ chống quân Pháp.

Theo gia phả một số dòng họ trong xã để lại, An Khê có các ông Vũ Bá Điền, Nguyễn Sĩ Phú, Đỗ Báu, Đỗ Chế...từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Tháng 10/ 1930, nhân dân An Khê đã tổ chức biểu tình mang theo cờ búa liềm đổ về bến Nhống. Năm 1931, Chi bộ Đảng Đào Tạo chính thức được thành lập góp phần đưa phong trào đấu tranh cách mạng ở An Khê bước vào thời kỳ hoạt động sôi nổi.

Ngày 19/ 8/ 1945, lực lượng khởi nghĩa của An Khê cùng với đoàn biểu tỉnh của huyện Phụ Dực tiến vào công đường bắt tên Tri huyện Phan Thanh Diễn bàn giao cho chính quyền cách mạng. Ngày 20/ 8/ 1945, Mặt trận Việt Minh và chính quyền An Khê tổ chức mít tinh chào mừng chính quyền cách mạng. Sau khi dành chính quyền về tay nhân dân, Chi bộ Đảng xã An Khê đã lãnh đạo nhân dân bắt tay vào xây dựng chính quyền từ xã đến thôn, tổ chức đội du kích bảo vệ an ninh thôn xóm và trấn áp bọn phản cách mạng.

Đồng thời phát động phong trào diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; phát động thành lập hũ gạo kháng chiến, mở rộng phong trào bình dân học vụ. Ngày tổng tuyển cử đầu tiên của cả nước, An Khê có 100% cử tri đi bầu Quốc hội.

Cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ phát hành công phiếu kháng chiến, nhân dân An Khê đã mua 130.500 đồng, có người mua với mệnh giá lên tới cả trăm đồng. Hưởng ứng tuần lễ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, nhân dân An Khê đã quyên góp ủng hộ kháng chiến 120 đồng cân vàng, 73 đồng cân bạc, 2 tạ chuông đồng để đúc vũ khí.

Những năm đầu kháng chiến, nhân dân An Khê đã huy động hàng ngàn ngày công phục vụ kháng chiến, toàn xã có 108 người tham gia quân đội, 350 người tham gia dân quân du kích.

Thời kỳ 1947- 1949, khi thực dân Pháp đánh chiếm Thái Bình, người dân An Khê đã tích cực xây dựng thôn trang kháng chiến, đào đắp hệ thống hầm hào, công sự, đào 1.500m hào, rào 1.200m rào tre, tạo 420 hầm trú ẩn, mở các xưởng rèn mã tấu, dao găm, kiếm, tổ chức lực lượng dân quân du kích gồm 120 đồng chí và 4 trung đội du kích các thôn Lộng Khê, Hiệp Lực, An Quý, Đại Đông.

Cuối năm 1949, Pháp đánh chiếm Ninh Giang, lập đồn bốt tại đồng bãi An Khê. Không run sợ trước kẻ thù, du kích xã đã phối hợp với bộ đội chủ lực chống càn, đánh địch ở Bốt Nhống kéo dài suốt từ năm 1949 đến cuối năm 1953.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân và lực lượng vũ trang xã An Khê đã tham gia chiến đấu chống càn 13 trận lớn, 30 trận nhỏ, tiêu diệt và bắt sống 180 tên địch, bắn cháy 6 xe tăng, đánh chìm 3 tàu chiến, tiêu huỷ 3 đồn bốt và thu nhiều vũ khí quân dụng khác góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.

Ngay sau khi thực dân Pháp rút quân, cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược. Hưởng ứng lời kêu gọi “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để giải phóng miền Nam”, Đảng bộ và nhân dân An Khê đã hăng hái đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến.

Toàn xã đã đóng góp 7.700 tấn thóc và 4.300 tấn thực phẩm chi viện cho miền Nam; tiễn đưa 1.200 thanh niên lên đường nhập ngũ, 360 nam nữ tham gia thanh niên xung phong, 71 người tham gia các công trường, 301 nhân lực phục vụ chiến đấu và hàng ngàn lượt người tham gia phòng vệ tại địa phương.

Cả xã có 1.182 hộ thì 60% trong số đó là gia đình quân nhân; có 4 gia đình có 4 người con nhập ngũ, 29 gia đình có 3 con nhập ngũ, 144 gia đình có 2 con lên đường cầm súng chiến đấu. Phong trào tuyển quân chi viện cho tiền tuyến của An Khê luôn vượt chỉ tiêu, năm cao nhất đạt 180% kế hoạch.

Từ cuối năm 1964, xã đã thành lập tổ săn máy bay. Tháng 8/ 1965, thành lập trung đội công binh phá bom nổ chậm lúc cao điểm lên tới 145 người, xây dựng 5 trận địa bắn máy bay tầm thấp.

Năm 1966, thực hiện trực chiến ban ngày, thành lập 2 trận địa, 2 đài quan sát báo động. Sau đó thực hiện trực chiến cả ngày và đêm, trên trận địa thường xuyên có 43 cán bộ chiến sĩ canh gác sẵn sàng chiến đấu.

Năm 1968, xã tổ chức lực lượng dân quân du kích chống biệt kích nhảy dù với sự tham gia của 631 người... Với lực lượng hiện có, quân và dân An Khê đã phối hợp tổ chức nhiều trận đánh chống đế quốc Mỹ phá hoại.

Điển hình là trận ngày 15/ 6/ 1967, máy bay địch hoạt động dữ dội liên tiếp bắn phá khu vực Nhà máy xay Ninh Giang làm chết hàng trăm người; vượt lên lửa đạn, dân quân du kích xã vẫn lao xuống cứu tàu thuyền bị cháy, đưa người chết và bị thương vào bờ, thu trả cho nhà nước 25 tấn hàng, 2 tàu máy kéo, 8 sà lan, 3 thuyền vận tải và 1 bè tre gỗ.

gày 14/ 4/ 1972, máy bay địch bay dọc tuyến sông Hoá, qua địa phận xã để đánh phá Nhà máy xay Ninh Giang, khi tổ trinh sát báo động, lực lượng phòng không huyện và xã đã trực sẵn chờ máy bay địch vào trận địa liền cho đồng loạt nổ súng tạo thành lưới lửa ngăn cản không quân Mỹ ném bóm đánh phá.

Giữa năm 1972, sau nhiều lần địch bắn phá đã để lại rất nhiều bom và ngư lôi nằm sâu trong thân đê, đồng ruộng, lòng sông... Để giải phóng giao thông và bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân, lực lượng công binh của xã tổ chức phá huỷ 15 quả ngư lôi và 14 quả bom nổ chậm góp phần bảo vệ an toàn hệ thống kè và thông tuyến giao thông huyết mạch tại ngã ba sông Luộc...

Đi đôi với tổ chức chiến đấu, nhân dân An Khê còn giúp Nhà nước sơ tán và bảo vệ an toàn hàng ngàn tấn lương thực, tháo gỡ 148 quả bom nổ chậm, phá huỷ 317 quả ngư lôi.

Không chỉ anh hùng trong chiến đấu, thời kỳ 1961- 1965, An Khê còn được chọn làm điểm về khoanh vùng rải thửa làm thuỷ lợi, năm 1965 năng suất lúa toàn xã đạt 51,36 tạ/ ha, cao nhất huyện Phụ Dực và là một trong những địa phương đầu tiên ở miền Bắc đạt năng suất lúa 5 tấn/ ha.

Bên cạnh đó, HTX Đại Đồng còn dẫn đầu huyện về chăn nuôi lợn, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Liên tục từ năm 1966- 1970, năng suất lúa của An Khê luôn dẫn đầu huyện. Năm 1968, xã có 23 ngành nghề thủ công, trở thành điểm sáng về thâm canh lúa và phát triển nghề.

Kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, xã An Khê có 188 người con vĩnh viễn nằm lại chiến trường; 175 người là thương, bệnh binh các hạng; 57 người bị địch bắt tù đày; 138 người bị nhiễm chất độc màu da cam...

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang An Khê đã được Đảng và Nhà nước phong tặng 1 Huân chương kháng chiến hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, 3 Huân chương Lao động hạng Ba. Được công nhận là đơn vị lá cờ đầu về thuỷ lợi và nuôi cá nước ngọt (năm 1964), xã đạt 5 tấn thóc đầu tiên của huyện Phụ Dực (năm 1965).

Ngô Quang Trách

Bí thư Đảng ủy xã An Khê - Quỳnh Phụ 

  • Từ khóa