Thứ 3, 07/01/2025, 06:08[GMT+7]

10 sự kiện kinh tế - xã hội 2010

Thứ 3, 21/12/2010 | 10:41:02
2,536 lượt xem
Việt Nam thành công lớn trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Hà Nội tổ chức đại lễ 1000 năm, giáo sư Ngô Bảo Châu giành giải Fields, nhưng năm 2010 cũng để lại dấu ấn nặng nề bởi thiên tai, những khó khăn kinh tế thời hậu khủng hoảng. Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế - xã hội tiêu biểu của năm 2010

Thủ tướng Nhật Naoto Kan, Thủ tướng Australia Julia Gillard, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Đông Á.

1. Việt Nam ghi dấu ấn trong vai trò Chủ tịch ASEAN

Những hoạt động đối ngoại trong năm của ASEAN và khu vực diễn ra dồn dập tại Việt Nam thể hiện sự năng động, chủ động dẫn dắt các tiến trình hợp tác khu vực, thông qua những quyết sách quan trọng. Trong thành công ấy có nhiều sáng kiến của Việt Nam - Chủ tịch ASEAN.

Đầu tháng 10, bộ trưởng Quốc phòng của 18 quốc gia trên thế giới tề tựu ở Hà Nội, chia sẻ hợp tác về quốc phòng an ninh. Hàng loạt vấn đề nóng của khu vực, thế giới đã được bàn thảo, đặc biệt là những tranh chấp ở biển Đông. Cuối tháng 10, Việt Nam tiếp tục trở thành tâm điểm của thế giới với sự hiện diện lãnh đạo nhiều cường quốc tại Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á. 14 cuộc họp cấp cao đã diễn trong hai ngày rưỡi tại Hà Nội, trong đó lần đầu tiên có tới 8 cuộc họp cấp cao riêng ASEAN+1.

Qua các cuộc gặp song phương, vị thế Việt Nam cũng đã được nâng cao. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định: "Việt Nam là nước đối tác trọng điểm của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng lên tiếng: "Mỹ muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam". Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản đã chọn Hà Nội là nơi "giảng hòa" cho những bất đồng về biên giới lãnh thổ.

2. Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Diễu binh, diễu hành sáng 10/10 tại Hà Nội

Với lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử có hơn 30.000 người tham gia; đêm hội bế mạc của hơn 8.000 nghệ sĩ, màn pháo hoa tràn ngập âm thanh ánh sáng và hàng trăm hoạt động văn hóa nghệ thuật..., đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã gây ấn tượng đặc biệt với bạn bè quốc tế và người dân cả nước. Hãng tin AP (Mỹ) miêu tả, những ngày tháng 10 Hà Nội đang "biểu dương lòng tự hào quốc gia".

Hàng loạt công trình quy mô lớn được hoàn thành như: đại lộ Thăng Long 28 km - dài, hiện đại nhất nước, con đường Gốm sứ - bức tranh ghép gốm lớn nhất thế giới được ghi kỷ lục Guiness và hàng trăm món quà độc đáo của các vùng miền đã được gửi tặng thủ đô dịp nghìn năm.

Tuy nhiên, đại lễ cũng để lại dư âm buồn: giao thông ùn tắc nghiêm trọng, phương thức tổ chức bất hợp lý, một số công trình hạ tầng đô thị xuống cấp gây nên những xì xào trong dư luận về căn bệnh thành tích với những khoản kinh phí chậm công bố.

3. Mưa lũ tàn phá miền Trung

Mưa lũ lịch sử tại Quảng Bình trong tháng 10

Gần 200 người chết, hơn 30 người mất tích chỉ trong 2 tháng 10-11, khi miền Trung liên tiếp hứng chịu 5 đợt lũ lớn. Lũ chồng lũ với đỉnh vượt mức lịch sử cách đây vài chục năm khiến cả miền Trung tràn ngập cảnh hoang tàn.

Dòng nước lũ hung hãn thậm chí cuốn phăng cả chiếc xe khách chở 38 người đang lưu thông trên quốc lộ 1A thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), khiến 20 người mất tích (trong đó có bé mới 7-8 tháng tuổi). Chiếc xe và xác của những hành khách xấu số này sau đó được tìm thấy dưới dòng sông Lam, cách vị trí gặp nạn một km. Trong khi đó tại Quảng Ngãi, Khánh Hòa, mưa xối xả liên tiếp làm lở núi, vùi lấp nhiều đứa trẻ.

Khắp nơi hướng về miền Trung, thành phố Hà Nội đã cắt khoản chi phí bắn pháo hoa vào tối bế mạc đại lễ 1000 năm để dành tiền ủng hộ. Mưa lũ cũng đã làm nóng nghị trường Quốc hội khi nhiều đại biểu lên tiếng chỉ trích thủy điện là nguyên nhân góp phần đẩy đỉnh lũ lên mức lịch sử. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trưởng khẳng định "quy trình vận hành thủy điện có vấn đề".

4. Khủng hoảng tại tập đoàn khổng lồ Vinashin

Ông Phạm Thanh Bình, "thuyền trưởng" một thời của Vinashin đã bị bắt ít ngày sau quyết định tái cơ cấu tập đoàn.

Đầu tư dàn trải, phát triển sản xuất kinh doanh ồ ạt, buông lỏng quản lý giám sát dẫn tới gánh nặng nợ nần nhiều chục nghìn tỷ đồng tại Vinashin không chỉ là cái kết thảm cho biểu tượng một thời của nền công nghiệp Việt Nam, mà còn là bài học cho sự thử nghiệm mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Trong vòng một tháng kể từ khi quyết định tái cơ cấu được công bố, Vinashin phải xẻ tài sản làm ba để chuyển giao cho các tập đoàn khác, liên tiếp thay ba đời tổng giám đốc. Hàng loạt quan chức cấp cao của tập đoàn bị bắt hoặc triệu tập, trong đó có cả cựu chủ tịch Phạm Thanh Bình, tổng giám đốc điều hành Trần Quang Vũ.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng nhận trách nhiệm trước Quốc hội và cho biết các thành viên Chính phủ đang kiểm điểm nghiêm túc về vụ việc này. Ban chỉ đạo tái cơ cấu do chính Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đứng đầu đang nỗ lực cứu Vinashin khỏi bờ vực phá sản, vực dậy sản xuất kinh doanh và sớm hoàn thành nghĩa vụ với các chủ nợ, với đất nước, với dân - những người chắt chiu từng đồng thu nhập góp vào ngân sách.

5. Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc

Dự án đường sắt cao tốc có vốn đầu tư gần 56 tỷ USD

Chỉ với 37% số đại biểu tán thành, chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc đã chính thức bị Quốc hội bác tại phiên họp giữa năm. Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết đánh giá: "Đây là một quyết định lịch sử. Nếu tôi không nhầm thì lần đầu tiên Quốc hội bác một dự án lớn do Chính phủ trình".

Trước khi có quyết định trên, siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam với số vốn đầu tư gần 56 tỷ USD, chiếm quá nửa GDP cả nước đã gây tranh cãi trên diễn đàn Quốc hội và cả ngoài xã hội. Dù Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã giải trình những băn khoăn của đại biểu về vấn đề vốn, khả năng trả nợ và trấn an: "Yên tâm làm đường sắt cao tốc", nhưng đa số ý kiến phản đối vẫn cho rằng hiệu quả kinh tế thấp, vốn đầu tư quá lớn, sẽ tạo gánh nặng nợ nần cho hậu thế. Gay gắt hơn, một số còn cho rằng Việt Nam đã nghèo thì không nên chơi sang.

6. GS Ngô Bảo Châu đoạt giải 'Nobel Toán học'

Giáo sư Ngô Bảo Châu trong vòng vây của những người yêu mến anh

Trưa 19/8, cả khán phòng ở Hyderabad, Ấn Độ ào lên tiếng vỗ tay khi giáo sư Ngô Bảo Châu (38 tuổi) trở thành một trong bốn nhà toán học giành giải Fields. Việt Nam - đất nước đang phát triển - đã trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Nhật có nhà toán học đoạt giải thưởng danh giá được ví như "Nobel Toán học".

Chứng minh bổ đề cơ bản - công trình đưa tên tuổi Ngô Bảo Châu lên tầm thế giới - được các giáo sư tại đại học Chicago (Mỹ) đánh giá là đã mở đường cho những tiến bộ đặc biệt quan trọng trong cấu trúc toán và vật lý.

Với giải Fields, chàng cựu sinh viên khoa Toán, ĐH Tổng hợp Hà Nội đã trở thành thần tượng của giới trẻ. Hàng trăm thanh niên xếp hàng chờ đợi anh ở sân bay Nội Bài, hàng nghìn người đã có mặt tại Trung tâm hội nghị quốc gia dự lễ vinh danh Ngô Bảo Châu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi Ngô Bảo Châu là "niềm tự hào của Việt Nam", UBND Hà Nội vinh danh anh là "Công dân thủ đô ưu tú". Ngô Bảo Châu cũng là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Yahoo Việt Nam trong năm 2010.

7. Loạn giá vàng, lãi suất

Quảng cáo lãi suất 17% trong chương trình khuyến mại 3 ngày vàng của Techcombank được cho là nguyên nhân náo loạn thị trường.

Việc Techcombank bất ngờ niêm yết lãi suất 17% vào sáng 8/12, cao hơn 5% so với đồng thuận của thị trường, đã châm ngòi cho "cuộc chiến" lãi suất từ chỗ ngấm ngầm trở nên công khai và quyết liệt hơn. Ngay trong ngày, Ngân hàng Nhà nước họp khẩn, kể cả công khai và gặp gỡ riêng những đơn vị được cho là nguyên nhân gây náo loạn lãi suất, thậm chí lên tinh thần thực hiện sớm điều luật cho phép trừng phạt những hành vi gây rối thị trường. Thành viên hai miền Nam Bắc của Hiệp hội Ngân hàng sau đó phải thống nhất lãi suất đồng thuận mới, không quá 14%.

Nguy cơ lạm phát, sự gia tăng nhu cầu sử dụng vốn cuối năm, áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau cũng như giữa ngân hàng với các kênh đầu tư khác là những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc đua giành giật vốn. Bên cạnh đó còn do tín hiệu điều hành chính sách tiền tệ đôi khi được phát đi thiếu rõ ràng, giữa chủ trương để lãi suất theo thị trường nhằm kiềm chế lạm phát và chủ trương ổn định chi phí đầu vào để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Vàng và đôla cũng là những nhân tố mất ổn định thị trường tiền tệ năm 2010. Bắt nguồn chủ yếu từ diễn biến thế giới, song cơn "điên loạn" khiến giá vàng tăng hơn 1,5 triệu đồng lên mức kỷ lục 38,2 triệu đồng sáng 9/11 và đôla Mỹ vượt mốc 21.000 đồng một lần nữa cho thấy cơ quan quản lý đang chật vật trước sự thao túng của các thế lực đầu cơ trên thị trường.

8. Lạm phát gia tăng

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng. Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê

Không phải đến khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo Quốc hội về việc chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng tăng 9,58% người ta mới lo khó giữ lạm phát cả năm dưới mức hai con số. Sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng đã đẩy giá cả tăng cao ngay những tháng đầu năm và khiến Chính phủ phải điều chỉnh chỉ tiêu thay vì mức 7% theo yêu cầu của Quốc hội.

Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực triển khai hàng loạt biện pháp như lập quỹ bình ổn, kiềm chế tăng giá các mặt hàng thiết yếu, bổ sung nguồn cung cho thị trường, tiết giảm chi tiêu công. Tuy nhiên hàng hóa vẫn mượn cớ đắt đỏ thêm, khiến người tiêu dùng xót xa mỗi lần ra chợ, người làm công ăn lương buộc phải căn cơ chi tiêu vì những đồng thu nhập ngày càng teo tóp theo đà tăng giá cả. Thành tựu kinh tế tăng trưởng cao hàng đầu khu vực vì thế sẽ mất đi một phần ý nghĩa.

9. Quy hoạch Hà Nội gây tranh cãi

Thị trường địa ốc bị tác động mạnh nhất kể từ khi có triển lãm quy hoạch “Mô hình đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”.

Đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã gây xôn xao dư luận bởi ý tưởng xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì và trục Thăng Long kéo dài từ Hồ Tây tới chân núi Tản.

Tiếp thu nhiều ý kiến, Bộ Xây dựng đã rút lại quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, song vẫn bảo lưu trục đường Hồ Tây - Ba Vì. Trục đường này sẽ tập trung quảng trường, vườn hoa, không gian xanh để tổ chức các hoạt động công cộng văn hóa, không vì mục đích giao thông. Đồ án quy hoạch gây tranh cãi này đến nay chưa được Thủ tướng phê duyệt, dù theo kế hoạch là ban hành vào dịp đại lễ 10/10.

Tuy nhiên, thông tin công bố về 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội và trục Thăng Long, bắt đầu từ đường Hoàng Quốc Việt tới chân núi Ba Vì thuộc địa phận Hà Tây, khiến đất khu vực này tăng giá tới 2-3 lần. Sức nóng từ những vùng ăn theo quy hoạch còn lan tỏa sang nhiều khu vực khác khiến đất ở Tây Hồ, Gia Lâm cũng tăng giá. Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP đã phải vào cuộc, liên tiếp đưa ra hàng loạt kế sách nhằm hạ nhiệt thị trường.

10. Hàng loạt quan chức bị trung ương kỷ luật

Trụ sở UBND tỉnh Hà Giang, nơi ông Nguyễn Trường Tô từng là Chủ tịch tỉnh

Nhiều nhân sự cấp cao đã bị Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố hình thức kỷ luật, đặc biệt là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô. Ông Tô bị xác định đã thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ lãnh đạo... Không lâu sau đó, người đứng đầu tỉnh miền núi này bị cách chức.

Tiếp đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND và HĐND tỉnh Ninh Bình cũng bị xác định đã có những việc làm gây hậu quả nghiêm trọng, khiến thất thoát, lãng phí tiền, tài sản, đất đai của nhà nước... Bí thư Tỉnh ủy Đinh Văn Hùng còn bị Ban chấp hành Trung ương Đảng kết luận vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, phương thức lãnh đạo của Đảng và tiêu chuẩn phẩm chất, đạo đức, lối sống... Vị bí thư hiện bị cảnh cáo về mặt Đảng, cho nghỉ hưu.

Trong năm qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn công bố kỷ luật nhiều cán bộ cấp tướng của Bộ Công an với những sai phạm liên quan đến mua sắm tài sản, ngân sách...

Theo VNE

  • Từ khóa