Thứ 3, 07/05/2024, 20:23[GMT+7]

Chủ tịch Hồ Chí Minh Với giai cấp nông dân Việt Nam

Thứ 3, 21/12/2010 | 14:19:56
6,334 lượt xem
Nông dân Việt Nam là chủ nhân đầu tiên của lịch sử Việt Nam. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, giai cấp nông dân Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, lao động cần cù sáng tạo, kiên cường bất khuất đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, khắc phục thiên tai, lập nên những kỳ tích to lớn, tô đẹp non sông gấm vóc Việt Nam.

Mùa gặt ở Nguyên Xá - Vũ Thư. Ảnh: Thành Tâm

Từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước, Người tiếp thu và phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin về đất nước thì giai cấp nông dân Việt Nam mới được giác ngộ về lý tưởng cách mạng, mới hiểu rõ con đường cách mạng để tự giải phóng mình khỏi ách bóc lột, đàn áp của bọn phong kiến, đế quốc nên đã sát cánh cùng toàn dân chiến đấu và xây dựng, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc ấm no của toàn dân tộc.

Trong các tác phẩm nổi tiếng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc như: “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường Kách Mệnh”... Người đều nói đến vai trò của giai cấp nông dân Việt Nam. Bằng những lý luận sắc bén, Người trình bày các nhận thức sâu sắc, mới mẻ về đời sống của giai cấp nông dân, vai trò quan trọng, sức mạnh vô cùng to lớn, nguyên nhân thất bại của phong trào nông dân khi họ chưa được tổ chức và lãnh đạo đúng đắn.

Đồng thời Người dành cho giai cấp nông dân Việt Nam những tình cảm chân thành được thể hiện ở ý chí chiến đấu đến cùng để giành quyền tự do và hạnh phúc cho giai cấp nông dân và toàn dân tộc.

Kể từ khi thành lập và trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện luôn đánh giá cao và khẳng định vị trí chiến lược của nông dân, vai trò chủ lực của giai cấp nông dân mà nòng cốt là Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta nhớ lại những thời điểm lịch sử trong sổ vàng truyền thống của giai cấp nông dân Việt Nam còn ghi rõ. Đó là: Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ và đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay, trong đó quyết định bỏ ba thứ thuế là: Thuế thân, thuế chợ và thuế đò.

Tiếp sau đó, ngày 7-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra sắc lệnh bãi bỏ thuế thân. Quyết định này đã thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chính thể dân chủ mới, bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

Cuối năm 1945, trong thư gửi Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Vì cứu nước, các chiến sĩ đấu tranh ở ngoài mặt trận; vì kiến quốc, nhà nông phấn đấu ngoài đồng ruộng”. Vai trò của nông dân và nông nghiệp còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một lần nữa trong bức thư gửi điền chủ nông gia đề ngày 11-4-1946: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp.

Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong cuộc sống và xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông dân ta thịnh, thì nước ta thịnh!”.

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân trước hết là vấn đề ruộng đất. Bởi vì ruộng đất chính là nguồn sống chính của người nông dân. Một trong những công việc được làm ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo là tịch thu ngay ruộng đất của bọn đế quốc, Việt gian bán nước để chia cho dân nghèo; tiến hành chia lại ruộng đất công theo nguyên tắc dân chủ, tạm giao hết ruộng đất của tư nhân bỏ hoang cho nông dân thiếu ruộng.

Ngay trong những ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên chăm lo tới đời sống của người nông dân và có những quyết định rất đúng đắn giúp bà con nông dân ở vùng tự do phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Từ năm 1954 đến lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, Người đã trực tiếp chỉ đạo rất nhiều Hội nghị về phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Người còn thường xuyên đi về các địa phương thăm từng cánh đồng, từng thửa ruộng, xem từng bó mạ, từng bông lúa, cùng bà con đạp xe nước hoặc tát nước vào ruộng với những động tác rất thành thạo.

Trước khi đi xa, trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dặn lại, khi cuộc kháng chiến thắng lợi, cần miễn thuế cho nông dân. Có thể nói trong lịch sử lâu dài hàng nghìn năm của nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ cách mạng đầu tiên chủ trương giải phóng triệt để giai cấp nông dân thoát khỏi mọi chế độ áp bức, bóc lột.

Để đền đáp lại công ơn của Người trong tám thập kỷ qua giai cấp nông dân Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh anh dũng, lao động sáng tạo vì mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hội Nông dân Việt Nam trong bài phát biểu chỉ đạo của mình, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh:... “Đảng ta đã chỉ rõ rằng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Thái Phương ( Hưng Hà ) hôm nay. Ảnh: Thành Tâm

CNH, HĐH nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hoá, điện khí hoá, thuỷ lợi hoá, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học,đưa thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả,sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường.

CNH, HĐH nông thôn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; quy hoạch phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp, xây dựng nông thôn dân chủ, công bằng, văn minh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nông dân.

CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn là một cuộc cách mạng thực sự trong nông nghiệp và nông thôn. Cuộc cách mạng đó giải quyết đồng thời ba vấn đề cơ bản của một chỉnh thể: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân; kết hợp một cách chặt chẽ việc phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với việc xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp trong nông thôn, vừa tạo lập được một nền nông nghiệp phát triển và một nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, hiện đại, vừa xây dựng được giai cấp nông dân vững mạnh và con người nông dân mới, người nông dân làm chủ ruộng đồng, làm chủ văn hoá, khoa học và kỹ thuật để tiến lên.

CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trực tiếp của giai cấp nông dân liên minh với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước”.

Nông dân Việt Nam đã đổi đời nhờ có Đảng và Bác Hồ kính yêu lãnh đạo, dìu dắt. Dưới ánh sáng và tư tưởng của Người, giai cấp nông dân Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng dân tộc đi tới đích vinh quang, góp phần làm rạng rỡ non sông, gấm vóc Việt Nam.

Tô Phương

(Tuy Hòa - Phú Yên)

  • Từ khóa