Thứ 3, 23/07/2024, 00:20[GMT+7]

Câu chuyện sau chiến tranh

Thứ 2, 23/11/2015 | 10:01:18
12,517 lượt xem

“Bộ đội tranh thủ nghỉ đọc thư”, ảnh chụp tại dãy Trường Sơn năm 1972. Ảnh tư liệu.

 

(Tiếp theo và hết)

 

Ông Nguyễn Văn Nghĩa kể:

- Ngày hôm sau, Paud Reed đưa tôi vào thăm chiến trường xưa, tới vùng đồi của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, nơi đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa quân giải phóng (đơn vị của tôi) với quân đội Mỹ (đơn vị của Paud Reed) ngày 9/5/1968, nơi Paud Reed bị trọng thương và tôi đã băng bó vết thương cho ông ấy. Chúng tôi ngồi bên nhau, mắt đăm đăm tìm kiếm. Quả đồi năm xưa đã thay đổi, cỏ cây mọc um tùm. Paud Reed bảo, chính nơi này đã tái sinh ông, chính nơi này đã nảy nở một tâm hồn cao thượng. Paud Reed nhắc đi nhắc lại câu nói đó. Rồi chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm, chụp rất nhiều.

Kon Tum và các tỉnh Tây Nguyên là nơi quân đội Mỹ từng rải thảm chất độc hóa học. Nguyễn Văn Nghĩa và đồng đội của ông công tác, chiến đấu ở vùng đất này, nhiều người bị  nhiễm. Suốt những năm ở chiến trường Tây Nguyên, ông Nghĩa không hề dính một mảnh đạn nhưng chất độc da cam đã thấm vào máu thịt ông, để lại trong ông một vết thương không có máu chảy nhưng cũng thật khốn khổ. Chất độc biến chứng, ông bị bệnh tim, bệnh tiểu đường, hai mắt dần dần mờ đi.

Biết được bệnh của ông do hậu quả chiến tranh gây ra, Paud Reed đã đề nghị được đưa Nguyễn Văn Nghĩa sang Mỹ khám chữa. Ông Nghĩa cảm ơn rồi từ chối.

*

*       *

Trở về thành phố Dallas đã ba mùa xuân, Paud Reed vẫn thường xuyên liên hệ với gia đình Nguyễn Văn Nghĩa và biết được bệnh của ông ngày một xấu đi. Paud Reed đề nghị xin bảo lãnh, lo mọi chi phí để đón ông Nghĩa sang thăm quê hương của Paud Reed để du lịch và chữa bệnh. Sự chân tình nhiều lần của Paud Reed làm Nguyễn Văn Nghĩa rất cảm kích. Bệnh tình của ông không đỡ, ngày càng nặng thêm. Hoàn cảnh gia đình ông không có điều kiện chữa trị... Ðược sự ủng hộ của địa phương và người thân, Nguyễn Văn Nghĩa nhận lời Paud Reed. Ngày 15/10/1996, ông và người con trai là Nguyễn Văn Diễn lên đường sang Mỹ.

Ông Nghĩa kể:

- Sang tới nơi, Paud Reed đón bố con tôi về nhà ông tại thành phố Dallas ở bang Texas. Ở hai ngày, Paud Reed bảo để biết nhà rồi ông ấy thuê cho bố con tôi một căn phòng trong khách sạn của thành phố gần nhà ông. Mỗi ngày một, hai lần ông ấy ra thăm chúng tôi. Sau đó, Paud Reed đưa tôi vào bệnh viện của thành phố. Ông dẫn tôi đi làm các thủ tục chụp, chiếu, xét nghiệm để điều trị. Bệnh viện chẩn đoán căn bệnh của tôi do nhiễm chất độc da cam đã biến chứng, phải điều trị và tẩy độc lâu dài. Bác sĩ bảo hai mắt tôi nếu không chữa có thể sẽ bị mù vĩnh viễn...

- Những ngày tôi nằm điều trị Paud Reed luôn ở bên giường bệnh với tôi. Ông ấy chăm sóc, lo toan mọi thứ, những lúc tôi mệt, ông ấy luôn ở bên cạnh. Ông Nghĩa ngừng kể, đưa tay với chiếc cặp da, lấy ra một tập ảnh đưa cho tôi và bảo: Ðây là những bức ảnh chụp Paud Reed và tôi những ngày tôi điều trị ở bệnh viện thành phố Dallas. Chúng tôi đỡ tập ảnh từ tay ông rồi mở ra xem. Nhìn các tấm hình, ai cũng cảm động. Ảnh Paud Reed ngồi đặt tay lên trán ông Nghĩa nằm trên giường. Cận ảnh Paud Reed ghé sát mặt ông Nghĩa vẻ trầm tư lo lắng. Ảnh ông Nghĩa ngồi tựa lưng vào Paud Reed ở trên giường bệnh. Ảnh đôi tay Paud Reed xoa bóp trên lưng ông Nghĩa... Những hình ảnh cứ lưu mãi trong đầu tôi về ân nghĩa giữa hai con người ở hai đất nước.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa nói:

- Sau gần ba tháng nằm điều trị, bệnh tình của tôi đỡ nhiều, tôi được ra viện. Paud Reed đón tôi về khách sạn của thành phố để nghỉ dưỡng. Thấy bố con tôi chuẩn bị về nước, Paud Reed vẻ mặt buồn buồn. Một hôm, Paud Reed nói với tôi, người phiên dịch dịch lại: Tôi muốn từ nay chúng mình sẽ là bạn thân của nhau. Tôi muốn Nghĩa ở lại đây với gia đình tôi. Cuộc sống và mọi công việc tôi sẽ lo cho Nghĩa...

Nói tới đây, vẻ mặt ông Nghĩa đầy  xúc động. Lặng lẽ một lát, ông tiếp: Tôi thật bất ngờ về đề nghị của Paud Reed. Ông ấy đã lo cho bố con tôi sang chữa bệnh, lại còn định giữ tôi ở lại sống cùng gia đình ông ấy. Sao nước Mỹ có những con người nặng tình, nặng nghĩa như vậy. Tôi cảm ơn Paud Reed và nói lý do tôi không thể ở lại nước Mỹ. Paud Reed lại thuyết phục tôi. Ông ấy bảo bệnh tình của tôi tuy đã ổn định nhưng vẫn có thể tái phát. Ở Việt Nam chưa có điều kiện chữa trị, nhất là thứ bệnh di chứng của chất độc.

Ông Nghĩa nói tiếp:

- Khi sang thăm gia đình tôi, Paud Reed hiểu rõ hoàn cảnh. Ông ấy muốn tôi sống ở Mỹ để có điều kiện chữa bệnh và cuộc sống đỡ chật vật những năm cuối đời. Tôi bảo, tôi còn vợ con ở Việt Nam, còn sinh hoạt trong tổ chức. Tôi không thể ở lại được.

Ông Nghĩa ngừng kể, một lát sau, quay lại nói những ý nghĩa chân tình với chúng tôi: Các anh biết đấy, tôi là một cựu binh, một đảng viên đã nhiều tuổi đảng, tôi phải về với tổ chức. Ở nước Mỹ sung sướng thật, có điều kiện chữa bệnh nữa nhưng mình không thể bỏ tổ chức, bỏ quê hương và gia đình. Ý tôi đã quyết, Paud Reed đành phải chiều theo.

Ông Nghĩa tiếp tục kể:

- Ngày hôm sau, Paud Reed nói với tôi qua người phiên dịch: Nghĩa không ở lại với gia đình tôi nhưng tôi xin đề nghị thế này nhé. Nghĩa cho con của Nghĩa - cháu Nguyễn Văn Diễn ở lại, tôi sẽ bảo lãnh cho cháu. Ban đầu khó khăn, gia đình tôi sẽ giúp đỡ. Sau này cháu sẽ tự lập. Còn Nghĩa về Việt Nam, khi nào bệnh tái phát, điện cho tôi, tôi sẽ đón Nghĩa sang chữa bệnh.

Ông Nghĩa tiếp:

- Lại một vấn đề làm hai bố con tôi phải cân nhắc, nghĩ ngợi. Paud Reed chân  tình thực lòng. Cháu Diễn được ở lại nước Mỹ cũng là cơ hội hiếm có. Nhưng một mình cháu sống trên đất Mỹ thực tình tôi cũng không yên tâm. Và còn nhiều lý do khác, cháu cũng ngại ở lại.

Ông Nghĩa nói với vẻ mặt cảm kích:

- Một hôm, Paud Reed tâm sự với tôi, nhờ có Nghĩa mà tôi mới có ngày hôm nay. Công Nghĩa cứu tôi là lớn lắm, là vô giá. Tôi có giúp gì cho Nghĩa, cho cháu Diễn cũng có thấm vào đâu. Tôi làm cũng là vì ý nguyện của cả mẹ tôi nữa. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, mẹ tôi còn nhắc lại, con còn nợ người lính Việt Nam cái ơn cứu mạng lớn lắm đấy.

 

Tôi suy nghĩ mãi rồi nghe theo Paud Reed và động viên cháu Diễn ở lại. Ðược sự bảo lãnh và giúp đỡ của gia đình Paud Reed, cuộc sống của cháu tự lập, dần dần đã ổn định. Cháu Diễn đã xây dựng gia đình với cháu Phạm Thị Vinh, người Ðà Nẵng, sinh sống ở Mỹ, tôi rất yên tâm. Cháu ở lại bên đó tính đến nay đã gần 20 năm rồi. Chóng thật.

 

Dân quân nam và nữ giúp bộ đội Bắc Việt Nam kéo pháo lên trận địa Hải Dương năm 1972.

 

Ông Nghĩa nói lời cuối cùng với chúng tôi như nói với chính mình: Trước khi trở về Việt Nam, tôi tới chào tạm biệt gia đình và thắp nén nhang lên ban thờ có tấm ảnh người mẹ của Paud Reed. Nhìn tấm ảnh người mẹ nhân từ, phúc hậu, tôi chợt nhớ Paud Reed người con trai của mẹ trước họng súng của tôi gần 20 năm trước. Hôm ấy, nếu tôi bóp cò, nếu tôi không hành động theo lương tâm của mình, người mẹ này sẽ phải đau khổ biết ngần nào. Một người mẹ giàu lòng nhân nghĩa mà tôi phải thầm biết ơn. Mẹ đã cho tôi và con của mẹ có cơ hội gặp nhau, để dẫu chỉ một lần thôi, tôi hiểu được tấm lòng của người Mỹ. Ân tình của mẹ, của Paud Reed sống ở cõi đời mấy ai mà quên được.

 

Bút ký của Minh Chuyên

Ðài Truyền hình Việt Nam

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày