Thứ 2, 02/12/2024, 19:04[GMT+7]

Ngái Lăng tự Ngôi chùa cổ giầu truyền thống lịch sử văn hóa

Thứ 6, 21/01/2011 | 16:16:56
10,130 lượt xem
Ngái Lăng Tự - Ngôi chùa giàu truyền thống lịch sử văn hóa cách mạng thuộc thôn Phú Lạc, xã Phương Lai, tổng Tri Lai, huyện Vũ Tiên (nay là thôn Phú Lạc, xã Phú Xuân, Thành phố Thái Bình) có từ hàng ngàn năm.

Đấu vật trong lễ hội tryền thống ở Ngái Lăng Tự. Ảnh: Quốc Hương

Là ngôi chùa nằm ở vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, ở vị trí trung tâm của quần thể các di tích lịch sử văn hóa vùng miền, có Hội vật võ được xem như một di sản văn hóa “phi vật thể” lâu đời.

 

Hàng năm cứ sau Tết Nguyên đán 1 tháng, vào ngày 1 tháng 2 Âm lịch còn gọi là Tết Trung hòa hay Tết Cùng, nhân dân thôn Phú Lạc, xã Phú Xuân, lại tổ chức lễ hội truyền thống ở ngôi chùa của quê hương mình. Từ ngày 29, 30 cuối tháng trước không khí lễ hội đã bắt đầu nhộn nhịp tưng bừng.

 

Không chỉ ở Phú Lạc, Phú Xuân mà còn lan tỏa tới nhiều làng quê lân cận cũng náo nức mong về ngày Hội. Các nghi thức lễ hội được trang hoàng, bài trí khá trang nghiêm hoành tráng. Cờ đỏ sao vàng, cờ Hội, Băng zôn, khẩu hiểu đón mừng các đại biểu, phật tử, khách thập phương được giăng lên dọc đường vào làng, vào chùa. Hàng trăm mét vuông sân chùa đã được dựng rạp che bạt, sân khấu, sới vật và các phương tiện phục vụ cho lễ hội đã được chuẩn bị chu đáo để đón tiếp đội tế với những màn tế đẹp mang đạm bản sắc văn hóa dân tộc, những đô vật nổi tiếng trong làng và các đô vật thập phương với những miếng vật, keo vật sôi nổi, gay cấn và hấp dẫn.

 

Tương truyền rằng cách đây hàng ngàn năm cụ Trần Minh Công tức Tướng quân Trần Lãm người bố nuôi của Đinh Bộ Lĩnh đã chọn mảnh đất chùa này làm nơi thao trường luyện tập võ để dẹp loạn 12 sứ quân. Ngày xuất binh đúng vào Tết Nguyên đán nên khi trở về tết đã qua nên đã chọn ngày 1 tháng 2 âm lịch để tổ chức lễ hội, khao quân ăn mừng chiến thắng.

 

Lễ hội truyền thống vừa để mừng xuân mới vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Các cụ cao niên trong làng truyền lại rằng: năm nào làng không tổ chức lễ hội là năm ấy mùa màng thất thu, con người bệnh dịch, mưa không thuận, gió không hòa.

 

Lễ hội được chia làm hai phần: Phần lễ có khai mạc, có tế, lễ, dâng hương... Ôn lại quá trình lịch sử của chùa, nói lên công đức truyền thống tốt đẹp của cha ông và cầu mong mọi người mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang thịnh vượng... Phần hội có biểu diễn văn nghệ quần chúng, có các hoạt động thi đấu thể thao cờ tướng, cờ người, cầu lông, chọi gà... nổi nhất vui nhất là hội vật.

 

Nếu bạn về thăm ngôi chùa này vào dịp mùa xuân mới thấy hết vẻ đẹp và những nét độc đáo của Ngái Lăng Tự.

 

Từ bến xe liên tỉnh Thành phố Thái Bình đi theo đường Lý Bôn (đường 223) về phía Tây Bắc không đầy 2 cây số, cách đường chừng mười mét, phía tay trái là chùa Phú Lạc. Ngôi chùa tọa lạc trên khoảng đất có địa thế khá đẹp, cao ráo thoáng mát với diện tích gần 5.000m2.

 

Chùa Phú Lạc có một vị trí khá đặc biệt là nằm ở giữa trung tâm quần thể di tích lịch sử văn hóa vùng miền đã được công nhận. Phía tây là Đình Nghĩa Chính, Chùa Đại Lai, Từ đường Nguyễn Bảo cùng xã. Phía Bắc là chùa Chành, xã Tân Bình, Phía đông là chùa Bồ (phường Bồ Xuyên), chùa Đoan Túc, phường Tiền Phong. Phía Namon> là chùa Tiền  nơi trung tâm và là trụ sở của Hội Phật giáo tỉnh Thái Bình.

 

Ngái Lăng Tự còn nằm trong vùng đất địa linh nhân kiệt của Kỳ Bố Hải Khẩu (nay là phường Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình). Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư” và sự lưu truyền qua các thời đại, trong quá trình dựng nước và giữ nước, ngay từ thế kỷ thứ 10 Phú Xuân đã có nhiều nhân tài, hiền tài, nhân sĩ tướng lĩnh đã cống hiến tài năng, sức lực, trí tuệ của mình cho quê hương đất nước cho sự trường tồn của dân tộc.

 

Bên cạnh chùa Chính còn có đền Mẫu thời bà chúa Liễu Hạnh  người đã làm nhiều điệu thiện, trừng trị kẻ ác được vua sủng ái, nhân dân mến mộ.

 

Chùa Phú Lạc là ngôi chùa cổ. Trong chùa ngoài các pho tượng quý còn có chuông đồng, bia đá, bàn thờ đá hoa sen ghi lại những dấu tích quan trọng qua nhiều triều đại... có giá trị lịch sử lâu đời.

 

Chùa Phú Lạc còn lưu giữ nhiều kỷ niệm sâu sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1930, lá cờ Đảng được kéo lên tại gốc cây Gội cạnh chùa. Ngày 19/8/1945, tại đây thanh niên thôn Phú Lạc đã tập trung và cùng với đoàn biểu tình cách mạng vùng lên đi cướp chính quyền ở Thị xã Thái Bình.

 

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ chùa là địa điểm hội họp của các lực lượng kháng chiến, nơi tập kết dân quân du kích đi đánh địch, quấy rối địch. Bộ đội chủ lực đã từ đây đi đánh bốt Vũ Tiên, bốt Ngã tư An Tập trong các năm 1950 - 1951. Những năm đánh Mỹ chùa là nơi cất giấu vũ khí, dự trữ lương thực, thực phẩm cung cấp cho nhân dân, cho tiền tuyến...

 

Ngôi chùa này đã có hàng ngàn năm song mãi đến thời Vĩnh Thịnh cách đây khoảng 300 năm mới được xây dựng bằng vật liệu vững chắc nhưng rồi qua bao thăng trầm của lịch sử, thiên nhiên, chiến tranh, giặc dã, bom đạn, ngôi chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ những năm 2000 đến nay, được sự quan tâm của các cấp  tỉnh, Thành phố, xã Phú Xuân, thôn Phú Lạc, bà con nhân dân trong thôn, trong xã, khách thập phương và các nhà hảo tâm công đức, tiến cúng, ngôi chùa đã được tu bổ, tôn tạo xây dựng lại đẹp đẽ khang trang với sự đóng góp hàng ngàn ngày công lao động, hàng mấy trăm triệu đồng.

 

Nói về chùa Phú Lạc phải nói đến Hội vật võ truyền thống, nó đã gắn liền với lịch sử ngôi chùa hàng ngàn năm làm cho diện mạo và tiếng tăm của Ngái Lăng Tự vang xa, in sâu trong lòng người không những ở Phú Xuân mà còn đến mọi người dân quanh vùng như Thành phố, Vũ Thư, Đông Hưng... Nhiều thế hệ cha anh, con cháu dòng họ của Phú Lạc đã “vang bóng” trong làng vật phía bắc một thời.

 

Ngày xưa, hàng năm cứ sau Tết Nguyên đán các cụ lại khua chiêng, dóng trống tụ tập trai tráng trong làng yêu say vật võ về tập luyện để chuẩn bị các cuộc thi đấu trong tỉnh, ngoài tỉnh và phục vụ nhân dân trong ngày Hội truyền thống “Tết Cùng 1 tháng 2” cùng với các đô vật thập phương trên sân chùa làng lịch sử. Lò vật Phú Lạc mãi mãi gắn liền với các tên tuổi lừng danh như cụ Nguyễn Văn Tất, người đã từng đoạt giải vô địch cuộc thi đấu năm 1943 tại đình Báng, Bắc Ninh, con trai cụ là anh Nguyễn Văn Thọ 2 lần vô địch giải vật miền Bắc (1987 - 1988) tại Quảng Ninh.

 

Truyền thống vật võ của Phú Lạc cứ nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác. Từ những đô vật nổi tiếng xưa như cụ Tất, cụ Thuần, cụ Huấn, cụ Chu, cụ Linh, cụ Luyến đến các bác Sơn, Thảo, Phúc, Bàn, các anh Tuấn, Cường, các cháu Hiện, Thành, Luận... Bây giờ được sự quan tâm của chính quyền địa phương lại được ngành văn hóa, thể thao du lịch tỉnh giúp đỡ nên phong trào vật võ của làng vẫn được duy trì và phát triển mạnh. Hội vật ở chùa Phú Lạc có lẽ được xem là di tích lịch sử “phi vật thể” ở miền đất giàu truyền thống văn hóa này.

 

Chùa Phú Lạc được UBND Tỉnh công nhận “Di tích lịch sử văn hóa” năm 2004. Năm 2008, theo đề nghị của chính quyền và nhân dân địa phương, Hội Phật giáo tỉnh đã bổ nhiệm Nhà sư đại đức Thích Thanh Toàn về trụ trì tại ngôi chùa này. Chỉ trong vòng 2 năm qua được sự tiến cúng của cán bộ, nhân dân thôn Phú Lạc, dân phố tổ 1, các thôn trong xã, các phật tử, các đơn vị đóng trên địa bàn, các nhà hảo tâm, khách thập phương cùng với sự nỗ lực của nhà sư nên diện mạo ngôi chùa được thay đổi rất nhiều từ cảnh quan bên ngoài đến nội thất bên trong .

 

Việc tu bổ, tôn tạo được tiếp tục tiến hành với giá trị xây dựng hàng trăm triệu đồng. Bây giờ Ngái Lăng Tự phong quang, bề thế, sáng xanh, sạch đẹp. Ngôi chùa và nhà mẫu nằm chính giữa.

 

Bao quanh là những vòm cây lá sum xuê. Có nhiều cây cổ thụ hàng mấy trăm năm... Sân chùa có những cây cảnh quý hiếm được trồng trên các bồn và bể non bộ. Đặc biệt có giếng nước trong xanh với nhiều vỉa bậc gạch đỏ từ trên xuống đáy với những chú rùa nổi lên, ngụp xuống, những đàn cá tung tăng bơi lội trông thật sinh động.

 

Xuân Nha

(CTV Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa