Thứ 7, 05/07/2025, 23:58[GMT+7]

Kỷ niệm ngày chiến thắng

Chủ nhật, 01/05/2016 | 19:20:56
6,751 lượt xem
Trước ngày nhập ngũ, tôi là học sinh cấp III (nay là THPT). Ngày ấy, học sinh cấp III có ít. Trường cấp III Nam Thư Trì vừa thành lập, chỉ có 2 lớp 9 và 4 lớp 8. Lớp 9B của chúng tôi chỉ có hơn 30 học sinh. Mặc cho đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta vẫn có chủ trương miễn, hoãn nghĩa vụ quân sự cho học sinh cấp III. Chúng tôi ở dạng “thấp bé nhẹ cân”, chẳng dám mơ mộng đi bộ đội.

Ảnh: Tư liệu

 

Hàng ngày, trên đường từ nhà tới trường, tôi phải đi qua đoạn đường 10 từ cầu Phúc Khánh đến phố Thẫm, rẽ phải hơn 1km vào đến nơi trường sơ tán lại làng Tân Quán. Hai buổi trưa liền (khoảng 21 - 22/4/1966, có một anh bộ đội đứng tránh nắng dưới gốc phi lao (nay là đất thuộc Công ty Bia Thái Bình) như chờ ai đó. Buổi đầu gặp anh, anh chỉ hỏi thăm gia đình, hỏi thăm việc học hành của tôi và gợi mở: “Em có thích đi bộ đội như anh không?”. Tất nhiên là tôi trả lời: “Có”. Cũng vào giờ ấy, trưa ngày hôm sau, anh bộ đội vẫn đứng chỗ đó, anh bảo sẽ xin cho tôi nếu ngày 23/4 đến khám tuyển tại trạm xá xã Vũ Chính, cạnh chùa Chanh. Sáng ngày 23/4 là sáng chủ nhật, làng tôi có khoảng 10 người được lệnh đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Tôi không cho ai biết “bí mật” của riêng mình, lẳng lặng đi bộ đến trạm xá xã. Khám đến phòng cuối cùng mới thấy “anh bộ đội mới quen” xuất hiện. Anh cười và nói nhỏ với tôi: “Xong rồi, về nhà đi, sẵn sàng nhé”.

 

Thứ bảy ngày 29/4/1966, chúng tôi thi vấn đáp môn toán để lấy điểm tổng kết năm học. Mặc dù tin “anh bộ đội mới quen” sẽ xin cho tôi những gì còn thiếu để được nhập ngũ, sau ngày khám tuyển tôi vẫn chịu khó học hành. Là học sinh cuối cùng thầy gọi lên bảng để giải bài toán (hình học - đại số - lượng giác) hỗn hợp, tôi làm bài khá trôi chảy, được thầy giáo khen và cho 5 điểm (điểm cao nhất theo thang điểm của Nga). Thầy cho về chỗ nhưng tôi đứng lại bục giảng chào thầy và các bạn để ngày 30/4 lên đường nhập ngũ.

 

Việc tôi nhập ngũ thì bố mẹ và cả nhà tôi đã biết từ ngày 28/4. Bố tôi bảo: “Đi nhập ngũ nay mai rồi còn thi hết năm học làm gì?”. Tôi thì nghĩ khác, bao giờ thống nhất đất nước sẽ trở lại trường tiếp tục học hành, lúc đó khỏi phải thi lại. Bây giờ ngồi nghĩ lại, ý nghĩ 50 năm trước thật hồn nhiên và trong sáng.

 

Chiều ngày 30/4/1966, xã dẫn 10 anh em trúng tuyển để giao quân tại đình làng Bộ La (xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư). Ngay đêm đó chúng tôi hành quân bộ về đơn vị huấn luyện tại thị trấn Chi Nê (tỉnh Hòa Bình). Kết thúc khóa huấn luyện, đơn vị được chuyển về Lý Nhân (Hà Nam) bảo vệ đê và phòng không chống máy bay Mỹ bắn phá. Tháng 8/1966, cả trung đoàn được giao cho Sư đoàn 324. Tôi và Trần Ngọc Trân (Vũ Ninh, Kiến Xương), bạn học cùng khóa tại trường cấp III chẳng hiểu làm sao không được bàn giao mà lại cùng cán bộ khung trở về Hòa Bình. Về tới Hòa Bình, hai anh em bàn nhau lên trung đoàn thắc mắc “Vì sao không cho vào chiến trường”. Tại trung đoàn bộ, chúng tôi gặp lại “anh bộ đội mới quen”. Anh bảo chúng tôi cứ về đơn vị nghỉ ngơi, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.

 

Cuối tháng 8/1966, chúng tôi nhận lớp tân binh vừa hoàn thành huấn luyện để đưa vào chiến trường Nam Trung Bộ mùa khô 1966 - 1967 vô cùng ác liệt. Sau đợt tập huấn ở Gia Lai, Trần Ngọc Trân và tôi chia tay nhau. Mãi những năm sau này tôi mới biết anh đã hy sinh ở mặt trận Bình Định.

 

Cách đây gần 20 năm, chúng tôi tìm lại nhau để lập ra hội đồng ngũ 30/4. Xã tôi chỉ còn 4 người, 6 người đã hy sinh. Các xã bạn trong huyện Vũ Tiên cũ cũng không còn nhiều. Ngày đầu lập hội có hơn 40 hội viên, nay chỉ còn khoảng 25 người vì rằng mỗi năm lại có 1 - 2 đồng chí về với tổ tiên do bệnh tình tái phát. Mặc dù vậy, mỗi lần gặp lại, hội đồng ngũ 30/4 vẫn rất đỗi tự hào vì ở hoàn cảnh nào anh em, đồng chí vẫn giữ vững bản chất, truyền  thống Bộ đội Cụ Hồ.

 

Không được may mắn như bao đồng đội trong hội đồng ngũ 30/4 được cầm súng truy đuổi địch vào tận hang ổ của chúng trong ngày 30/4/1975, đầu năm 1970, bị thương nặng, tôi phải ra Bắc điều trị. Tháng 3/1972 chuyển ngành về Báo Thái Bình. Trong những ngày của tháng 4/1975, cả hậu phương lớn, người người, nhà nhà hướng về tiền tuyến lớn. Từ nông thôn đến thành thị chỗ nào cũng có điểm thông tin chiến thắng ở chiến trường. Không khí thi đua “Vì miền Nam ruột thịt” từ nhà máy đến ruộng đồng sôi động ngày đêm. Sáng ngày 30/4/1975, vừa tới tòa soạn, ông Lê Trọng, Tổng Biên tập cử tôi và anh Nguyễn Đình Hồng sang ngay tòa soạn Báo Nam Hà để làm nhờ ảnh kẽm, chuẩn bị cho số báo đặc biệt “Chào mừng chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng”. Từ Thái Bình tới thành Nam, đâu đâu cũng truyền tin chiến thắng. Thông cảm với chúng tôi, đồng nghiệp Báo Nam Hà bố trí người làm ảnh kẽm ngay, tới trưa ngày 30/4 đã giao hết số ảnh. Anh Hồng và tôi không nghỉ trưa mà về thẳng tòa soạn. Phà Tân Đệ vừa cập bờ Nam Định, chúng tôi nhanh chóng xuống phà. Cụm loa trên bờ sau đoạn nhạc hiệu ngắn loan tin: Quân giải phóng đã đánh chiếm được bộ tổng tham mưu ngụy. Xe tăng quân giải phóng đã tiến thẳng vào dinh Độc Lập và đã cắm cờ giải phóng trên nóc dinh, báo hiệu thời khắc sụp đổ của chế độ Mỹ ngụy tại miền Nam Việt Nam. Khách trên phà không kể già trẻ, gái trai ôm chầm lấy nhau mừng vui khôn xiết. Từ phố Tân Lập (Vũ Thư) về tới thị xã Thái Bình, cờ đỏ sao vàng rợp trời. Tiếng trống, tiếng chuông từ các nhà thờ, chùa chiền rung liên hồi báo tin đại thắng. Người người, nhà nhà đổ ra đường hò reo không ngớt. Giao xong ảnh kẽm, tôi tranh thủ về nhà. Bố tôi cũng treo lá cờ Tổ quốc lên cột. Mẹ tôi cứ đi đi lại lại trong sân rồi ra ngõ như chờ ai đó. Mặc dù chẳng ai nói ra nhưng đều hiểu rằng bà chờ và nghĩ em ruột tôi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh thế nào cũng tạt qua nhà trong ngày hôm nay. Bà không thể biết rằng từ hậu phương vào tới chiến trường nơi em tôi chiến đấu và chiến thắng cách nhau hàng nghìn cây số. Đất nước hòa bình rồi đấy nhưng còn bao nhiêu việc phải làm chưa thể về thăm nhà ngay...

 

HOÀNG DUY

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa