Thứ 7, 17/05/2025, 15:43[GMT+7]

“Hiểu sao hết người đi tìm hình của nước?”

Thứ 2, 06/06/2016 | 08:56:24
7,615 lượt xem
Cách đây đúng 105 năm, vào ngày 5/6/1911, tại bến Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Ðông”, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, người con quê hương xứ Nghệ quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.

Bến Nhà Rồng năm 1911. Ảnh: Tư liệu.

 

Cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân sống kiếp nô lệ, lầm than, đói khổ dưới gót giày ngoại bang cùng những phong trào đấu tranh của quần chúng do các bậc tiền bối lãnh đạo nhưng bị thực dân Pháp dìm trong biển máu là một trong những tiền đề hun đúc nên chủ nghĩa yêu nước vô song trong con người Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

 

Suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã đến nhiều nơi trên thế giới, làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống và tìm cơ hội nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, đời sống thợ thuyền và nhân dân các nước thuộc địa.

 

Véc-xây - một thành phố lớn của Pháp, ngày 18/6/1919. Lúc này, Nguyễn Tất Thành mang tên mới là Nguyễn Ái Quốc. Thay mặt những người Việt Nam yêu nước, Nguyến Ái Quốc đã ký tên vào bản yêu sách gửi tới các đại biểu tham dự hội nghị quốc tế đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng cho nhân dân Việt Nam.

 

Giữa lúc đang loay hoay tìm đường cứu nước cứu dân thì lịch sử thế giới chứng kiến những giờ phút rung chuyển của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, năm 1917. Cũng từ đây, hành trình cứu nước của Bác được soi rọi bởi “Mặt trời Nga bừng chói ở phương Ðông”. Và, cũng chính ánh sáng mặt trời ấy đã đưa đường dẫn lối Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Lênin.

Ðó là lúc “Luận cương đến với Bác Hồ. Và người đã khóc.

 

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin

Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

 

Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin”...

 

Năm 1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc quyết tâm đến với chủ nghĩa Lênin. Ðây không chỉ là bước ngoặt lớn nhất đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc mà còn là bước chuyển mình lịch sử của cách mạng Việt Nam. Lý luận của chủ nghĩa Lênin chỉ rõ: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Ðảng Kách mệnh để trong thì vận động, tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Từ nhận thức đó, Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, nhưng trước hết là phải truyền bá chủ nghĩa Lênin và con đường cứu nước vào Việt Nam để thức tỉnh đồng bào đang bị đọa đày đau khổ!

 

Năm 1922, tại nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập báo Người cùng khổ. Năm 1925, Người sáng lập báo Thanh niên. Những tờ báo này là phương tiện để Người viết tài liệu, sách báo nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước. Các tác phẩm như: Bản án chế độ thực dân Pháp, Ðường Kách mệnh, những bài báo về Lênin, về Cách mạng tháng Mười Nga, về giai cấp công nhân... đã có tác dụng thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam đồng thời vạch trần bộ mặt thật của cái gọi là “khai hóa văn minh”, bản chất áp bức, bóc lột tàn bạo của chế độ thực dân Pháp và tay sai; kêu gọi nhân dân ta vùng lên đấu tranh xóa bỏ gông cùm; chỉ ra con đường đi đến thắng lợi, chỉ ra xu thế tất yếu của dân tộc và thời đại, đó là con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 

Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 3/2/1930. Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản gồm: Ðông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng và Ðông Dương Cộng sản liên đoàn để thành lập một tổ chức đảng thống nhất là Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðây là bước ngoặt lịch sử vô cùng trọng đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy mươi năm. Trong “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, được hội nghị thành lập Ðảng thông qua đã xác định: Cách mạng Việt Nam phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ðộc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. 

 

Mùa xuân năm 1941, ngày 28/1, đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặt chân lên đất Cao Bằng sau 30 năm tròn xa Tổ quốc. Từ đây, Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trở thành đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc - chiếc nôi của cách mạng Việt Nam.

 

Mùa xuân năm 1941 là một sự kiện đặc biệt, khẳng định tầm nhìn xa trông rộng của Bác Hồ, làm cơ sở vững chắc để toàn dân tộc tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám “long trời lở đất” năm 1945, làm nên chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Lịch sử thường có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ðầu mùa hè năm 1911, tại bến Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn, Bác kính yêu ra đi tìm đường cứu nước.

 

Ðầu mùa xuân năm 1941, Bác trở về Tổ quốc tại tỉnh Cao Bằng - nơi địa đầu biên giới Việt - Trung.

 

Bến Nhà Rồng là nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành mang chí lớn ra đi tìm chân lý để đúng 30 năm sau, Pác Pó, Cao Bằng là nơi hiện thực hóa những tư tưởng chiến lược về cách mạng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ mùa xuân ấy, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Ðảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo đã, đang và sẽ kiên trì mục tiêu: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vượt qua thác ghềnh, quyết tâm đổi mới, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay”, xây dựng Ðảng ta “là đạo đức, là văn minh”, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Ghi nhớ công lao to lớn của Bác, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân Thái Bình cùng với cả nước ra sức đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như mong ước lúc sinh thời của Bác kính yêu.

 

Việt Bảo

 

(Tên bài và những câu thơ trích trong bài “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên)

  • Từ khóa