Thứ 3, 07/05/2024, 13:05[GMT+7]

Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND

Thứ 4, 16/03/2011 | 07:45:27
2,865 lượt xem
Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, tính đến ngày 22/5/2011 mà đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử được quy định như thế nào?

 

Trả lời: Theo Điều 2 Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và Điều 1 Nghị quyết 1020/2011/UBTVQH12 ngày 14/2/2011, cách tính tuổi để thực hiện quyền bầu cử, ứng cử được thực hiện như sau:

 

- Tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sau đây gọi là ngày bầu cử) đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ấn định (ngày 22/5/2011). Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.

 

Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm sau.

 

- Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.

 

Như vậy công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, tính đến ngày 22/5/2011 mà đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

 

Hỏi: Người ứng cử có thể được bầu ở Hội đồng nhân dân mấy cấp?

 

Trả lời: Theo quy định tại Điều 4 của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 đã được sửa đổi bổ sung năm 2010, công dân có đủ điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân không quá hai cấp; nếu đang là đại biểu Quốc hội thì chỉ được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân ở một cấp.

 

Hỏi: Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố được thực hiện như thế nào?

 

Trả lời: Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010.

 

- Căn cứ vào số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được phân bổ, cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã) tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:

 

+ Đối với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì Ban lãnh đạo dự kiến người của tổ chức mình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của Hội nghị cử tri nơi người đó làm việc. Trên cơ sở ý kiến của Hội nghị cử tri, Ban lãnh đạo tổ chức hội nghị Ban thường vụ mở rộng để thảo luận, giới thiệu người của tổ chức mình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

 

+ Đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế thì Ban lãnh đạo phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ quan dự kiến người của cơ quan mình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của Hội nghị cử tri nơi người đó làm việc. Trên cơ sở ý kiến của Hội nghị cử tri, Ban lãnh đạo cơ quan tổ chức hội nghị gồm lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức, Ban chấp hành công đoàn, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để thảo luận, giới thiệu người của cơ quan mình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

 

+ Đối với các đơn vị vũ trang nhân dân thì lãnh đạo, chỉ huy dự kiến người của đơn vị mình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của Hội nghị cử tri nơi người đó làm việc. Trên cơ sở ý kiến của Hội nghị cử tri, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tổ chức hội nghị gồm lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, đại diện Ban chấp hành công đoàn (nếu có), đại diện quân nhân và chỉ huy cấp dưới trực tiếp để thảo luận, giới thiệu người của đơn vị mình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

 

+ ở thôn, tổ dân phố thì Ban công tác Mặt trận dự kiến người của thôn, của tổ dân phố ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã và phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức Hội nghị cử tri để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

 

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải chuyển biên bản Hội nghị cử tri nơi làm việc và biên bản hội nghị lãnh đạo mở rộng của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình về việc thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức Hội nghị hiệp thương.

 

- Ban công tác Mặt trận chuyển biên bản Hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố về việc thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã đến Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Namon> cấp xã.

 

Hỏi: Tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 được bầu bao nhiêu người?

 

Trả lời: Theo Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 và Quyết định 215/QĐ-TTg ngày 16/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 quy định như sau:

 

- Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh:

 

+ Tỉnh miền xuôi và thành phố trực thuộc Trung ương có từ 1.000.000 (một triệu) người trở xuống được bầu 50 (năm mươi) đại biểu, có trên 1.000.000 (một triệu người) thì cứ thêm 50.000 (năm mươi nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 (tám mươi lăm) đại biểu;

 

+ Tỉnh miền núi có từ 500.000 (năm trăm nghìn) người trở xuống được bầu 50 (năm mươi) đại biểu, có trên 500.000 (năm trăm nghìn) người thì cứ thêm 30.000 (ba mươi nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 (tám mươi lăm) đại biểu;

 

+ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác có trên 3.000.000 (ba triệu) người được bầu không quá 95 (chín mươi lăm) đại biểu.

 

- Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện:

 

+ Huyện miền xuôi và quận có từ 80.000 (tám mươi nghìn) người trở xuống được bầu 30 (ba mươi) đại biểu, có trên 80.000 (tám mươi nghìn) người thì cứ thêm 10.000 (mười nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 (bốn mươi) đại biểu;

 

+ Huyện miền núi và hải đảo có từ 40.000 (bốn mươi nghìn) người trở xuống được bầu 30 (ba mươi) đại biểu, có trên 40.000 (bốn mươi nghìn) người thì cứ thêm 5.000 (năm nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 (bốn mươi) đại biểu;

 

+ Thị xã có từ 70.000 (bảy mươi nghìn) người trở xuống được bầu 30 (ba mươi) đại biểu, có trên 70.000 (bảy mươi nghìn) người thì cứ thêm 10.000 (mười nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 (bốn mươi) đại biểu;

 

+ Thành phố thuộc tỉnh có từ 100.000 (một trăm nghìn) người trở xuống được bầu 30 (ba mươi) đại biểu, có trên 100.000 (một trăm nghìn) thì cứ thêm 10.000 (mười nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 (bốn mươi) đại biểu;

 

+ Đối với các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nếu có từ 30 (ba mươi) đơn vị hành chính trực thuộc trở lên được bầu trên 40 (bốn mươi) đại biểu; số lượng cụ thể do ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

- Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã:

 

+ Xã, thị trấn miền xuôi có từ 4.000 (bốn nghìn) người trở xuống được bầu 25 (hai mươi lăm) đại biểu, có trên 4.000 (bốn nghìn) người thì cứ thêm 2.000 (hai nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 (ba mươi lăm) đại biểu;

 

+ Xã, thị trấn miền núi và hải đảo có từ 3.000 (ba nghìn) người trở xuống đến 2.000 (hai nghìn) người được bầu 25 (hai mươi lăm) đại biểu, có trên 3.000 (ba nghìn) người thì cứ thêm 1.000 (một nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 (ba mươi lăm) đại biểu; xã, thị trấn có dưới 2.000 (hai nghìn) người trở xuống đến 1.000 (một nghìn) người được bầu 19 (mười chín) đại biểu; xã, thị trấn có dưới 1.000 (một nghìn) người được bầu 15 (mười lăm) đại biểu;

 

+ Phường có từ 8.000 (tám nghìn) người trở xuống được bầu 25 (hai mươi lăm) đại biểu, có trên 8.000 (tám nghìn) người thì cứ thêm 4.000 (bốn nghìn) người được bầu thêm 01 (một) đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 (ba mươi lăm) đại biểu.

 

Hỏi: Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân như thế nào?

 

Trả lời: Theo quy định tại Điều 43 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 và Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 1020/2011/UBTVQH12 ngày 14/2/2011 hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016:

 

- Kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì công dân có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban bầu cử ở cấp đó. Ban bầu cử phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo thẩm quyền.

 

Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại, kiến nghị với ủy ban bầu cử. Quyết định của ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.

 

- Trong thời hạn 10 (mười) ngày trước ngày bầu cử, ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngưng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.

 

Những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được tiếp nhận trước thời điểm này vẫn tiếp tục được xem xét, giải quyết. Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đủ tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân thì ủy ban bầu cử các cấp quyết định xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.

 

- Không xem xét, giải quyết đối với đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, đơn tố cáo mạo tên người tố cáo hoặc không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký, đơn tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới.

 

- ủy ban bầu cử chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết và những khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết nhưng đương sự vẫn không đồng ý đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp khoá mới để giải quyết theo thẩm quyền.

 

Hỏi: Như thế nào là phiếu hợp lệ và phiếu không hợp lệ?

 

Trả lời: Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Nghị quyết số 1020/2011/UBNTVQH12 ngày 14/2/2011 của ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 quy định cụ thể về việc xác định phiếu hợp lệ và phiếu không hợp lệ:

- Những phiếu sau đây là phiếu hợp lệ:

+ Phiếu bầu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát, có dấu của Tổ bầu cử;

+ Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu;

+ Phiếu bầu gạch tên ứng cử viên không được tín nhiệm bằng cách gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang, nhưng phải gạch hết họ và tên.

- Những phiếu sau đây là phiếu không hợp lệ:

+ Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát;

+ Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;

+ Phiếu để số người được bầu quá số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu;

+ Phiếu gạch, xoá hết họ, tên những người ứng cử;

+ Phiếu ghi tên người ngoài danh sách những người ứng cử; phiếu có viết thêm; phiếu gạch vào khoảng cách giữa họ và tên hai ứng cử viên; phiếu khoanh tròn họ và tên ứng cử viên.

 

Hỏi: Việc bầu cử thêm, bầu cử lại đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ diễn ra khi nào?

 

Trả lời: Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010 thì trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử chưa đủ hai phần ba số đại biểu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì tổ chức bầu cử thêm số đại biểu còn thiếu. ở đơn vị bầu cử nào, nếu số cử tri đi bầu chưa được quá nửa số cử tri ghi trong danh sách thì tổ chức bầu cử lại. Việc bầu cử thêm, bầu cử lại phải được tiến hành chậm nhất là 15 (mười lăm) ngày sau ngày bầu cử đầu tiên.

 

Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số đại biểu thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ 2 (hai); nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu vẫn chưa được quá nửa số cử tri ghi trong danh sách thì không tổ chức bầu cử lại lần thứ 2 (hai).

 

Ngọc Hiển

(Sở Tư Pháp)

 

 

 

  • Từ khóa