Chủ nhật, 05/05/2024, 21:55[GMT+7]

Quân dân Thái Bình với sự nghiệp giải phóng Miền Nam, bảo vệ Miền Bắc và xây dựng chủ nghĩa xã hội

Thứ 3, 26/04/2011 | 16:01:59
9,230 lượt xem
Nếu như trong các cuộc chiến tranh, Thái Bình có gần 40 vạn con em gia nhập các đơn vị LLVT thì riêng chiến tranh chống Mỹ (từ 1959 - 1975) Thái Bình đã tiễn đưa gần 18 vạn con em lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam và được Chính phủ công nhận là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân so với dân số cao nhất miền Bắc, trong đó có hàng vạn cán bộ dân chính Đảng và quân nhân tái ngũ được điều động vào quân đội.

Bộ đội địa phương Thái Bình tạm biệt quê hương lên đường vào Nam chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Trong hơn 20 năm (1954-1975) vừa chăm lo xây dựng tỉnh thành hậu phương vững mạnh trong hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa chống trả và đánh bại hai cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ, Thái Bình đã dốc toàn lực chi viện sức người, sức của ở mức cao nhất, để kịp thời chi viện cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Sức dân tuy có hạn, nhưng mọi người, mọi nhà đều đồng tâm, hiệp lực với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Bình quân mỗi năm Nhà nước huy động ở Thái Bình từ 20 đến 23% tổng sản lượng lương thực và 30-35% số lợn nuôi. Chỉ tính từ 1965 đến 1974, Thái Bình đã huy động cho Nhà nước 1,4 triệu tấn lương thực, thực phẩm.

 

Chính sách hậu phương quân đội cũng được tỉnh chăm lo chu đáo, chi phí cho đảm bảo chính sách những năm chống Mỹ bình quân từ 10 đến 12% ngân sách địa phương. Trong chiến tranh, nhân dân đùm bọc tương trợ lẫn nhau, giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ, các gia đình quân nhân chiến đấu ở các chiến trường xa, đã trở thành một chuẩn mực, đạo đức trong xã hội.

 

Sự phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải... đã tạo cho Thái Bình đủ sức đánh trả có hiệu quả cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của kẻ thù. Mạng lưới phòng không nhân rộng khắp với khẩu hiệu “Tay cày tay súng, tay búa tay súng”; nhiều đơn vị dân quân tự vệ trực chiến sát cánh với các đơn vị bộ đội, canh giữ các mục tiêu suốt 24/24 giờ. Có những đơn vị dân quân tự vệ như đại đội dân quân gái tập trung (pháo cao xạ 37 ly) của Đông Lâm (Tiền Hải) vẫn còn phát huy tốt truyền thống anh hùng cho đến ngày nay.

 

Mảnh đất chỉ có hơn 1500 km2 với gần 1,5 triệu dân lúc đó phải gánh chịu gần 8 nghìn lần chiếc máy bay, pháo hạm, đánh phá 1.015 ngày đêm với 1592 trận và trên 1600 lượt các mục tiêu khác nhau (chủ yếu là các mục tiêu kinh tế và dân cư). Chúng đã gây cho trên 4000 người thương vong.

 

Để chủ động phòng tránh và chống trả, nhân dân Thái Bình đã đào đắp gần 3 triệu hầm, hố các loại (bình quân 2 cái trên đầu người), thực hiện sơ tán các công sở, bệnh viện, trường học, tổ chức hệ thống báo động phòng không, cứu thương, cứu sập, cứu hỏa hoàn chỉnh, nên đã hạn chế tới mức thấp nhất các thiệt hại do địch gây ra. Lực lượng dân quân tự vệ thường xuyên chiếm từ 8-10% dân số, bởi vậy trong tuyển quân hàng năm thường có trên dưới 60% quân bổ sung cho các đơn vị đã từng là dân quân tự vệ, có kiến thức nhất định về quân sự, rút ngắn thời gian huấn luyện tân binh và đáp ứng kịp thời cho các chiến trường.

 

Nếu như trong các cuộc chiến tranh, Thái Bình có gần 40 vạn con em gia nhập các đơn vị LLVT thì riêng chiến tranh chống Mỹ (từ 1959 - 1975) Thái Bình đã tiễn đưa gần 18 vạn con em lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam và được Chính phủ công nhận là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân so với dân số cao nhất miền Bắc, trong đó có hàng vạn cán bộ dân chính Đảng và quân nhân tái ngũ được điều động vào quân đội. Trong đoàn quân trùng điệp ấy có rất nhiều con em Thái Bình đã lập những chiến công xuất sắc, là nhân chứng cho những sự kiện lịch sử trọng đại.

 

Nếu trong cuộc kháng chiến chống Pháp có nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên tay không bắt giặc, Tạ Quốc Luật người cắm cờ trên nóc hầm Đờ-Cát báo hiệu thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có “ông cố vấn” người tình báo chiến lược, Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ; anh hùng Phạm Tuân, người phi công dũng cảm quật ngã pháo đài B52 của giặc Mỹ, người Châu á đầu tiên bay vào vũ trụ; Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc lập báo hiệu kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc. Còn rất nhiều người con từ quê hương tỉnh lúa trong đoàn quân Namon> tiến chi viện cho miền Namon> đã trở thành những liệt sĩ, anh hùng LLVT.

 

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Thái Bình đã 5 lần được đón Bác Hồ về thăm. Đã có 108 đơn vị và 75 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng lao động, 2.178 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Trong số hơn 5,1 vạn liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh, riêng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình đã cống hiến gần 3,5 vạn liệt sỹ nằm lại trên các chiến trường B, C, K... đồng thời đón nhận về mình gần 3,2 vạn thương bệnh binh và gần 2,8 vạn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam - Đioxin.

 

Trong những năm qua và hiện nay Thái Bình đã và đang triển khai thực hiện tốt chế độ chính sách cho các đối tượng. Đến nay đã có gần 1,8 vạn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ được hưởng chế độ theo Nghị định 54 của Chính phủ, hơn 1,2 vạn người được hưởng trợ cấp theo Quyết định 290 và gần 1 vạn là thanh niên xung phong được hưởng trợ cấp theo Quyết định 104 của Thủ tướng Chính phủ; thẩm định hồ sơ báo cáo trên quyết định trợ cấp cho 2,3 vạn người theo Quyết định 142 của Chính phủ. Đã đón nhận 1.350 thương binh nặng về gia đình nuôi dưỡng, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa được trên 30 tỷ đồng xây mới và tu sửa gần 14 nghìn ngôi nhà (trong đó có 2.909 nhà tình nghĩa); tổ chức 13 lần đón nhận 100 hài cốt liệt sỹ hy sinh tại Lào và Campuchia, giải quyết tồn đọng cho các đối tượng chính sách đúng chế độ theo quy định của Đảng và Nhà nước.

 

Trong niềm vui hôm nay chúng ta luôn tưởng nhớ và biết ơn các anh hùng liệt sỹ, các đồng chí thương bệnh binh đã anh dũng hy sinh và để lại một phần xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Tiếp bước truyền thống anh hùng, Đảng bộ và nhân dân LLVT quyết tâm xây dựng Thái Bình giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, đẹp về đời sống văn hóa; thực hiện thành công lời căn dạn của Bác khi Người về thăm Thái Bình “Xây dựng tỉnh Thái Bình thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

 

Trần Hữu Nội

                 (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa