Thứ 2, 02/12/2024, 18:52[GMT+7]

Về Diêm Điền thăm khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh

Thứ 4, 11/05/2011 | 15:52:03
25,307 lượt xem
Một ngày đầu hè, tôi về Thái Thụy đến viếng thăm khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh. Đến đây, được nghe người cháu ruột là ông Nguyễn Đức Môn gọi Nguyễn Đức Cảnh bằng chú kể về những kỷ niệm lúc sinh thời của cụ Cảnh, tận mắt chứng kiến khung cảnh nếp nhà xưa dựng lại trên nền đất cũ, đọc những tư liệu lịch sử nói về thân thế sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh... giúp tôi hiểu thêm rất nhiều điều về người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc sinh ra trên quê hương đất biển Diêm Điền.

Lăng mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại thị trấn Diêm Điền- Thái Thụy

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điềnn, huyện Thái Thụy) trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước. Bản tính thông minh, Nguyễn Đức Cảnh được mẹ đưa về Cổ Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) theo học trường Hương học.  Học xong bậc tiểu học ở Vĩnh Bảo, Nguyễn Đức Cảnh học tiếp ở trường Thành Chung (Namon> Định). ở đây, đồng chí cùng nhiều bạn học đã tham gia các phong trào đòi thả Phan Bội Châu năm(1925), để tang Phan Chu Trinh năm(1926) và vì thế bị đuổi học.

Sau đó, đồng chí lên Hà Nội kiếm việc làm, tự nuôi sống mình và tìm đường đến với cách mạng, làm thư ký hiệu ảnh, dạy học rồi làm thợ sắp chữ ở nhà in  Mạc Đình Tư. Năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh đã tìm đến và gia nhập  nhóm " Nam Đồng thư xã", sau tổ chức này phát triển thành Việt Nam Quốc dân Đảng.

Được dự lớp huấn luyện của Tổng bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, qua các bài giảng và cuốn " Đường Kách mệnh" của Nguyễn ái Quốc, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thấy rõ chỉ có theo đúng đường lối cứu nước của Nguyễn ái Quốc thì mới giải phóng được dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân và đã tự nguyện gia nhập tổ chức tiền thân này của Đảng.

Tháng 3/1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội gồm 7 người tiêu biểu, trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Tiếp đó, ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập với sự đóng góp tích cực, to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đồng chí tham gia Ban chấp hành lâm thời, trực tiếp chỉ đạo tổ chức Công hội Đỏ. Ngày 28/9/1929, tại Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Tổng thư ký và phụ trách tờ báo " Lao động" và tạp chí " Công hội đỏ". Tại Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Namon> (từ ngày 3t/2 đến 7/2/1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. Đồng chí đã kiện toàn 14 chi bộ với 100 đảng viên, phát triển các tổ chức Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ, Thanh niên đoàn, Phụ nữ giải phóng và mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, tổ chức ấn hành tờ " Sao đỏ" - cơ quan của Tỉnh Đảng bộ, tờ " Tia lửa" - cơ quan của tỉnh đoàn thanh niên.

Tháng 4/1930, đồng chí tổ chức đón, bảo đảm an toàn Tổng Bí thư Trần Phú về khảo sát phong trào công nhân Hải Phòng đồng thời đóng góp ý kiến thực tiễn giúp đồng chí Trần Phú khởi thảo Luận cương chính trị của Đảng năm 1930. Cuối tháng 10/1930, đồng chí được Trung ương Đảng điều động vào tham gia uỷ viên xứ uỷ Trung kỳ để tăng cường lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 4/1931 trên đường đi công tác, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt. Địch tra tấn dã man nhưng vẫn không lung lạc được người chiến sỹ cộng sản kiên trung, cuối cùng đồng chí bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị chúng giết hại tại Hải Phòng vào ngày 31/7/1932. Thời gian bị giam cầm trong xà lim án chém, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vẫn bình tĩnh, tập trung sức để viết cuốn " Công nhân vận động", đây là bản tổng kết có giá trị chuyển ra cho Đảng.

Ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng, năm 1980, những người con quê hương Thái Bình đã xây dựng khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh ngay tại Diêm Điền. Và hơn 30 năm nay, kể từ ngày có khu lưu niệm, ông Môn chính là người đảm nhận công việc trông coi, dọn dẹp, đèn nhang, hương khói cho người chú ruột của mình.

Dù ở tuổi 82, nhưng ông vẫn còn minh mẫn lắm, khi kể chuyện nhớ chính xác từng sự kiện, không bỏ qua chi tiết nào. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm một vòng, ông vừa kể: năm cụ Cảnh lên máy chém tôi mới 2 tuổi, sau này lớn lên thì được nghe những người trong gia đình kể lại những kỷ niệm lúc sinh thời của cụ. Khu lưu niệm được xây dựng trên chính mảnh đất hương hoả của 8 gia đình trong thân tộc cùng sinh sống có diện tích rộng 1.600m2. Khung cảnh nếp nhà xưa của gia đình cụ Cảnh lúc sinh thời gồm: ngôi nhà thờ Tổ (vốn là trường dạy học của ông thân sinh ra cụ Cảnh), nhà ở, nhà bếp được dựng lại nguyên vẹn trên nền đất cũ. Không gian thật giản dị, khiêm nhường, gợi lại hình ảnh nề nếp, gia phong của một gia đình nho giáo thời xưa. Dừng chân ở sân giếng phía sau nhà, ông Môn chỉ tay xuống đó nói: nơi này, hơn 100 năm  trước đã ghi dấu một thời khắc đặc biệt: sáng mùng 1 Tết năm Mậu Thân (1908) (tức là ngày 2/2/1908), cụ bà Trần Thị Thùy ra giếng múc nước rửa chân, bước một bước thì đẻ rơi cậu bé Nguyễn Đức Cảnh. Có điều rất đặc biệt là: mặc dù ở vùng ven biển, hầu hết nước giếng đều mặn và đục nhưng riêng giếng này cả trăm năm nay, nước vẫn ngọt và trong vắt, nhìn thấu tận đáy, người dân trong vùng đặt tên cho nó là giếng Ngọc. Hàng ngày, khách viếng thăm khu lưu niệm vẫn ra múc nước uống, rửa mặt cho mát.

 

Giếng Ngọc và nếp nhà xưa-Không gian sống đầm ấm của gia đình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Bên cạnh không gian nếp nhà xưa, khu lăng mộ Nguyễn Đức Cảnh được thiết kế rất đặc biệt. Khu lăng được xây nổi lên trên, phần mộ ở phía dưới tầng nổi. Là người duy nhất đại diện cho dòng họ trực tiếp tham gia cùng đoàn đi tìm mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ông Môn kể rằng: " Cuộc hành trình khá gian truân, kể từ ngày đầu tiên nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng ở Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người về khu tưởng niệm làm việc phải mất ròng rã hơn 7 tháng trời, đến tháng 11/2007 mới đưa được hài cốt của cụ về đây an nghỉ ".

Bằng tấm lòng trân trọng người anh hùng của quê hương, những người  con Thái Bình  đã lấy đất sét tại nơi phát tích của nhà Trần (Tiến ĐứcT, Hưng Hà) đưa vào mộ của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Ngay trong khu lăng mộ và nhà lưu niệm hiện trưng bày nhiều tư liệu lịch sử là những bài báo của thực dân Pháp viết sau khi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị xử kín ; là những công trình nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của đồng chí; là hình ảnh khu pháp trường ở Hải Phòng xưa và nay; những văn bản pháp lý của Trung ương và của tỉnh về quá trình tìm hài cốt của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh về an táng tại quê nhà… 

Ông Nguyễn Duy Cam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy, Trưởng Ban quản lý khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh cho biết: Từ khi tìm và đưa được hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về quê hương, khu lưu niệm ngày càng có nhiều đoàn khách trong  cả nước đến viếng, thăm quan và làm việc, riêng năm 2010 đã đón tiếp khoảng 1.800 lượt người.

Cũng vì thế mà hàng ngày ông Môn được tiếp chuyện với rất nhiều người, trong đó có một số bậc cao niên đến kể cho nghe những kỷ niệm lúc sinh thời về cụ Cảnh rất cảm động. Công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh khu lưu niệm cũng như việc trùng tu, tôn tạo, bảo quản di tích được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Năm 2011, Ban quản lý sẽ hoàn thiện xây dựng 4 hạng mục công trình gồm: tường vây xung quanh, chống dột và chống mối cho nhà lăng mộ, hòn non bộ, làm hệ thống đèn chiếu sáng và trang trí... Thời gian tới, tiếp tục đề nghị Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí hoàn thiện các cơ sở vật chất, thiết bị tuyên truyền, bảo quản hiện vật tại nhà trưng bày để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân địa phương và khách thập phương đến viếng thăm.

Đến thăm khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh, du khách có cơ hội được biết thêm về mảnh đất quê hương Diêm Điền, cái nôi gia đình đã sinh ra người chiến sỹ cộng sản kiên trung của Đảng ta. Đồng chí không chỉ là cán bộ cách mạng lỗi lạc mà còn là nhà lý luận với những tác phẩm báo chí đầy tính chiến đấu. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nguyễn Đức Cảnh mãi mãi là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để lại cho mỗi thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa