Thứ 2, 02/12/2024, 18:34[GMT+7]

Một số giải pháp cơ bản nhằm đảm bảo thời vụ cho vụ đông sớm

Thứ 6, 13/05/2011 | 14:43:45
2,544 lượt xem
Do ảnh hưởng của thời tiết, lúa xuân sinh trưởng phát triển chậm, cuối tháng 4 mới làm đòng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ cấu vụ mùa, vụ đông ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Thực tế một số nơi, trồng cây vụ đông cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Vì vậy, ngay từ thời điểm này, bà con cần chú ý một số biện pháp kỹ thuật để gieo cấy lúa mùa kịp thời vụ, bảo đảm cho sản xuất vụ đông thắng lợi như sau:

 

1. Chăm sóc lúa xuân cuối vụ:

 

- Khi lúa làm đòng cần bón bổ sung 3-4kg kaly/sào hoặc phun phân qua lá có hàm lượng kaly cao để lúa chín sớm. Tuyệt đối không bón phân đạm đơn sẽ kéo dài thời gian sinh trưởng.

 

- Diện tích phát triển chậm, khi lúa đẻ đủ số dảnh cơ bản cần rút nước phơi ruộng để hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu, tiêu tốn dinh dưỡng.

 

- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đặc biệt sâu đục thân và rầy nâu cuối vụ.

 

2. Làm đất bón phân: Để đất nhanh ngấu, rút ngắn thời gian làm đất thì khi gặt không nên tháo nước nhằm tạo cho gốc rạ nhanh phân hủy, đề phòng mất điện lưới không có nước để cày bừa.

 

- Sau khi thu hoạch lúa xuân cần khẩn trương bốc rạ và cày bừa, bón phân lót sớm. Nên giữ nước để đất nhanh ngấu. Có thể dọn rơm rạ xếp thành đống vào góc ruộng, cứ 1-2 lớp rạ rắc một lớp vôi bột cho rạ chóng thối.

 

- Trong quá trình làm đất, nên bón 15-20 kg vôi/sào để cải tạo đất trước khi bừa. Kết hợp bón đầy đủ phân lót (25kg NPK chuyên lót/sào) để phân quyện vào với đất vừa giúp cây lúa có đủ dinh dưỡng cuối vụ, vừa tạo điều kiện cho rễ lúa đâm sâu chống đổ tốt.

 

Ngoài bón phân vô cơ, bà con nên sử dụng một số chế phẩm sinh học như Penăc P, Bio Plant... hoặc các loại phân vi sinh như phân vi sinh Azotobacterin để bổ sung vi sinh vật cho đất, tăng sự liên kết các chất hữu cơ trong đất, giúp đất tơi xốp, gốc rạ nhanh thối ngấu và tăng sức đề kháng cho cây trồng. Đặc biệt giảm được hiện tượng ngộ độc hữu cơ thường xảy ra trong vụ mùa.

 

3. Chọn giống và làm mạ:

 

- Để đảm bảo thời vụ, nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày như Khang dân 18, VS1, QR1... thu hoạch xong trước ngày 30/9 kịp thời vụ cho cây vụ đông ưa ấm.

 

- Vì gặt lúa xuân muộn nên nhiều địa phương không có diện tích làm mạồ dược trong khung thời vụ cho phép cấy lúa mùa sớm. Bà con nên gieo mạ sân (thời gian 7-10 ngày), mạ dầy xúc (thời gian 10-12 ngày) hoặc làm mạ ném (thời gian 7-10 ngày) để rút ngắn thời gian sinh trưởng cho lúa. Trong quá trình chăm sóc mạ nên dùng lưới đen để che nắng và tưới nước nhiều lần trong ngày để mạ phát triển tốt. Một số nơi có kinh nghiệm thì có thể gieo thẳng ở vụ mùa.

 

Mai Hương

(TT Khuyến nông Thái Bình)

  • Từ khóa