Thứ 2, 02/12/2024, 17:56[GMT+7]

“MỘT ĐỜI THANH BẠCH CHẲNG VÀNG SON …”

Thứ 3, 17/05/2011 | 09:53:36
9,865 lượt xem
Bác Hồ là một tấm gương vô cùng sáng đẹp về nhân cách, phẩm giá, đạo đức cách mạng. Một trong những nét đẹp đó của Người là lối sống giải dị, trong sạch, gần gũi với đời thường. Những nét đẹp đó luôn là nguồn cảm hứng cho những lời ngợi ca đi mãi với thời gian.

Bác Hồ và các cháu thiếu nhi vui liên hoan văn nghệ nhân ngày Quốc Tế thiếu nhi, tháng 5/1969 - Ảnh tư liệu.

Trên trang web của Tạp chí Time (Mỹ), nhà báo Stenley Kinow đã đánh giá về Người rằng : “Hồ Chí minh là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm, với lòng yêu nước nồng nàn, theo đuổi một mục tiêu duy nhất : giành độc lập cho đất nước …”; “Khuôn mặt gầy gò với chòm râu dài, chiếc áo khoác sờn cũ, đôi dép cao su mòn, Hồ Chí Minh gợi lên một hình ảnh khiêm tốn và nhân từ như tên gọi Bác Hồ …”.

Là lãnh tụ tối cao của dân tộc, nhưng Người sống hết mực giản dị và thanh bạch. Sự giản dị và thanh bạch đó thể hiện trong ngôi nhà sàn nho nhỏ của Người. Nơi đó có khu vườn xanh thơm hương hoa quả, có tiếng chim hót líu lo, có tiếng cá quẩy trong vuông ao gần đó. Nhân dân ta và cả bạn bè quốc tế, mỗi khi có dịp đến thăm nơi ở của Người đều ghi lại những cảm nghĩ vô cùng chân thật và sâu sắc. Một khách nước ngoài sau khi thăm ngôi nhà sàn đã ghi lại cảm tưởng rằng : “Nơi đây, nhà sàn không có chỗ cho sự xa hoa, nhưng cũng chẳng có chỗ cho sự tầm thường. Rất mực giản dị và thanh đạm, nhưng không loại trừ việc tìm kiếm cái đẹp”.

Cách đây 23 năm, vào những ngày tháng 5-1988, ngài Bộ trưởng Ngoại giao In-đô-nê-xi-a, trong chuyến thăm Việt Nam đã đến thăm ngôi nhà sàn Bác ở. Ông đứng lặng trước ngôi nhà rồi từ từ ngồi vào bàn và viết : “Sự giải dị và liêm khiết thực sự của ngôi nhà gỗ, nơi một vị lãnh tụ cách mạng châu Á và thế giới đã sống, gây cho chúng tôi một ấn tượng sâu sắc”.

Ngôi nhà sàn đơn sơ gắn với thiên nhiên của Bác - Ảnh tư liệu

Cũng vào khoảng thời gian đó, Tổng tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ cũng đến thăm Việt Nam, cũng đến ngôi nhà sàn nhỏ xinh của Bác. Ông đã hạ bút ghi dòng cảm tưởng rằng : “Nơi đây thực sự là một thánh đường, một trong những vĩ nhân của thế kỷ này đã sống và phục vụ đất nước của Người trong căn nhà gỗ rất khiêm tốn này. Mà thực ra, Người phục vụ cho tất cả các quốc gia trên thế giới đang đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập, tự do cho dân tộc mình. Sự cống hiến lớn lao của Người, sự giản dị và mục đích cao cả của Người dường như đã thấm vào từng bức vách, sàn gỗ của căn nhà”. 

Sự giản dị và thanh bạch đó còn thể hiện trong những bữa ăn của Người. Nhiều vị khách quốc tế đã không lấy làm tin khi nghe câu chuyện rằng : “Có một buổi tối, Cụ Hồ ngồi làm việc với cái máy chữ của mình. Ông Cụ chỉ mổ cò hai ngón thôi nhưng rất nhanh. Bỗng Cụ dừng tay lại và nói một cách rất bâng quơ : “Bây giờ giá có bát phở mà ăn thì thú nhỉ ?...”. (Cảnh sắc và hương vị đất nước- Nguyễn Tuân- NXB Tác phẩm mới-HN 1988).  Họ không tin một vị Chủ tịch nước, làm việc khuya, đói bụng đến mức thèm ăn bát phở. Bởi điều này là hiếm xảy ra với các chính khách trên thế giới. Nhưng đó lại là điều có thực ở Bác Hồ ta.

Bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sỹ ở Tân Trào trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ông Nguyễn Thế Văn, người đã từng được đi theo phục vụ Bác trong nhiều năm đã từng tâm sự rằng : Từ khi đi theo Bác, ông học được nhiều điều ở Bác, nhất là tinh thần tiết kiệm. Ông kể: “Mỗi bữa ăn của Bác chỉ có một niêu cơm nhỏ, một đĩa tai hoặc mũi lợn luộc, một chút mắm chua. Khi ăn, bao giờ Bác cũng gắp tai -mũi lợn ra một chiếc đĩa nhỏ rồi lấy chén đậy lại. Sau đó, Bác lấy dao khoanh tròn niêu cơn, lấy cháy ra ăn trước. Ăn xong, Bác bưng xuống bếp đưa cho tôi và anh em cán bộ phục vụ đĩa thịt tai lợn và bảo chỗ này Bác chưa gắp đến, các chú ăn đi. Chúng tôi nhìn nhau rơi nước mắt, chỉ có vài miếng thịt mỏng mà Bác còn phần chúng tôi thì...”.

Còn một nhà báo đã từng được chứng kiến chiếc cặp lồng đựng cơm của Bác sau ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, cũng đã ghi lại một cách chân thực là : “Ngăn trên đựng một ít rau muống luộc, ngăn dưới một quả trứng rán, với vài miếng ớt, dưới cùng là một ít cơm”.

Những bữa ăn sang trọng cho Bác không phải là không có, nhưng Bác kiên quyết từ chối những bữa ăn như thế. Người đã từng răn dạy cán bộ đảng viên rằng : “Ai cũng muốn không những ăn no, mặc ấm mà còn phải được ăn ngon, mặc đẹp. Cả Bác và các chú cũng thế. Chúng ta làm cách mạng là để được hạnh phúc. Nhưng khi nước ta chưa được độc lập, nhân dân ta còn nhiều người nghèo khổ, đói rét bệnh tật, không được học hành, nói gì đến ăn ngon mặc đẹp … Nếu chỉ biết lo thu vén cho bản thân mình được ăn ở sung sướng trong khi đất nước còn đang trong cảnh lầm than thì thật đáng xấu hổ”.

Bác Hồ trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), ngày 16/2/1969 (mồng 1- Tết Kỷ Dậu).

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng tâm sự rằng : “Điều làm tôi xúc động hơn cả là trong mỗi bữa ăn, Bác thường lưu ý mọi người đã ăn món nào thì ăn cho hết. Món nào ăn không hết, để lại thì để cho tươm tất …”. Phải nói rằng, Bác ăn uống rất thanh đạm và luôn có ý thức tiết kiệm. Người thích những món ăn quê hương của thuở thiếu thời : Một ít dưa chua, mấy miếng ớt, vài quả cà pháo dầm tương, mấy khúc cá nhỏ kho khô …

Cũng chính bởi những đức tính quý đó của Bác đã gây nên nhiều nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tác. Nhà thơ Hải Như đã từng thốt lên những vần thơ đầy trăn trở :

“Bữa ăn sáng của Bác Hồ sao đạm bạc

Một bát cháo hoa gạo đỏ

Một khúc sắn quê nhà

Sướng chưa đều nên Bác chia sẻ khổ cùng ta

Người không muốn tâm hồn ta vẩn đục

Mà chúng ta nhiều lúc

Lại cứ mãi … sa vào”

(Bữa ăn sáng Bác Hồ)

Sự giải dị của con người “Một đời thanh bạch chẳng vàng son” ấy còn thể hiện ở rất nhiều điểm đáng quý khác. Một đôi dép cao su- “Đôi dép đơn sơ, đôi dép Bác Hồ. Bác đi từ ở chiến khu Bác về…” chẳng hạn. Đôi dép này cũng đã đi vào lịch sử. Nó hiển hiện như một chứng nhân của một vĩ nhân. Nó đã đi vào cả trong thơ, ca, nhạc, họa. Nó đã làm cho cả những người con dân nước Việt và nhân dân thế giới; các văn nghệ sĩ, các nhà báo, nhà quay phim mỗi khi có dịp tiếp cận Bác đều cố đến gần để nhìn tận nơi, thậm chí sờ được tay vào đôi dép cao su giản dị. Tất cả đều thực sự xúc động về sự thanh cao, giản dị, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Một chính khách Ấn Độ khi thấy người đi dép cao su đã nghẹn ngào bày tỏ: “Nghe tiếng đã lâu, hôm nay mới thấy tận mắt, đúng là Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, thân thương quá!”. Vâng, ôi Bác của chúng ta, một con người chỉ.:

"Dép một đôi, áo quần vài bộ

Chỉ có trái tim bao la là tất cả gia tài

 

Người không một mảnh vườn riêng, một tổ ấm riêng

Một đứa con riêng, Người chẳng có …

Chỉ có vầng trăng chia đều cho cháu nhỏ

Và hát chung cùng nhân dân điệu kết đoàn …”

(Người chẳng có gì riêng-Chế Lan Viên).

Cuộc đời vĩ đại và thanh bạch của một con người mà:

“Đi làm cách mạng hai tay trắng

Mẩu bánh mỳ đen chiếc áo sờn

Về làm Chủ tịch chòm râu bạc

Vẫn áo kaki, dép lốp mòn”

(Đi làm cách mạng-Khương Hữu Dụng).

Vâng, Bác chúng ta là con người như vậy đó : “Một đời thanh bạch chẳng vàng son”, và chỉ biết “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” thì “Ngẫm nghìn xưa có ai như vậy”. Vì thế mà, sự giản dị, thanh cao, cuộc đời luôn thanh bạch, sáng trong của Người sẽ mãi mãi là tấm gương ngời sáng cho các thế hệ con Lạc, cháu Hồng suy ngẫm, noi theo!

                      Nguyễn Viết Chính
            (64/6 Đặng Huy Trứ, phường Trường An, thành phố Huế.)

 

 


  • Từ khóa