Thứ 3, 07/01/2025, 06:00[GMT+7]

Bản hùng ca 30 tháng 4

Thứ 6, 28/04/2017 | 18:02:06
2,815 lượt xem
42 năm trước, đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang trang mới, khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh, chấm dứt hơn 20 năm đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ của quân và dân ta, thực hiện khát vọng của Bác Hồ kính yêu và toàn dân tộc: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”. Đó là một trong những mệnh lệnh do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký vào bức điện khẩn ngày 7/4/1975. Đây được xem là lời “Hịch tướng sĩ” trong thời đại Hồ Chí Minh, mang hồn thiêng sông núi, được kết tinh từ mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Lời Hịch là kim chỉ nam để 5 cánh quân tiến thẳng vào Dinh Độc Lập - sào huyệt của kẻ thù.

Đặt trong bối cảnh lịch sử, bức điện “thần tốc” còn là chỉ đạo quan trọng thực hiện kế hoạch chớp thời cơ trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bởi vì sau chiến dịch Tây Nguyên, thời cơ mới mở ra, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược. Từ mục tiêu ban đầu giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976, đã rút ngắn lại, quyết tâm giải phóng năm 1975 trong niềm vui vô bờ của “miền Nam thành đồng Tổ quốc”, “miền Nam đi trước về sau”.

Cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước, thấm nhuần chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “thóc thừa cân, quân vượt mức”, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã huy động cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến. Hàng chục vạn người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc. Nhiều người con của Thái Bình đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu kiên cường, dũng cảm lập nên nhiều chiến công xuất sắc ở những thời điểm có ý nghĩa lịch sử của dân tộc. Tiêu biểu là các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Tuân, Bùi Quang Thận...

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn tỉnh Thái Bình có hơn 80% gia đình có người đi bộ đội và thanh niên xung phong; 47.000 phụ nữ có chồng, con là liệt sĩ; 13.000 là vợ thương binh; 34.000 cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và con cháu của họ bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam/Điôxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. 

Ghi nhận những đóng góp to lớn về sức người, sức của của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh Thái Bình vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 6 Huân chương Quân công; Chính phủ đã gửi thư khen và công nhận “Thái Bình dốc lòng chi viện tiền tuyến”. 5.500 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Gần 100 tập thể và 78 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động; 23 vạn người được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến; hàng trăm tập thể và cá nhân được tặng huân chương độc lập, huân chương chiến công, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Phát huy truyền thống vẻ vang của “quê hương 5 tấn”, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, cùng cả nước, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình kiên trì thực hiện đường lối đổi mới; tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để đền đáp công ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, đưa Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như mong ước của Bác Hồ kính yêu.

42 năm đã trôi qua kể từ đại thắng Mùa Xuân năm 1975, nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, đã tiến những bước dài trong công cuộc xây dựng đất nước. Song lời mệnh lệnh lịch sử “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa …” của Đại tướng Võ nguyên Giáp vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là niềm tự hào và quyết tâm sắt đá của cả một dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Trần Nam