Thứ 2, 02/12/2024, 19:01[GMT+7]

Ðại thắng vẫn vang mãi

Thứ 6, 28/04/2017 | 18:08:12
2,076 lượt xem
Đại thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 là chiến thắng vang khắp năm châu, lịch sử thế giới vẫn lưu truyền mãi, vang mãi.

Những người lính cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc.

Lịch sử Việt Nam và thế giới mãi mãi còn lưu hình ảnh và thời khắc trưa ngày 30/4/1975, những chiếc xe tăng dũng mãnh của Quân đội nhân dân Việt Nam chồm tới húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng Việt Nam tung bay ngạo nghễ trên nóc Bộ Tổng Tham mưu ngụy, đánh dấu ngày toàn thắng của dân tộc ta. 

Một mũi nhọn tấn công của lực lượng ta ngày ấy là Sư đoàn 320B (được tách ra từ Sư đoàn 320, sau này được đổi phiên hiệu thành F390) cùng với Sư đoàn 312 và Sư đoàn 367 đánh chiếm các cứ điểm Bến Cát, Thủ Dầu Một (Bình Dương), tiêu diệt các đơn vị còn lại của Sư đoàn 5, Sư đoàn 18, Lữ đoàn kỵ binh số 1 và Lữ đoàn 258, Thủy quân lục chiến Quân lực Việt Nam Cộng hòa; sau đó thọc sâu vào nội đô Sài Gòn, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Không quân và Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam Cộng hòa. Sư đoàn 320B sau này còn được nhớ mãi với kỳ tích hành quân thần tốc, vượt hơn 1.700km đường rừng núi hiểm trở, dọc theo tuyến Tây Trường Sơn tiến vào miền Nam trong thời gian vỏn vẹn 8 ngày đêm.

Nhớ lại những ngày tháng lịch sử ấy, cựu chiến binh Trần Văn Thứ, thôn Phú Vật, xã Tiến Đức (Hưng Hà) chia sẻ: Bộ đội ta ăn ngủ trên xe, đến khu vực có suối thì dừng 30 phút, người nấu cơm, người đào bếp, lấy củi, gạo, nấu nước đóng vào bình bi đông. Đến khu vực ngã ba Đông Dương thì nhận được mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”, anh em binh sĩ sốt sắng lắm, ai cũng sốc lại tinh thần, hừng hực khí thế chuẩn bị chiến đấu. Tôi khi ấy làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 320B đã chứng kiến không biết có bao nhiêu là xe chở bộ đội vào Nam, chỉ nhớ đêm đến những chiếc đèn pha bật sáng rực cả một vùng trời đứng trên cao nhìn xuống tựa như con rồng lửa chạy dài vô tận.

Sư đoàn 320B trong chiến dịch Hồ Chí Minh có nhiệm vụ tiến đánh Sài Gòn theo hướng cầu Bình Triệu, một trong những tuyến phòng thủ thép của quân địch. Tại đây, địch đã bố trí Lữ đoàn kỵ binh 3, Thiết đoàn 16, Thiết đoàn 18 với hơn 140 xe tăng, xe bọc thép... để cản bước tiến của quân ta. Trước tình hình đó, Sư đoàn 320B đã áp dụng chiến thuật bao vây vu hồi để giải phóng cầu Bình Triệu. Trung đoàn 48 ngay sau đó bắt sống 8 lái xe, thu giữ 8 xe tăng cùng nhiều vũ khí khác. 

Cựu chiến binh Trần Văn Thứ cho biết thêm: Bà con thấy xe tăng và bộ đội đi đến đâu thì cờ đỏ sao vàng treo đến đó. Trung đoàn 48 phối hợp với Sư đoàn 10 khi tiến vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy thì quân địch chống trả yếu ớt rồi đầu hàng.

Nhớ lại những ngày cùng Sư đoàn 320B tiến đánh Sài Gòn, cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Bình, thôn Đồng Hà, xã Hồng An (Hưng Hà) chia sẻ: Khoảng 1 giờ đêm ngày 28/4/1975, quân đội ta tiến vào như nước chảy, pháo bắn sáng rực lối đi, xe chở lính thì cách đều 20m một xe và kéo dài hơn 20km, trong đội hình lúc nào cũng có một xe "zil ba cầu” (zil 157) chở theo pháo 12,7mm dương mũi pháo lên để phòng không. Quân ngụy Sài Gòn dường như đã đầu hàng trước khí thế hừng hực của quân đội ta. Anh em trong đơn vị sau khi nghe tin giải phóng được Sài Gòn liền hô vang "các anh em binh sĩ Sài Gòn hãy hạ vũ khí, cởi quần áo, quân phục ngụy Sài Gòn tìm về địa phương mình sinh sống; sau ra trình diện chính quyền cách mạng”. Câu nói thể hiện sự khoan hồng của chính quyền cách mạng Việt Nam.

Trước sự tiến công như vũ bão của quân đội ta, hồi 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 cờ đỏ sao vàng phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu và nhiều cứ điểm quan trọng của quân ngụy Sài Gòn là hình ảnh báo hiệu sự sụp đổ của đế quốc Mỹ và chế độ ngụy quyền. Hàng triệu con người hòa chung niềm vui sướng tột cùng, “cách mạng Việt Nam muôn năm, Đảng và Nhà nước muôn năm!” những câu hô vang ca ngợi Đảng, chính quyền vang khắp cả nước.

42 năm sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, lịch sử vẫn ca ngợi đại thắng Mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao chiến dịch Hồ Chí Minh là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là trường đoạn bất tử trong bản hùng ca của thế kỷ XX, là mùa xuân toàn thắng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui. 

Những người lính như cựu chiến binh Trần Văn Thứ, cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Bình giờ đây đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, họ sống đúng với bản chất Bộ đội Cụ Hồ: anh dũng, hiên ngang, kiên cường bất khuất, sẵn sàng hy sinh thân mình vì Tổ quốc, quê hương.




Cựu chiến binh Đỗ Xuân Dự, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tiến Đức (Hưng Hà) 

Hội Cựu chiến binh xã Tiến Đức đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Cựu chiến binh xã nhiệm kỳ 2017 - 2022; trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ tích cực tham gia các phong trào của địa phương, chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017). Bên cạnh đó, Hội tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, tổ chức cho hội viên gặp mặt nhân ngày truyền thống 30/4.

Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh, thôn Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà)

Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cựu chiến binh chúng tôi lại cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn nơi chiến trường khốc liệt, động viên nhau vượt qua khó khăn mất mát, cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, quê hương. Bản thân tôi cũng không quên nhắc nhở con cháu trong gia đình truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, từ đó có những đóng góp tích cực cho xã hội.

Cô Ngô Thị Vân An, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THCS Kỳ Bá (thành phố Thái Bình)

Trường THCS Kỳ Bá xác định việc giáo dục bồi dưỡng truyền thống yêu quê hương, đất nước cho học sinh là việc làm thường xuyên. Trường đã tổ chức những buổi học ngoại khóa tái hiện lại hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bản thân là giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử, tôi cũng không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm từ sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng để truyền đạt kiến thức lịch sử tới các em học sinh một cách dễ hiểu nhất, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc.



Tiến Đạt