Thứ 2, 02/12/2024, 18:35[GMT+7]

Kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2017) Thái Bình chia lửa cùng Điện Biên đánh Pháp

Thứ 2, 08/05/2017 | 10:09:13
5,859 lượt xem
Trong 9 tháng cuối phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ đánh địch rút chạy, giải phóng Thái Bình, quân dân ta đã tiêu diệt và bức hàng 40 đồn địch; diệt, làm bị thương, bắt sống và làm tan rã hơn 4.500 tên địch. Vũ khí thu được đủ trang bị cho 2 trung đoàn mạnh. Thắng lợi của Thái Bình đã đóng góp một phần vào thắng lợi chung của cả nước, tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ và đấu tranh ngoại giao tại hội nghị Giơnevơ.

Lực lượng vũ trang xã Nguyên Xá (Ðông Hưng) họp bàn rút kinh nghiệm chiến đấu trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Để phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ đánh Pháp trong 15 ngày đầu tháng 3/1954, quân dân Thái Bình đã đánh bại 2 cuộc càn quét lớn của Binh đoàn số 8 (GM8) địch càn vào khu du kích Vũ Tiên, Thư Trì, Kiến Xương. Lực lượng ta được trang bị vũ khí thô sơ như chông, mìn, cạm bẫy đã diệt và làm bị thương gần 100 tên, buộc chúng phải bỏ dở cuộc càn quét. Ngày 28/3/1954, Trung đoàn 64 Quân khu 3 được tăng cường cho Thái Bình, hỗ trợ lực lượng vũ trang bao vây bức hàng vị trí Mụa Đông (Ụ Cô Tiên - Duyên Hà) diệt đồn bốt địch ở Vũ Tiên.

Đầu tháng 4/1954, từ Điện Biên Phủ tin chiến thắng dội về dồn dập khắp nơi làm cho quân dân Thái Bình nức lòng phấn khởi, đẩy mạnh nhiệm vụ phối hợp với Điện Biên Phủ. Ngày 14/4/1954, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp ra Nghị quyết: Động viên toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong tỉnh thi đua hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho chiến dịch, tích cực phối hợp với Điện Biên Phủ. Thực hiện chủ trương của trên, quân dân ta đã tích cực tìm địch, nhằm vào những chỗ sơ hở của địch mà đánh.

Ngày 15/4/1954, Tiểu đoàn 53 tuy đã có lệnh bổ sung cho Quân khu nhưng vẫn hợp đồng với một trung đội của Trung đoàn 64 phục kích đánh một tiểu đoàn ngụy đi càn trên đường 218 thuộc địa bàn xã Tô Công (Phụ Dực), diệt, làm bị thương và bắt sống gần 100 tên địch. Trước sự tiến công phục kích triệt đường giao thông và vây ép của ta, tại địa bàn này hạ tuần tháng 5 địch đã buộc phải rút chạy khỏi Trực Định (Phụ Dực) và các thôn Quan Đình, Bất Nạo (nay là xã An Mỹ). Quân và dân Thụy Anh diệt đồn Kha Lý, Vân Am (Thụy Anh) làm cho địch hoảng sợ rút chạy khỏi tuyến phòng thủ sông Hóa.

Ngày 14/4/1954, một đoàn xe của địch tiếp tế cho vị trí An Xá (Duyên Hà) bị bộ đội tỉnh, huyện và du kích địa phương phục kích phá hủy 7 xe, diệt, làm bị thương và bắt sống gần 100 tên. Bọn lính hộ tống đoàn xe tiếp tế đang ở Quỳnh Thọ sợ hãi cũng vội vã xin hàng. Bị đánh mạnh ở các nơi, quân đồn trú của địch ở Thái Bình liên tiếp kêu cứu khẩn cấp. Binh đoàn số 5 (GM5) phải vội và từ Hữu ngạn sang ứng cứu. Ngày 16/4, GM5 tiến sang càn quét Duyên Hà, bị Tiểu đoàn Đồng Mít (E64) cùng lực lượng vũ trang địa phương phục kích chặn đánh ở Thượng Ngận, diệt, làm bị thương và bắt sống gần 300 tên. Cuộc chiến đấu diễn ra từ sáng đến tối, chúng phải dùng máy bay lên thẳng lên xuống nhiều lần để lấy xác và thương binh. Càn quét Duyên Hà xong chúng tiến đánh Tiên Hưng, Đông Quan, Vũ Tiên nhưng đến đâu chúng cũng bị quân dân ta đánh trả quyết liệt với tổng số 19 trận, buộc chúng phải bỏ dở cuộc càn quét.

Tháng 4/1954, tháng phối hợp cùng Điện Biên Phủ đánh Pháp, quân dân Thái Bình đã đánh 197 trận, diệt và làm bị thương gần 1.000 tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động đánh địch, Thái Bình đã bổ sung cho Quân khu Tiểu đoàn 53 bộ đội tỉnh, giữ lại Đại đội 125 làm nòng cốt, rút gọn cơ quan, nhanh chóng xây dựng tiểu đoàn mới lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 54 thay thế. 

Từ tháng 2 - 5/1954, Thái Bình đã bổ sung cho bộ đội chủ lực gần 3.000 người và hàng nghìn dân công gánh gạo, tải thương vượt sông Hồng, sông Đáy đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh đã nhận được hàng vạn lá thư, hàng chục nghìn gói vật phẩm gồm thuốc lào, thuốc lá, xà phòng, thuốc đánh răng, thuốc chữa bệnh, quần áo, hàng chục tấn quà để gửi tới chiến sĩ Điện Biên Phủ. 

Nhân dân Thái Bình nhiều nơi đã tích cực đấu tranh chống bắt lính. Tại An Tập và Tống Văn (Vũ Tiên), nhân dân đã lăn xả xông vào đồn giằng co với địch, chặn đầu xe của địch chở thanh niên để đánh tháo cho anh em chạy thoát. Từ chủ trương trên, lực lượng vũ trang Thái Bình hoạt động mạnh trên đường 10, trọng điểm từ cầu Vật đến thị xã nhằm phá hệ thống chiếm đóng của địch trên đường 10 mở thông khu căn cứ du kích Nam, Bắc Thái Bình nắm thời cơ tiêu diệt địch trên đường chúng rút chạy, bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang tỉnh đã tìm mọi sơ hở của địch để đánh, ta tích cực hoạt động mạnh càng làm cho địch phải vội vã rút chạy. Trên đường 10, ngày 27 - 28/6, Tiểu đoàn 25 không quân có 25 xe cơ giới và máy bay, đại bác yểm trợ tiến từ thị xã về Dụ Đại, A Mễ, Đồng Cừ (Đông Quan) đón quân ở đây rút về Đông Các, bộ đội 64 huyện Đông Quan cùng du kích địa phương đã chặn đánh, diệt và làm bị thương hàng chục tên.

Tại thị xã, được sự chỉ đạo của tỉnh, các cơ sở của ta thời gian này tăng cường vận động nhân dân đấu tranh với địch, trong tháng 6 ngày nào cũng có từ 20 - 30 gia đình ngụy quân đưa đơn lên tỉnh trưởng đòi chồng, con. Ngày 14/6, hơn 500 đồng bào nội ngoại thị xã kéo vào dinh tỉnh trưởng phản đối chống bắt lính, yêu cầu thả 97 thanh niên bị vây bắt ở phố An Tập, buộc chúng phải thả 94 người. Ngày 21/6, hơn 2.000 dân nội ngoại thị xã lại kéo vào dinh tỉnh trưởng đấu tranh đòi hòa bình, để xoa dịu bọn ngụy quyền hứa sẽ xem xét và giải quyết, cuộc đấu tranh đã lôi cuốn được một số đông công chức ngụy quyền và ngụy quân tham gia.

Hạ tuần tháng 6/1954, thị xã Thái Bình thực sự náo động, nhiều gia đình công chức, các nhà buôn lớn tới tấp chuyển đi Nam Định, Hà Nội. Đồng bào lao động buôn bán nhỏ kéo nhau ra vùng tự do. Trong khi ấy lực lượng ta tích cực hoạt động binh vận, truyền đơn đã phát tán cho 90% binh lính và 80% số gia đình ngụy quân vì vậy phong trào rã ngũ ngày càng mạnh mẽ, liên tục. Tại Tân Đệ, một đại đội ngụy rã ngũ gần hết ở Thư Trì, có xã một ngày đón 70 hàng binh.

Cuối tháng 6/1954, Thái Bình nhận được điện của Bộ Tổng tư lệnh: địch sẽ rút khỏi Thái Bình và cả miền Nam đồng bằng Bắc Bộ. Lúc đó, Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh, Tỉnh đội và Ban Chỉ huy Trung đoàn 64 đã họp để điều động lực lượng bố trí đánh địch nhưng vẫn không kịp. Tình hình diễn biến quá nhanh, sáng ngày 30/6, quân địch ở cầu Nguyễn, Phong Lôi, Đông Các kéo nhau rút chạy về thị xã; quân địch ở thị xã cũng tiến ra đường 10 đón bọn rút chạy. Toán quân rút chạy lúc này tập trung ở Đông Các - Trực Nội gồm 7 đại đội, 40 xe cơ giới, 2 pháo 105 ly và nhiều quân trang, quân dụng, vũ khí, đạn dược. Trong khi địch rút chạy, số đông công nhân ở nội thị đã được giao nhiệm vụ từ trước sẽ ở lại bám cơ sở, bảo vệ các nhà máy. Sau khi địch rút, đêm ngày 30/6 anh em công nhân cùng tự vệ nội thị du kích Trần Lãm, Tiền Phong đã làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ các công sở, giữ gìn trật tự trị an, chuẩn bị cho việc tiếp quản. 

Sáng sớm ngày 1/7/1954, cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ dưới nắng ban mai trên nóc dinh tỉnh trưởng ngụy quyền. 9 giờ sáng ngày 1/7 các đơn vị bộ đội tỉnh, bộ đội huyện Kiến Xương, Đông Quan và bộ đội Trung đoàn 64 tiến vào tiếp quản thị xã Thái Bình. Địch rút chạy khỏi Thái Bình, quân dân trong tỉnh cùng bộ đội chủ lực Liên khu đã tiêu diệt 4 tiểu đoàn: 22, 28 (BVN) và 721, 50 (không quân), tiêu hao nặng và làm tan rã hoàn toàn lực lượng chiếm đóng của địch. Tổng số địch bị diệt, bị thương, bị tan rã gồm 4 tiểu đoàn, 13 đại đội thuộc nhiều binh chủng, bị phá hủy, phá hỏng 20 xe cơ giới. Ta thu được 7 xe vũ khí, khí tài, đạn dược đủ trang bị cho một trung đoàn mạnh cùng hàng trăm tấn quân trang, quân dụng khác.

Trong 9 tháng cuối phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ đánh địch rút chạy, giải phóng Thái Bình, quân dân ta đã tiêu diệt và bức hàng 40 đồn địch; diệt, làm bị thương, bắt sống và làm tan rã hơn 4.500 tên địch. Vũ khí thu được đủ trang bị cho 2 trung đoàn mạnh. Thắng lợi của Thái Bình đã đóng góp một phần vào thắng lợi chung của cả nước, tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ và đấu tranh ngoại giao tại hội nghị Giơnevơ.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại ở Đông Dương. Thái Bình được giải phóng, cùng với cả nước, quân dân Thái Bình nâng cao cảnh giác cách mạng, thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, chống âm mưu của đế quốc cưỡng ép đồng bào di cư đồng thời khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương sau chiến tranh, tích cực lao động sản xuất xây dựng cuộc sống mới.

Thượng tá Lưu Quang Điệu

Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh