Thứ 2, 06/05/2024, 03:31[GMT+7]

Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2011) Bác Hồ với hành trang ra đi tìm đường cứu nước

Thứ 6, 03/06/2011 | 09:19:25
8,888 lượt xem
Bước chân lên con tàu hiện đại Latusơ Trêvin của Pháp, Nguyễn Tất Thành dù đã dự kiến cũng chưa thể hình dung ra những khó khăn, gian khổ, nguy hiểm của con đường cứu nước, cứu dân mà mình đã tự nguyện chọn làm mục đích cho cả cuộc đời, để đền đáp công ơn của Tổ quốc, dân tộc, của thầy dạy, bố mẹ và những người nuôi dưỡng mình.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dòng họ yêu nước, trọng hiền tài, trí thức, văn hóa, nhân cách, Nguyễn Sinh Cung sau này là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn ái Quốc, Hồ Chí Minh đã mang đậm dấu ấn trong tâm khảm mình bản sắc của quê hương, Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

 

Lớn lên, được bố mẹ kể cho nghe và bản thân tự tiếp cận những cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp, Nguyễn Tất Thành còn được hiểu biết nhiều hơn về thời thế qua bạn bè của phụ thân Nguyễn Sinh Huy. Sống ở kinh thành Huế, là con quan, nhưng Nguyễn Tất Thành vẫn lao động giúp mẹ chăm sóc em, đi chợ nấu cơm... Khi mẹ mất, phải tự bế em đi xin bú mớm, và đã chứng kiến trong đau thương mất mát cả mẹ và em ở Huế...

 

Do những tác động trên, cùng với kiến thức về “Tự do, bình đẳng, bác ái” của cách mạng tư sản Pháp năm 1789 được học trong trường của thực dân Pháp đã đưa Nguyễn Tất Thành trở thành một thanh niên có học, tham gia vào đội quân chống thuế của nông dân Trung Kỳ năm 1908 tại Thừa Thiên. Bị đuổi học, cuối năm 1908-1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định, đến Bình Khê rồi được cha “gửi” ăn học tại nhà bạn là ông giáo Phạm Ngọc Thọ, vợ là một người trong hoàng tộc nhà Nguyễn.

 

Không thể vào trường quốc lập học, thầy Phạm Ngọc Thọ (phụ thân của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Bộ trưởng của nước Việt Nam sau 1945) đã “một thầy, một trò” chuyển giao những kiến thức, trước hết là trong các sách giáo khoa, khá toàn diện, đầy đủ cho Nguyễn Tất Thành với trình độ lớp nhất. Học sinh lớp nhất thời Pháp thuộc có thể nói tiếng Pháp trong sinh hoạt thông thường, có thể viết một bài luận tiếng Pháp vài trăm từ, ít lỗi ngữ pháp và hiểu biết nước Mẹ đại Pháp trên nhiều mặt: lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học, địa lý.

 

Tại nhà ông giáo Thọ, còn có một tủ sách gia đình hấp dẫn Nguyễn Tất Thành và những tờ báo mà ông giáo Thọ vẫn đặt mua, như tờ “Đại Nam đồng văn nhật báo”, Phan Yên báo, nhất là tờ “Chuông rạn” bằng tiếng Pháp mà các sách báo Việt thường gọi là “Tiếng chuông rè” đã tiếp sức thêm cho Nguyễn Tất Thành tri thức về tình hình xã hội Việt Nam, nước Pháp, thế giới. Tại Bình Định, Nguyễn Tất Thành đã trực tiếp đến tận nơi “tham quan” những địa danh lịch sử của Tây Sơn Nguyễn Huệ – Quang Trung và cả của những người yêu nước chống Pháp, như Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ...

 

Qua báo chí, Nguyễn Tất Thành được biết Chính phủ Nhật đã “móc ngoặc” với Pháp không cho sinh viên Việt Nam cư trú và học tập ở Nhật nữa. Và Phan Bội Châu – người khởi xướng, thực hành phong trào Đông Du đã phải rời Nhật Bản đi cư trú chính trị ở Tàu, ở Xiêm. Như vậy là con đường “Đông Du” đã bị bịt lối. Dù chưa có những tư liệu chính thức công bố, chúng ta vẫn có thể nghĩ rằng, ngoài việc dạy chữ, dạy người mà bản thân thầy giáo Thọ xứng đáng là “thầy ra thầy” có ảnh hưởng không nhỏ tới “thầy Thành ở Phan Thiết” và cả cuộc đời “dạy người” sau này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thầy giáo Thọ còn có những cuộc chuyện trò riêng với Nguyễn Tất Thành, “bàn giao” kiến thức, ý tưởng và nhiều “công chuyện” khác...

 

Có thể cả những việc phải sang Pháp, tìm hiểu nước Pháp – “Con đường sang Pháp là con đường chống Pháp”. Khi con chim đã có thể tự cất cánh, Nguyễn Tất Thành rời Bình Định vào Nam Kỳ, nung nấu quyết tâm rời Tổ quốc sang phương Tây, tìm hiểu các nước trên thế giới và tìm hiểu nước Pháp, để “trở về giúp đồng bào giành độc lập – tự do”.

 

Hành trang của Nguyễn Tất Thành, như chính Anh đã nói với bạn bè “Tôi có đôi bàn tay đây” – có nghĩa là tôi có thể lao động để sống. Tuy nhiên nhờ đôi tay để sống đối với Nguyễn Tất Thành không khó, và cũng không phải mục đích chính ra đi của Người. Hành trang mà Nguyễn Tất Thành rời cảng Sài Gòn ra đi lênh đênh trên biển cả, qua 40 nước của châu á, châu Phi, châu Mỹ, châu âu còn “nặng hơn”. Đó là tinh thần yêu nước, thương dân, là niềm tự hào dân tộc, là ý chí chiến đấu bất khuất của con cháu Tiên Rồng, là kiến thức đủ để tiếp nhận thêm những tri thức mới...

 

Bước chân lên con tàu hiện đại Latusơ Trêvin của Pháp, Nguyễn Tất Thành dù đã dự kiến cũng chưa thể hình dung ra những khó khăn, gian khổ, nguy hiểm của con đường cứu nước, cứu dân mà mình đã tự nguyện chọn làm mục đích cho cả cuộc đời, để đền đáp công ơn của Tổ quốc, dân tộc, của thầy dạy, bố mẹ và những người nuôi dưỡng mình. Chỉ bằng sự tư duy độc lập “không sang phía Đông mà sang phía Tây”, bằng hành động kiên quyết, tự mình chọn lựa khai phá, mở đường cho một “cánh cửa, một phương pháp” cứu nước mới, trước đó chưa ai đề cập đến, xúc tiến, với lòng quả cảm, dám hy sinh, vượt lên bão táp trước mọi hiểm nguy đang chờ đợi.

 

Sự ra đi của Nguyễn Tất Thành có thể được lịch sử chấp nhận như một “cuộc ra đi lịch sử”. Tháng 6/1911 khi con tàu Pháp chở Người sang phương Tây, sang Pháp nhổ neo rời Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã chính là một Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Namon> từ đây.

 

Phạm Như Hùng

(Số 9 - C10 - Kim Giang- Thanh Xuân - Hà Nội)

  • Từ khóa