Thứ 3, 07/01/2025, 06:00[GMT+7]

Khải Thập Điều: Khí tiết của một nhà giáo

Thứ 2, 11/09/2017 | 08:53:35
3,580 lượt xem
Xưa và nay, sử sách đã viết nhiều về Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726 - 1784), người từng được tôn vinh là nhà bác học lớn nhất Việt Nam thời phong kiến nhưng chưa nhiều người biết đến người thầy đã trao truyền cả tri thức, nhân cách, tiết tháo cho nhà bác học họ Lê trong những năm tháng đầu đời. Đó là Đình nguyên Hoàng giáp Bùi Sĩ Tiêm (1690 - 1733), quê làng Kinh Lũ nay thuộc xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng mà dân gian vẫn gọi là “Ông nghè Kinh Lũ”.

Ảnh minh họa.

Tương truyền, thuở nhỏ, Bùi Sĩ Tiêm nổi tiếng thần đồng và tính cách khác thường. Bước vào tuổi 26, ông lên kinh dự kỳ thi khoa Ất Mùi (1715). Khoa thi này có hơn 2.500 sĩ tử ứng thí, lấy đỗ 20 người, ông là người đỗ đầu với danh vị Đình nguyên Hoàng giáp.

Ngay sau khi thi đỗ, Bùi Sĩ Tiêm được bổ chức Hiệu lý làm quan trong triều, được giao soạn các bài văn bia tiến sĩ để dựng bia tại Quốc Tử Giám. Đây có lẽ là một trường hợp độc đáo, một vinh hạnh hiếm thấy đối với một vị tân khoa. Bởi lệ xưa, người được giao trọng trách soạn các bài văn bia tiến sĩ thường phải là người có danh cao vọng trọng. Hiện tại, ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội còn lưu giữ 82 bia tiến sĩ thì có 5 bia do Bùi Sĩ Tiêm soạn.

Nay đọc lại những bài văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, ta thấy những bài văn bia do Bùi Sĩ Tiêm soạn mang cốt cách dị thường. Mệnh mạch tư duy trong phương châm hành đạo của ông đã bộc lộ khá rõ ràng trong bài văn bia về khoa thi của mình. Bùi Sĩ Tiêm đã thẳng thắn cảnh báo các tiến sĩ đồng khoa:

“Các người phải nghiêm khắc đối với mình, phải giữ vững đức thanh liêm và phẩm chất trắng trong. Làm quan trong triều phải chính trực, trung hậu, đem đạo đức, nhân nghĩa để phò vua. Khiến cho tiếng thơm thêm lừng lẫy, sự nghiệp thêm chói chang, người đời sau chỉ tên trong bia mà ca ngợi.

Nếu lòng thay dạ đổi, lời nói và việc làm không thống nhất với nhau, chỉ nghĩ đến chức tước, tiền của, mưu tính về quyền lợi còn mất, thiệt hơn, bề ngoài thì khuôn phép, mực thước, bên trong thì quanh co, khuất tất, việc làm trái với điều đã học và xa rời đạo lý, bôi nhọ danh tiết, bêu xấu sĩ phong thì mọi người cũng sẽ chỉ vào tên trong bia mà chê trách. Dư luận nghiêm minh, nghìn năm rõ rệt, có đáng sợ không?”.

Biết tài năng và nhân cách của Bùi Sĩ Tiêm, nhiều bậc danh nho đã đưa con em mình đến nhờ ông thụ giáo. Môn sinh của ông nhiều người đã thành danh và giữ trọn nhân cách đã được ông rèn cặp.

Sau hơn hai năm giữ chức Hiệu lý, Bùi Sĩ Tiêm được thăng chức bổ ra làm quan ở Sơn Tây rồi trải hơn 10 năm với nhiều chức tước trong triều, ngoài trấn, đến năm Vĩnh Khánh thứ hai (1730) được phong Hoằng Tín đại phu, Thái Thường tự khanh. Xem thế đủ biết, trên con đường danh vọng Bùi Sĩ Tiêm đã thênh thang thẳng tiến. Mọi ân sủng của triều đình đến với ông đều buồm xuôi gió thuận, không có gì đáng phải tủi hờn, oán giận.

Nhưng chí hướng, hoài bão lớn lao của Bùi Sĩ Tiêm là muốn dân yên, nước thịnh. Sau hơn mười năm hăm hở dốc tâm lo tròn phận sự, đi nhiều thấy rộng, cảnh nhiễu nhương trong triều ngoài trấn luôn làm ông canh cánh lo âu và trăn trở với những kế sách cải cách xã hội.

Năm Vĩnh Khánh thứ ba (1731), lợi dụng nhà chúa xuống chỉ dụ cho quần thần tâu bày những kiến giải của mình về thế sự, Bùi Sĩ Tiêm đã dâng tờ khải mười điều trình bày cặn kẽ, thấu đáo những việc nên làm để yên nước, yên dân. Là người cương trực, dám nói thẳng hiện trạng nên tờ khải của ông đã làm Trịnh Giang phật ý, lại do một số quần thần xúc xiểm nên đã dẫn tới chung cục bi thảm, bị bãi chức đuổi về quê.

Có lẽ, trong số những khải, tấu thời Lê trung hưng đòi cải cách xã hội thì Khải thập điều do Bùi Sĩ Tiêm soạn là tờ khải toàn diện nhất với hơn một vạn từ, trình bày mười vấn đề chính sau:

1 - Phê phán Trịnh Giang sai trái phế truất vua Duy Đường (Lê Dụ Tôn), đưa Duy Phường (Lê Vĩnh Khánh) lên ngôi để thỏa mãn ý riêng tây.
2 - Phê phán tệ hối lộ, luồn lọt để được thăng quan tiến chức. Dùng tiền để tiến thân. Dùng tiền để chạy tội. Luật pháp không nghiêm…
3 - Phê phán tình trạng bao chiếm ruộng đất, phụ thu lạm bổ, gian lận thuế.
4 - Phê phán chính sách xây dựng quân đội: vì tệ tham nhũng, vì không quan tâm đến đời sống binh lính, quân đông mà không mạnh…
5 - Bộ máy quan lại quá đông, đơn vị hành chính cấp phủ, huyện, xã không hợp lý, dân ít mà quan đông không khỏi sinh ra tham nhũng…
6 - Nha lại nhũng lạm, tham lam không kể xiết, “trong triều ngoài quận bọn nha lại theo nhau làm bậy, người dân khổ nhục biết bao..., loại người chạy chọt, cầu cạnh rất nhiều, chẳng đỗ đạt cũng được bổ, chẳng theo thứ tự cũng được thăng”.
7 - Hình thức thi cử khuôn sáo, “có kẻ hơi thông về bài hỏi mười điều sách lược mà đã được đỗ cao, nếu hỏi đến chính sách cứu đời không có nửa chữ. Có kẻ hơi thạo về mục sách học đề cương mà mưu lược giúp nước không được một lời đáng khen”...
8 - Việc xử án không nghiêm minh, cậy quyền thế ăn tiền đút lót, bắt bớ, hãm hại người vô tội. Việc kiện khống, kiện vượt cấp, kiện xằng nhan nhản…
9 - Cơ quan liêm phóng (thanh tra) không làm tròn chức trách để cho bọn quan lại làm càn, tiếng oán thán của dân chưa tới bề trên…
10 - Người nước ngoài tự do khai khoáng, in tiền giả, hành hung cướp bóc dân bản xứ. Quan lại vì hám lợi mà làm ngơ…

Những kiến giải trong 10 điều khải là vô cùng thấu đáo nhưng vì thời cuộc thiếu vua sáng tôi hiền nên ông phải chịu chấp nhận bãi chức. Về quê được ít lâu, Bùi Sĩ Tiêm mở trường dạy học. Học trò từ nhiều phủ, huyện đã tìm về thụ giáo. Thân phụ Lê Quý Đôn là Tiến sĩ Lê Trọng Thứ (1694 - 1782) vốn là bạn đồng hương, làm quan đồng triều với Bùi Sĩ Tiêm cũng vì dâng khải mà bị bãi chức về quê trong những năm tháng đó. Khi Bùi Sĩ Tiêm về mở trường dạy học thì Lê Quý Đôn lên 7 tuổi, được cha cho theo học.

Cho đến nay cũng chưa đủ cứ liệu để khẳng định là có bao nhiêu học trò của Bùi Sĩ Tiêm đã hiển đạt khoa danh. Chỉ biết là trong khoa thi Nhâm Thân (1752), lấy đỗ 5 người, người đỗ đầu là Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn và người đỗ thứ hai là Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục đều là học trò của Bùi Sĩ Tiêm. Hai người này cùng đa phần học trò khác của Bùi Sĩ Tiêm khi ra làm quan đều có tiết tháo, đều dâng khải khuyên can vua chúa và đều có đôi lần từ quan về quê dạy học.

Dạy học được vài năm thì Bùi Sĩ Tiêm đột ngột qua đời vào tuổi 44. Năm Cảnh Hưng thứ tư (1743) triều đình ra chỉ dụ minh oan và truy phong tước hầu cho Bùi Sĩ Tiêm. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đã xếp Bùi Sĩ Tiêm trong danh sách các bề tôi tiết nghĩa. Vua Tự Đức cũng có bài thơ ngợi ca tài năng văn chương và khí phách của ông. Đến nay, ở trung tâm thành phố Thái Bình có một đường phố được mang tên Bùi Sĩ Tiêm.

Nguyễn Thanh

Vũ Quý, Kiến Xương