Thứ 2, 06/05/2024, 00:20[GMT+7]

Những nội dung cơ bản của Luật Thi hành án hình sự

Thứ 2, 04/07/2011 | 08:22:37
10,392 lượt xem
Ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thi hành án hình sự , có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011.

Luật thi hành án hình sự được ban hành đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chấp hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng như bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật thi hành án hình sự, cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau đây:

 

I. Sự cần thiết ban hành Luật Thi hành án hình sự

 

Thi hành án hình sự liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

 

Xác định thi hành án hình sự là công tác lớn, quan trọng nên Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho hoạt động này như: Pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 1993 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2007);  Các Nghị định quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ; thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo; hướng dẫn biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng;  hướng dẫn thi hành hình phạt cấm cư trú, quản chế; trục xuất; ban hành Quy chế trại giam; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an...

 

Trên cơ sở pháp lý đó, trong thời gian qua hoạt động thi hành án hình sự đã được tổ chức, thực hiện bảo đảm sự nghiêm minh, khoan hồng, nhân đạo, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật về thi hành án hình sự đã bộc lộ những hạn chế, nhiều quy định không còn phù hợp, chưa đồng bộ với quy định có liên quan đến công tác thi hành án hình sự trong một số đạo luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Công an nhân dân... Những tồn tại, hạn chế của pháp luật làm cho hoạt động thi hành án hình sự gặp nhiều bất cập, vướng mắc, các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực thi hành án hình sự mới chỉ quan tâm nhiều đến thi hành hình phạt tù, tử hình, trục xuất mà chưa quan tâm đúng mức đến việc thi hành các hình phạt khác; chưa có tổ chức bộ máy chuyên trách quản lý thống nhất việc thi hành án hình sự; đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ thi hành án hình sự còn thiếu về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng, chế độ chính sách còn chưa bảo đảm; cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác này chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

 

Tình hình nêu trên đặt ra yêu cầu hoàn thiện một bước pháp luật về thi hành án hình sự, theo đó việc xây dựng, ban hành Luật thi hành án hình sự để điều chỉnh toàn diện về tổ chức và hoạt động thi hành án hình sự là rất cần thiết.

 

II. Bố cục và nội dung cơ bản của Luật Thi hành án hình sự

 

Luật Thi hành án hình sự gồm 15 chương, 182 điều, với những nội dung cơ bản như sau:

 

1. Những quy định chung:

 

- Về phạm vi điều chỉnh: Luật nêu cụ thể nội dung của việc thi hành án gồm thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự.

 

- Về nguyên tắc thi hành án hình sự quy định 8 nguyên tắc nhằm bảo đảm thi hành án hình sự đúng mục đích, có hiệu quả và thực hiện đúng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta trong trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

 

- Về những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự quy định 10 hành vi theo hai nhóm: thứ nhất là các hành vi bị nghiêm cấm đối với người phải chấp hành và những người có liên quan; thứ hai là các hành vi bị nghiêm cấm đối với những người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.

 

2. Hệ thống tổ chức thi hành án hình sự, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự

 

- Hệ thống tổ chức thi hành án hình sự: có 3 loại:

 

+Một là, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;

 

+Hai là, cơ quan thi hành án hình sự bao gồm trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu; cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp  tỉnh, Công an cấp huyện; cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương;

 

+Ba là, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự bao gồm trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu; ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương.

 

Trại giam được xác định là cơ quan thi hành án phạt tù có 12 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể (khoản 1 Điều 16).

 

Để bảo đảm phù hợp với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc ra quyết định thi hành án; quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình; ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án phạt tù; miễn giảm thời hạn chấp hành án; xem xét, giải quyết việc cho nhận tử thi của người chấp hành án tử hình; gửi các bản án, quyết định và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về thi hành án hình sự.

 

3. Thi hành án phạt tù

 

- Về giam giữ phạm nhân: quy định trại giam tổ chức giam giữ phạm nhân như sau: khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án tù trên 15 năm, tù chung thân, phạm nhân thuộc loại tái phạm nguy hiểm; khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án tù từ 15 năm trở xuống; phạm nhân có mức án tù trên 15 năm nhưng có kết quả chấp hành án tốt, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn dưới 15 năm.

 

Trong các khu giam giữ nêu trên, những phạm nhân là nữ, là người chưa thành niên, là người nước ngoài, là người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, là người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án, là người thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế trại giam được bố trí giam giữ riêng.       

 

- Về chế độ học tập, học nghề, lao động và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân:

 

Căn cứ vào yêu cầu quản lý, giáo dục phạm nhân và thời hạn chấp hành án, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức dạy học cho phạm nhân theo chương trình, nội dung do Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quy định. Việc tổ chức cho phạm nhân học pháp luật, giáo dục công dân và học văn hóa, học nghề, làm những công việc phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng đã thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta.

 

Đối với kết quả lao động của phạm nhân sau khi trừ chi phí vật tư, nguyên liệu, tiền công thuê lao động bên ngoài; chi phí điện, nước; tiền ăn thêm do lao động nặng nhọc, độc hại theo ngành, nghề ngoài tiền ăn của phạm nhân theo tiêu chuẩn do ngân sách nhà nước cấp; tiền bồi dưỡng cho phạm nhân làm thêm giờ hoặc làm ngày nghỉ; khấu hao tài sản, chi phí quản lý trực tiếp cho hoạt động lao động của phạm nhân, được sử dụng để bổ sung mức ăn cho phạm nhân; lập quỹ hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù; bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam; chi thưởng cho phạm nhân có thành tích trong lao động; chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề đối với phạm nhân.

 

- Về thông báo tình hình chấp hành án; phối hợp với gia đình phạm nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục cải tạo phạm nhân: quy định cụ thể trách nhiệm của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh là định kỳ 6 tháng một lần phải thông báo tình hình chấp hành án của phạm nhân cho thân nhân của họ. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với gia đình phạm nhân, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm động viên phạm nhân tích cực học tập, lao động, rèn luyện để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù.

 

-Về chế độ ăn, mặc, ở, cấp phát tư trang, hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chế độ gặp thân nhân, nhận quà, liên lạc và chăm sóc y tế đối với phạm nhân; chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và giải quyết trường hợp phạm nhân chết. Theo đó,  quy định về định mức, định lượng tiêu chuẩn ăn của phạm nhân; quy định về chỗ nằm của phạm nhân nói chung với diện tích tối thiểu là 2m2, phạm nhân có con nhỏ ở cùng thì được bố trí chỗ nằm với diện tích tối thiểu là 3m2.

 

Nhà nước bảo đảm chế độ mặc và tư trang cho phạm nhân; bảo đảm chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; gặp thân nhân, nhận quà, liên lạc và chăm sóc y tế đối với phạm nhân. Các nội dung này thể hiện tính nhân văn của pháp luật và chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chấp hành án phạt tù và thực tiễn thời gian qua đã có tác dụng tích cực, quan trọng trong việc giúp cho phạm nhân nâng cao thể chất, tinh thần, yên tâm giáo dục, cải tạo để sớm được trở về với gia đình và xã hội.

 

- Giải quyết trường hợp phạm nhân chết: quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết việc phạm nhân là người Việt Nam, người nước ngoài chết.Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức an táng phạm nhân chết. Kinh phí cho việc an táng do Nhà nước cấp. Luật cũng quy định cụ thể về việc giải quyết cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của phạm nhân chết được nhận tử thi, tro cốt hoặc hài cốt.

 

- Thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người chưa thành niên, bảo đảm tính nhân đạo, sự phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần cho họ. Trại giam có trách nhiệm giáo dục về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, trình độ văn hóa, giới tính và sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù.Thực hiện bắt buộc chương trình tiểu học, phổ cập trung học cơ sở và học nghề.

 

Bên cạnh đó, Nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn, mặc mỗi tháng như phạm nhân là người thành niên và được tăng thêm định lượng về thịt, cá nhưng không vượt quá 20% và được cấp thêm quần áo dài, quần áo dài đồng phục, khăn mặt và các đồ dùng cá nhân khác phục vụ cho việc sinh hoạt cá nhân ; được gặp thân nhân không quá ba lần trong một tháng, mỗi lần gặp không quá ba giờ, trường hợp đặc biệt được gặp không quá 24h; được liên lạc với thân nhân qua điện thoại mỗi tháng không quá 4 lần, mỗi lần không quá 10 phút, có sự giám sát của cán bộ trại giam và tự chịu chi phí.

 

4. Thi hành án tử hình

 

- Quy định về quyết định thi hành án tử hình; quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi hành án tử hình; chế độ quản lý giam giữ, ăn, mặc, ở, sinh hoạt, gửi và nhận thư, nhận đồ vật, tiền mặt, gặp thân nhân, chăm sóc y tế; hoãn thi hành án tử hình;

 

- Một trong những điểm mới của Luật Thi hành án hình sự là việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình. Theo luật mới thay vì xử bắn như hiện nay, người chấp hành án tử hình sẽ bị tiêm thuốc độc. Khoản 1 Điều 59 quy định: “Thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện do Chính phủ quy định”. Để tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý các trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình xin nhận tử thi về để an táng, Điều 60 quy định cho phép thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình có thể được nhận tử thi về an táng nếu có căn cứ cho rằng việc cho nhận tử thi không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường.

 

5.  Thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ

 

- Thi hành quyết định thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ là nhiệm vụ của ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án; nghĩa vụ của người chấp hành án, thực hiện việc kiểm điểm người chấp hành án, bổ sung hồ sơ thi hành án và trách nhiệm của gia đình người chấp hành án Luật đã quy định giao cho Trưởng Công an cấp xã có nhiệm vụ tham mưu, giúp ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định. 

 

- Thi hành án phạt cảnh cáo: hình phạt cảnh cáo được thi hành ngay tại phiên tòa do Tòa án tuyên; trong thời hạn 07 ngày, kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải gửi bản án cho người bị phạt cảnh cáo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội nơi người bị phạt cảnh cáo cư trú hoặc làm việc, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm có trụ sở.

 

Ngoài ra luật còn quy định nội dung về: Thi hành án phạt cấm cư trú, quản chế, thi hành án phạt trục xuất, thi hành án phạt tước một số quyền công dân, thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; thi hành biện pháp tư pháp

 

6. Một số nội dung khác như  Bảo đảm điều kiện cho hoạt động thi hành án hình sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước trong quản lý công tác thi hành án hình sự cũng được quy định rất cụ thể để áp dụng khi Luật có hiệu lực thi hành.

 

Ngọc Dậu

(Sở Tư pháp)

  • Từ khóa