Chủ nhật, 05/05/2024, 17:18[GMT+7]

Từ mùa thu Cách mạng đến hào khí Tuyên ngôn

Thứ 5, 18/08/2011 | 17:19:47
3,105 lượt xem
Tháng Tám đã đến, mùa thu cũng đã về! Giữa những ngày tháng thanh bình hôm nay, mỗi người dân Việt Nam lại nhớ về mùa thu sục sôi khí thế cách mạng năm 1945, nhân dân cả nước ta nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Ảnh tư liệu

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng tháng Tám thắng lợi đã dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa xuân năm 1975 đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Nhớ lại những năm tháng hào hùng đó ta sẽ thấy được sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta, một Đảng vừa tròn 15 tuổi lại hoạt động trong vòng vây khủng bố gắt gao của mọi kẻ thù.

Ngày 9/3/1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng khai mạc thì tối hôm đó phát xít Nhật nổ súng đảo chính Pháp cùng một lúc trên toàn cõi Đông Dương. Bác Hồ đã nói về sự kiện này như sau: “Ngày 9 tháng 3 năm nay Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại trong 5 năm chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật!”.

Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, bản chỉ thị thể hiện rõ sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, kịp thời, nhạy bén, bình tĩnh, thận trọng và sáng tạo rất cao của Đảng ta. Đó là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và Mặt trận Việt Minh trong cao trào kháng Nhật cứu nước và có tác dụng quyết định trực tiếp đến với thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám – 1945. Từ đây cách mạng Việt Nam bước sang một thời kỳ đổi mới: Thời kỳ tiền khởi nghĩa và cao trào kháng Nhật cứu nước.

Trong lúc phong trào Việt Minh đang dâng lên mạnh mẽ khắp nước ta thì nạn đói ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra từ cuối năm 1944 càng trở nên nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu của nạn đói là do Pháp – Nhật thực hiện chính sách kinh tế chiến tranh và vơ vét thóc lúa của nhân dân ta. Xuất phát từ lợi ích của quần chúng, Đảng ta đã đề ra chiến lược “Phá kho thóc giải quyết nạn đói” và coi đó là khâu chính để phát động quần chúng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Trong khi phong trào phá kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói đang diễn ra ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thì ở Nam Bộ đã có cuộc vận động quyên tiền góp gạo ủng hộ miền Bắc. Đến giữa tháng 6/1945, nhân dân Nam Bộ đã góp được hơn 1 triệu đồng và gửi ra Bắc một ngàn tấn gạo ủng hộ đồng bào bị đói.

Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về việc tổ chức Ủy ban dân tộc giải phóng các cấp và trong phạm vi cả nước thì lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức là Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam mới. Ngày 15 đến 20/4/1945, Ban Thường vụ Trung ương triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã quyết định “Tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc này”. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về chiến khu Hoàng Hoa Thám và chọn Tân Trào (Tuyên Quang) làm chỗ ở và làm việc để chỉ đạo phong trào cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân.

Ngày 9/5/1945, phát xít Đức ký vào bản đầu hàng cuối cùng tại Berlin. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và chỉ hai ngày sau đã đánh tan đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất gồm hơn 1 triệu người của Nhật, buộc chúng phải nhanh chóng hạ vũ khí xin hàng. Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc đã tạo ra điều kiện khách quan vô cùng thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Được tin giặc Nhật hoàn toàn tan rã và đã xin đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng Minh, ngày 12/8/1945, Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng liền hạ lệnh khởi nghĩa cho Giải phóng quân, các đội tự vệ, các Ủy ban nhân dân cách mạng và toàn thể nhân dân trong khu.

Ngày 13/8, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ở Tân Trào. Tham dự Hội nghị có đủ đại biểu của Đảng bộ Bắc, Trung, Nam và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài. Trong tình hình rất khẩn trương, Hội nghị đã làm việc 3 ngày (từ 13 đến 15/8/1945). Để đảm bảo lãnh đạo Tổng khởi nghĩa thắng lợi, Hội nghị đã đề ra 3 nguyên tắc: Tập trung, thống nhất, kịp thời. Ngoài việc quyết định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Hội nghị còn đề ra những chủ trương quan trọng về đối nội và đối ngoại cần phải thực hiện sau khi Tổng khởi nghĩa thắng lợi.

Ngay đêm 13/8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và đã ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc thì Đại hội quốc dân cũng họp ở Tân Trào vào ngày 16/8. Tham dự có hơn 60 đại biểu Bắc, Trung, Nam và đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo. Đại hội quy định Quốc kỳ, Quốc ca, và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tình hình bấy giờ vô cùng khẩn cấp, bão táp cách mạng cuồn cuộn dâng lên. Toàn thể đảng viên cộng sản, chiến sĩ Việt Minh và nhân dân cả nước tỏ rõ ý chí quyết tâm và tinh thần dũng cảm chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đúng như lời căn dặn của Hồ Chủ Tịch khi Người bị ốm vào lúc tình hình khẩn trương nhất: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã đến, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành được độc lập!”.

Ngày 18/8, bốn tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ. Sáng sớm 19/8, cả Thủ đô vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng. Quần chúng cách mạng và tự vệ cứu quốc tập hợp thành đội ngũ kéo đi biểu tình với khí thế sẵn sàng chiến đấu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ mọi ngả đường, nhân dân kéo về quảng trường Nhà hát thành phố dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Ngay sau đó cuộc mít tinh chuyển thành biểu tình vũ trang. Quần chúng cách mạng có các đơn vị tự vệ đi đầu chia thành nhiều đoàn mau chóng tỏa đi chiếm Phủ Khâm sai, Trại Bảo an, Sở Cảnh sát và các công sở của chính quyền bù nhìn. Tin Việt Minh nắm chính quyền ở Hà Nội nhanh chóng tỏa đi khắp cả nước. Tin thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Thủ đô đã cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ các nơi khác nổi dậy giành chính quyền.

Chỉ trong 12 ngày (từ 14 đến 25/8/1945), quyền thống trị của bọn thực dân đế quốc được xây dựng gần một trăm năm và chế độ quân chủ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm ở nước ta đã bị nhân dân lật đổ. Lần đầu tiên chính quyền cả nước ta thật sự thuộc về tay nhân dân. Ngày 30/8, ở cửa Ngọ Môn (Huế) cờ quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên, vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị và nộp ấn kiếm cho cách mạng.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội trước cuộc mít tinh của gần một triệu nhân dân chào mừng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “...Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Cách mạng tháng Tám là bước nhảy vọt vĩ đại đánh dấu một cuộc biến đổi cự kỳ to lớn trong lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt Nam, một cuộc đổi đời chưa từng có đối với mỗi người Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập đã kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của dân tộc Việt Nam, là kết quả của bao nhiêu máu xương của các thế hệ người Việt Nam và cũng là niềm tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam lúc đó.

Hôm nay, chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 – thế kỷ của nền khoa học – công nghệ tiên tiến, văn minh. Cả nước đang tiến vào thời kỳ CNH, HĐH vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Lịch sử đã sang trang nhưng tinh thần cách mạng tháng Tám và hào khí Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 vẫn vang vọng, sáng ngời mãi mãi và đang cổ vũ chúng ta vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Mai Hiên

(Hà Tĩnh)

 

  • Từ khóa