Thứ 3, 07/01/2025, 05:43[GMT+7]

Gạc Ma - vòng tròn bất tử

Thứ 4, 14/03/2018 | 09:01:54
7,945 lượt xem
30 năm đã qua từ ngày diễn ra trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma, vòng tròn bất tử mà các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam dựng lên ngày 14/3/1988 đã trở thành biểu tượng ngời sáng cho tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Đảo Cô Lin trong cụm đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma.

Bên Cô Lin, Len Đao

Chúng tôi có dịp đến với Trường Sa những ngày gió chướng cuối năm 2013 trên tàu HQ-936. Sau hải trình qua các đảo nhỏ, tàu neo lại tại vùng biển bên đảo Cô Lin và Len Đao một đêm để ngày hôm sau đoàn tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa. 

Đêm ấy cả tàu ngủ muộn, chúng tôi quây quần bên nhau cùng nghe đồng chí Ngô Duy Đỗ, khi đó là Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Quân chủng Hải quân, trưởng đoàn công tác kể về sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số bãi đá trên quần đảo Trường Sa, trong đó có Gạc Ma ngày 14/3/1988. Chúng tôi được biết, vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma, nơi những người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn thường gọi là “Nghĩa trang đỏ”, dù nơi ấy không hề có một nấm mộ hay một tấm bia nhưng đó là nơi yên nghỉ của 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đầu tháng 3/1988, các tàu HQ-604, HQ-605 của ta mang theo lực lượng công binh và lực lượng hải quân ra Trường Sa cắm mốc chủ quyền, xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trong chiến dịch CQ-88. Tàu HQ-505 làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa nhận lệnh chuyển đến đảo Cô Lin. 

Ngày 14/3/1988, các tàu chiến của Trung Quốc ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin; đồng thời, cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ và nổ súng vào bộ đội ta. Chúng đã tấn công quân sự, bắn chìm, cháy 3 tàu vận tải của ta đang làm nhiệm vụ vận tải, xây dựng đảo. 

Cuộc chiến đấu diễn ra trong điều kiện không cân sức, mặc dù vậy, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã thể hiện lòng quả cảm, anh dũng kiên cường, quyết hy sinh để bảo vệ đảo. Trong trận chiến đấu ấy, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Các anh đã hy sinh trọn tuổi thanh xuân, dành trọn xương máu của mình cho sự trường tồn của Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng nơi tuyến đầu Tổ quốc. 

Câu nói của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Văn Phương khi cùng đồng đội sát cánh bên nhau giữ lá cờ đỏ sao vàng trên đảo Gạc Ma, khẳng định chủ quyền của Việt Nam: “Không được lùi bước trước quân thù, phải để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” đã trở thành sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ ta vượt qua nguy hiểm, đoàn kết một lòng, bám trụ kiên cường, dù hy sinh cũng quyết tâm bảo vệ đảo. 

30 năm đã trôi qua, ở Cô Lin, Len Đao và cả Trường Sa thân yêu, đồng đội các anh vẫn ngày đêm vững tay súng bảo vệ biển, trời Tổ quốc.

Thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Chúng tôi vẫn nhớ trên tàu HQ-936 một sáng bình minh trên biển, lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa được tổ chức trang trọng trên boong tàu với sự tham gia của tất cả thành viên đoàn công tác. Giữa không gian mênh mông, tiếng còi tàu vang xa, một vòng hoa trên tay đồng đội gửi xuống biển cả bao la nơi các anh hùng liệt sĩ yên nghỉ. Cảm xúc bồi hồi khôn tả, những giọt nước mắt đã rơi và tan hòa vào biển cả, những giọt nước mắt của lòng tri ân những người con đất Việt, những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng đã ngã xuống để dựng nên tượng đài bất tử. Vòng hoa dập dềnh trên sóng biển mang theo lời nguyện cầu của chúng tôi, cầu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ mãi mãi yên nghỉ nơi biển trời bao la của Tổ quốc. 

Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của đồng chí trưởng đoàn công tác rưng rưng nhìn về phía Gạc Ma trong giờ phút thiêng liêng ấy: “Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn phát huy truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và quần đảo Trường Sa”.

Nỗi niềm người ở lại

Nâng niu trên tay lá thư cuối cùng bố gửi về trước khi hy sinh, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hà, giáo viên Trường THPT Vũ Tiên không cầm được nước mắt. Lá thư viết ngắn gọn, nét chữ to tròn vẫn rõ từng nét mực là một trong những kỷ vật vô giá của Minh Hà với bố. Bố của Minh Hà là liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm, nguyên cán bộ Trung đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân, hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma cách đây tròn 30 năm. 

Cô giáo Minh Hà nhớ lại: “Tôi với bố không có nhiều khoảng thời gian bên nhau vì bố bận công tác ở đơn vị. Duy nhất có lần tôi được bố đưa ra đơn vị ngoài Hải Phòng, ở cùng bố gần 1 tháng trước khi bố vào Đà Nẵng công tác. Lá thư cuối cùng bố viết bảo đã mua một đôi dép và chiếc áo mút cho tôi. Bố còn hứa sau chuyến đi này về sẽ mua cặp cho con gái đi học...”.  

“Biết bố thích ăn khoai tây luộc nên vụ đông năm đó mẹ tôi đã trồng rất nhiều khoai tây. Sau khi thu hoạch, mẹ nhặt những củ to nhất để dành chờ bố về. Rồi cả nhà nhận được thư bố gửi về nói phải đi Trường Sa đột xuất, không về được. Tết năm ấy bố không về. Mẹ nghe qua đài nên biết thông tin liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma nhưng vẫn chưa tin bố mất nên đã ra đơn vị bố để hỏi. Khi biết bố đã hy sinh, mẹ khóc nhiều lắm. Trên ban thờ, ngày nào mẹ cũng luộc khoai tây để thắp hương bố...” - cô giáo Minh Hà nhớ lại.

Từ ngày bố mất, gánh nặng dồn hết lên vai mẹ. Cuộc sống của giáo viên ngày đó vất vả, khó khăn nhưng bà luôn dặn hai chị em Hà phải cố học, khó khăn thế nào mẹ cũng lo được. Có lẽ, an ủi lớn nhất trong cuộc đời bà kể từ ngày chồng hy sinh chính là nhận được thông tin tìm được 8 bộ hài cốt trong số 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988. Trong số hài cốt tìm được có một phần hài cốt liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm. Ngày 20/11/2009, sau hơn 20 năm xa quê hương, liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm đã được yên nghỉ trong lòng đất mẹ quê hương xã Dân Chủ (Hưng Hà).

Trong 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma năm đó có 8 liệt sĩ quê Thái Bình. Liệt sĩ Nguyễn Văn Phương, chiến sĩ tàu HQ-604, quê xã Mê Linh (Đông Hưng) là người trẻ nhất. Khi hy sinh anh vừa tròn 20 tuổi. 

Bà Nguyễn Thị Gái, 81 tuổi, mẹ liệt sĩ Phương vẫn còn nhớ: “Mặc dù đỗ Trường Sĩ quan Lục quân 1 nhưng Phương không nhập học. Đợi đến đợt tuyển quân, nó đăng ký nghĩa vụ quân sự vào đơn vị hải quân. Nó là người chịu khó, ngoan ngoãn, lanh lợi. Đóng quân ở xa hay gần đều biên thư về cho bố mẹ và các em ở nhà. Trước khi ra Gạc Ma công tác, Phương có gửi thư về cho gia đình nói từ nay không viết thư về nữa vì bận công việc. Từ ấy nó đi biền biệt...”. 

Kể từ khi biết con trai hy sinh, bà Gái vẫn luôn giữ bên mình bộ quân phục của con và những lá thư đã ố vàng theo thời gian. Mỗi lần nhớ con bà lại ôm bộ quân phục ấy như đang nựng đứa con yêu của mình. 30 năm qua đi, nay tuổi đã cao, sức đã yếu, đôi mắt đã mờ không còn đọc rõ nét chữ con viết nhưng người mẹ già ấy vẫn luôn thầm mong một ngày nào đó tìm được hài cốt của con để đưa về quê hương.

Đại tá Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã có nhiều hoạt động tri ân thân nhân liệt sĩ, người và gia đình có công với cách mạng..., góp phần động viên, chia sẻ và bù đắp lại phần nào những hy sinh, mất mát vì hòa bình và độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc và nhân dân.

Câu nói của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Vũ Huy Lễ, nguyên Thuyền trưởng tàu HQ-505: “Chúng tôi muốn các thế hệ mai sau không bao giờ quên ngày 14/3/1988, không bao giờ quên những người đã ngã xuống vì quê hương, đất nước, không bao giờ quên Gạc Ma, một phần máu thịt của Tổ quốc” cũng là tâm niệm, là suy nghĩ lớp lớp Bộ đội Cụ Hồ gửi đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, hôm nay và mai sau.

Tất Đạt