Thứ 2, 02/12/2024, 20:48[GMT+7]

Hồi ức của người lính về 5 cánh quân giải phóng Sài Gòn

Thứ 6, 27/04/2018 | 15:37:35
6,933 lượt xem
Trong những ngày cả nước kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018), chúng tôi may mắn được gặp những cựu chiến binh (CCB) đã từng một thời đồng cam cộng khổ, sát cánh cùng đồng đội anh dũng kiên cường chiến đấu, góp phần cùng quân, dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cựu chiến binh cùng nhau ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa.

Dù tuổi đã cao song CCB Đỗ Minh Tâm, thôn Đông, xã Tây Giang (Tiền Hải) vẫn giữ tác phong của người lính. Với trí nhớ tốt, ông kể cho chúng tôi nghe về những ngày gian khó cùng đồng đội hành quân giải phóng Sài Gòn. 

CCB Đỗ Minh Tâm cho biết: Sáng ngày 27/4/1975, Sư đoàn 325 chúng tôi phối hợp với Sư đoàn 304 từ mũi tiến công thứ yếu chuyển thành mũi tiến công chủ yếu nhận nhiệm vụ đánh vu hồi vào sườn trái của quân ngụy tại địa điểm cầu Nước Trong thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đến hơn 16 giờ 30 phút cùng ngày, Sư đoàn 325 đã giải phóng hoàn toàn Đồng Nai, bắt sống hơn 500 quân địch, thu giữ nhiều vũ khí. Chiến thắng của Sư đoàn 325 đã góp phần phá tan tuyến phòng thủ hướng Đông Nam Sài Gòn của quân ngụy, mở rộng cửa ngõ cho bộ đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Thời điểm đó, mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng” khiến cho thế tiến công của quân đội ta càng trở nên như vũ bão với 5 cánh quân chủ lực từ các hướng Đông, Tây Bắc, Đông Nam, Bắc và Tây Nam rầm rập tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Tại mũi tiến công hướng Tây Nam, Đoàn 232 nhận nhiệm vụ giải phóng các tỉnh Long An, tỉnh Kiến Tường (cũ) và đánh chiếm nhiều căn cứ quan trọng khác của quân ngụy như Tổng nha cảnh sát, các quận 5, 6, 7…, chia cắt Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. 

CCB Nguyễn Văn Hiền, xã Minh Khai (Hưng Hà) chia sẻ: Hơn 1 giờ đêm ngày 29/4/1975, tôi cùng các đồng đội trong Đoàn 232 nhận lệnh đánh chi khu Đức Hòa (tỉnh Long An). Tại đây, quân ngụy bố trí 1 đại đội pháo 105mm, 1 trung đội pháo cối 81mm, hàng rào dây thép gai chằng chịt cùng rất nhiều bom, mìn được chôn dưới đất nhằm ngăn cản bước tiến của quân ta. Sau hơn 3 giờ giao chiến ác liệt, các chiến sĩ trong đơn vị tôi đã cho nổ thành công trái bộc phá thổi tung lớp hàng rào dây thép gai, tạo hành lang an toàn cho quân ta tiến vào, chi khu Đức Hòa được giải phóng. Lính ngụy chạy về thị xã Tân An rồi đầu hàng.

Thế tiến công như vũ bão của quân giải phóng khiến cho quân ngụy trở nên khiếp sợ. Tại mũi tiến công hướng Bắc, Quân đoàn 1 với nhiệm vụ giải phóng Bến Cát, Bình Dương ngăn Sư đoàn 5 của ngụy rút về nội đô và phối hợp với một số đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn. 

CCB Phạm Ngọc Đễ, xã Minh Khai (Hưng Hà) khi đó là chính trị viên Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 7, Quân đoàn 1 tham gia giải phóng Sài Gòn cho biết: Đơn vị chúng tôi nhận lệnh bảo vệ cầu Thị Nghè và Sở thú trung tâm Sài Gòn. Mặc dù một số khu vực của Sài Gòn quân ngụy vẫn ngoan cố chống cự thế nhưng trước khí thế của quân ta, nhiều tướng ngụy đã phải đầu hàng. Khi nghe tin cánh cổng dinh Độc Lập bị húc đổ, quân ta làm chủ nhiều cứ điểm quan trọng, người dân đã đổ ra đường để ăn mừng chiến thắng, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới ở Sài Gòn.

Tin giải phóng hoàn toàn miền Nam lan ra cả nước. CCB Trần Kiếm Ba, tổ 31, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) khi ấy là chiến sĩ thông tin Quân khu 8 chia sẻ: 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng, đồng bào và chiến sĩ cả nước chú ý, Sài Gòn đã được giải phóng thành công, miền Nam Việt Nam hoàn toàn được giải phóng”. Cùng lúc đó lời bài hát Giải phóng miền Nam cất lên làm anh em chiến sĩ vui mừng lắm, cảm xúc không thể nào diễn tả nổi.

Những bức ảnh chụp tại chiến trường là kỷ vật lưu giữ một thời anh hùng của những người lính Cụ Hồ.

Sống lại những ký ức về ngày 30/4 lịch sử, được trò chuyện với những người lính Cụ Hồ thời ấy, thế hệ trẻ chúng tôi càng thêm tự hào và biết ơn những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh để đất nước được độc lập, tự do. 

Trở về với cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa nay lại tích cực tham gia công tác xã hội của địa phương. Họ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những năm tháng chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc cũng như cho công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước hôm nay.

Tiến Đạt