Thứ 2, 02/12/2024, 20:30[GMT+7]

Bác Hồ với nhân dân Thái Bình

Thứ 4, 29/08/2018 | 11:12:19
17,912 lượt xem
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã nói: “ Hồ Chủ tịch là hiện thân của độc lập, tự do, hạnh phúc”. Cả cuộc đời hoạt động của Người cũng chỉ nhằm vào mục đích cao đẹp, duy nhất, đó là đấu tranh cho độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Bác Hồ về thăm xã Nam Cường (Tiền Hải) ngày 26/3/1962. Ảnh tư liệu


Bác Hồ về thăm Hiệp Hòa (Vũ Thư). Ảnh tư liệu.

Ngày 05 tháng 6 năm 1911, khi bôn ba tìm đường cứu nước, những lời nói thiết tha chân thành của Người: “ Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi - đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (1).

Khi Cách mạng tháng Tám đã thành công, thì Người chỉ có một ham muốn: “ Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (2).

Nhân dân Thái Bình phấn khởi chào đón Bác Hồ về thăm ngày 1/1/1967. Ảnh tư liệu

Đến nay, nhắc lại những điều này vẫn làm chúng ta xúc động.

Nhân dân Hà Nội được may mắn thấy Hồ Chủ tịch trong ngày lễ Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào (chính Hồ Chủ tịch là Bác Hồ chứ không phải ai khác); song phần đông nhân dân toàn quốc, trong đó có cả nhân dân Thái Bình thì chưa thấy Bác, chưa một lần được gặp Bác. Nhưng hình ảnh của Bác đã in sâu vào lòng mọi người. Hồ Chủ tịch là ông, là cha, là anh của mọi nhà.

Nhân dân mất mùa, đói kém, bị lũ lụt, nắng hạn kéo dài…tất cả đều khiến Hồ Chủ tịch ngày đêm lo lắng cùng Trung ương Đảng, Chính phủ tìm mọi cách động viên, giúp đỡ. Sự chăm sóc đó không chỉ thể hiện ở những chính sách cải cách ruộng đất, ở Luật đất đai, Luật hôn nhân gia đình…mà còn thể hiện ở việc lo toan từng giờ, từng phút, từng việc nhỏ đối với đời sống nhân dân. Tình yêu thương của Bác với nhân dân không ngòi bút nào tả hết.

Đồng bào, cán bộ Thái Bình phấn khởi chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và chúc tết đầu năm, ngày 1/1/1967. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, với nhân dân Thái Bình, Hồ Chủ tịch nặng lòng hơn. Người thường xuyên lưu tâm đến đời sống nhân dân Thái Bình, nhất là đối với nông dân. Từ năm 1946 đến trước lúc đi xa, Người đã 5 lần về thăm Thái Bình. Cảm động biết bao, cuối tháng 12 năm 1966 khi cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc của giặc Mỹ ở vào thời kỳ quyết liệt, bom đạn Mỹ ngày đêm trút xuống bất kể lúc nào, nơi nào, trong khi đó Bác đã bước sang tuổi 77. Thế mà, khi nghe thấy Thái Bình có tiến bộ vượt bậc về nông nghiệp, trở thành tỉnh đầu tiên đạt 5 tấn thóc trên một hec ta của miền Bắc, Hồ Chủ tịch đã vui vẻ nhận lời về thăm Thái Bình, mặc cho các đồng chí trong Bộ Chính trị can ngăn. Hồ Chủ tịch với nhân dân Thái Bình là như thế. Trước đó, năm 1946, khi Thái Bình đói, lại gặp lũ lụt đe dọa nghiêm trọng, Bác về lo cứu đói cho dân, động viên đồng bào hàn đê, đắp thật nhanh đoạn đê vỡ…và tăng gia sản xuất ngay để có cái mà ăn, đẩy lùi nhanh cái đói. Khi nhân dân và Đảng bộ Thái Bình làm chưa tốt, Bác về động viên, chỉ bảo ân cần, cặn kẽ, có lý, có tình. Khi Thái Bình lập thêm làng mới, Bác về tận nơi xem xét, động viên, chỉ bảo những gì đã làm được, những gì chưa làm được, những gì phải làm gấp v.v và v.v.

Bác Hồ thưởng Huy hiệu cho các chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến xã Nam Cường (Tiền Hải) ngày 26/3/1962. Ảnh tư liệu.

Bác vui với cái vui của nhân dân Thái Bình. Bác lo đúng nỗi lo của người dân Thái Bình. Hồ Chủ tịch với nhân dân Thái Bình là như vậy. Dưới đây xin trích đăng tóm tắt 5 lần Bác về thăm Thái Bình.

1. Lần đầu đón Bác: Ngày 10/01/1946, được tin đê Hưng Nhân bị vỡ, nhân dân ta đã hoàn thành tốt việc đắp đê. Bác về thăm đê Hưng Nhân và thị xã Thái Bình.

Khi nói chuyện với cán bộ, nhân dân, Bác nói: “ Nhiệm vụ của đồng bào lúc này là chống giặc đói, mọi người phải trồng thêm ngô, khoai, sắn để chống đói. Chống được giặc đói, giặc lụt là thiết thực cùng đồng bào cả nước chống giặc ngoại xâm. Mọi người già, trẻ, lương, giáo, thành thị, nông thôn phải đoàn kết, đoàn kết thì việc gì cũng làm xong’.

2. Lần thứ 2 đón Bác.

Ngày 28/4/1946, Bác về thăm Thái Bình, khen ngợi thành tích đắp đê của nhân dân Thái Bình, hoan nghênh tinh thần đoàn kết, tinh thần lao động tăng gia sản xuất của nhân dân. Bác kêu gọi mọi người phải ra sức diệt ba kẻ thù trước mắt là giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

Bác đã trao cờ thưởng cho đơn vị vệ quốc đoàn của tỉnh và 12 đơn vị huyện.

3. Lần thứ 3.

Ngày 20/10/1958, Bác về thăm và nói chuyện với đại biểu và nhân dân Thái Bình. Người nói: “ Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, đồng bào và cán bộ phải cố gắng để tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu”.

4. Lần thứ 4.

Ngày 28/3/1962, Bác về thăm cán bộ và nhân dân Thái Bình. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân, Bác thân ái căn dặn: “ Đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm làm cho Thái Bình trở nên một trong những tỉnh khá nhất, để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.

5. Lần thứ 5.

Ngày 31/12/1966, Bác về thăm Thái Bình là tỉnh trong năm 1966 đã sản xuất giỏi, tỉnh đầu tiên trên miền Bắc đạt 5 tấn thóc trên một héc ta.

Nói chuyện với cán bộ, nhân dân tỉnh ta, Bác chỉ rõ: “… Hiện nay nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn Đảng và toàn dân ta là sản xuất giỏi và chiến đấu giỏi để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Sản xuất và chiến đấu là hai mặt trận quan hệ mật thiết với nhau…”.Người nói: “ Bác rất vui lòng thấy Thái Bình có tiến bộ nhiều. Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.    

                                                                                           Hợp Hưng


(1). Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch( in lần thứ 9, NXb Văn học. H.1989, trang 45, 46.

( 2). Hồ Chủ tịch trả lời các nhà báo tháng 1/1946.