Thứ 2, 02/12/2024, 20:50[GMT+7]

Bác Hồ với gương "Người tốt việc tốt" ở Thái Bình

Thứ 4, 29/08/2018 | 21:39:30
10,274 lượt xem
Hồ Chủ tịch đã giành cho các cụ già, em nhỏ, cho các mẹ, các chị… những “ Người tốt việc tốt” ở Thái Bình một tình cảm đặc biệt. Việc làm này của Bác mang ý nghĩa giáo dục rất lớn. Số đông “Người tốt việc tốt” được Báo Thái Bình tiến lên giới thiệu đều được Bác biết đến và đã gửi thư khen hoặc Huy hiệu của Người về tặng thưởng.

Nhân dân Thái Bình mừng vui đón Bác ngày 26/3/1962. Ảnh tư liệu

“Người tốt việc tốt” là những tấm gương tiêu biểu cho nhân cách của con người mới xã hội chủ nghĩa. Xin nêu một vài tấm gương tiêu biểu trong số hàng trăm “Người tốt việc tốt”  của Thái Bình đã được nhận Huy hiệu của Hồ Chủ tịch. 

Đó là chị Nguyễn Thị Chức, thôn Me, xã Hiệp Hòa, Hưng Hà đã gương mẫu làm những việc khó của hợp tác xã, chị khéo động viên mọi người trong đội sản xuất tích cực lao động. Đội sản xuất của chị được công nhận là đội lao động tiên tiến (Báo Thái Bình tiến lên đăng ngày 20/4/1962). 

Đó là cụ Điện, xã viên HTX Tân Tiến, xã Lê Lợi, Kiến Xương đã có tinh thần làm chủ HTX. Cụ là người sản xuất giỏi, nuôi trâu tài. Trâu của HTX gầy còm, ốm yếu, khi được cụ nhận về nuôi đã trở thành béo khỏe. Gia đình cụ luôn thừa thóc ăn và bán cho Nhà nước ( đăng Báo Nhân dân ngày 25/6/1962). 

Đó là cụ Lưu Văn Ty, xã viên xã Vũ Vân, Vũ Tiên, đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Tuy đã 66 tuổi vẫn hăng hái trong mọi công tác ở địa phương. Khi HTX giao cho cụ làm chủ nhiệm chăn nuôi, với tinh thần làm chủ tập thể cao, cụ đã khắc phục khó khăn, tổ chức chăn nuôi tốt, làm lợi nhiều cho HTX (Báo Thái Bình tiến lên ngày 10/7/1963).

 “Bảy cô gái làng Nê”, quê hương của nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên tập hợp thành tiểu đội nữ dân quân Minh Đức, đã đi đầu trong các công tác của địa phương. Tại hội nghị dân quân tiên tiến Quân khu Tả ngạn đầu năm 1963 tiểu đội bảy cô gái làng Nê đã được suy tôn là đơn vị dẫn đầu phong trào nữ dân quân toàn Quân khu (Báo Thái Bình tiến lên ngày 30/01/1964). 

Đó là tấm gương của bà Đặng Thị Phiêu ở xã An Tiêm, Thụy Anh tự bỏ tiền đi học cách ương giống bèo dâu và mua giống bèo về cải tạo đồng đất mặn của quê hương (Báo Thái Bình tiến lên ngày 25/2/1964). 

Cụ Tô Văn Nghiên ở HTX Thái Sơn, xã Đông Hoàng, Đông Quan trong 5 năm chẳng quản tuổi cao, sức yếu chữa khỏi ốm cho 40 con trâu của HTX (Báo Thái Bình tiến lên ngày 25/2/1964).  

Đoàn thuyền đánh cá của HTX Thụy Tiến, xã Thụy Hà, Thụy Anh đã được Bác tặng Bằng khen vì chiến công cứu thoát 23 đồng bào Nam Định đắm thuyền ( Báo Thái Bình tiến lên ngày 05/3/1964)…

Bút tích của Bác Hồ (màu đỏ) trên Báo Thái Bình tiến lên. Ảnh: Lê Thanh

Không chỉ quan tâm đến những gương “ Người tốt việc tốt” trong sản xuất, Bác rất chú ý đến việc khuyến khích truyền thống hiếu học của Thái Bình. Nhiều giáo viên, học sinh của Thái Bình đã được Người gửi thư khen, hoặc tặng Huy hiệu vì thành tích giảng dạy, học tập. Năm 1963-1964 Bác đã khen thưởng một cô giáo và 9 học sinh của Thái Bình (Báo Thái Bình tiến lên ngày 10/10/1964).

TT