Chủ nhật, 05/01/2025, 10:08[GMT+7]

Hợp tác có hiệu quả với cảnh sát các nước thành viên Interpol trong phòng, chống tội phạm

Thứ 2, 07/11/2011 | 07:36:45
4,003 lượt xem
Hiện nay, INTERPOL (In-tơ-pôn) là tổ chức quốc tế lớn nhất trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Với sáu văn phòng liên lạc tại năm châu lục, In-tơ-pôn có vai trò quan trọng trong việc điều phối và phối hợp hành động đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trên phạm vi toàn thế giới.

Một buổi diễn tập của các chiến sỹ cảnh sát cơ động

Tổ chức này đã và đang phát huy vai trò của một trung tâm điều hành, chỉ huy mang tính toàn cầu nhằm xây dựng một khuôn khổ hợp tác thực thi pháp luật hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, trên cơ sở pháp luật quốc tế và pháp luật các nước thành viên, có cơ chế hành động chặt chẽ, linh hoạt để hỗ trợ lực lượng Cảnh sát các nước thành viên nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

 

Là một quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Namon> chịu tác động trực tiếp của các loại tội phạm hoạt động ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhận thức được sự cấp thiết của công tác hợp tác quốc tế trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm, lực lượng Cảnh sát Việt Namon> đã chủ động gia nhập In-tơ-pôn và được chính thức công nhận vào ngày 4-11-1991. Hai mươi năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát Nhân dân đã thực hiện tốt vai trò và nghĩa vụ của một thành viên In-tơ-pôn, chủ động và tích cực hợp tác chặt chẽ về  nhiều mặt với Cảnh sát nhiều nước trên thế giới trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước; gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Đại hội đồng In-tơ-pôn; phối hợp, hỗ trợ Cảnh sát các nước thành viên In-tơ-pôn điều tra, xử lý nhiều đường dây liên quan đến mua bán trái phép ma tuý xuyên quốc gia, mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới; truy bắt các đối tượng bị truy nã đang lẩn trốn ở các nước.

 

Thông qua kênh hợp tác In-tơ-pôn, Cảnh sát Việt Nam đã có những thông tin kịp thời, mới nhất về tình hình hoạt động của các tổ chức tội phạm quốc tế; tiếp nhận, xử lý, trao đổi thông tin về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài với cơ quan Cảnh sát các nước. Trong 20 năm gia nhập In-tơ-pôn, Cảnh sát Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 44.000 lượt thông tin về đấu tranh phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam; đã bắt giữ và trao trả hơn 200 đối tượng truy nã cho Cảnh sát các nước và khu vực như Mỹ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Đài Loan Trung Quốc…; phối hợp Cảnh sát nước ngoài bắt giữ và tiếp nhận 49 đối tượng truy nã của Việt Nam, trong đó có những đối tượng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xếp vào danh sách nguy hiểm.

 

Cảnh sát Việt Nam đã phối hợp  Ban Tổng thư ký Tổ chức In-tơ-pôn, cơ quan Cảnh sát và cơ quan thực thi pháp luật các nước thành viên của tổ chức này thực hiện thành công một số chuyên án lớn đấu tranh với bọn tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam, như tội phạm về ma túy, tội phạm kinh tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường,... Phối hợp điều tra, xác minh các vụ liên quan đến tội phạm giết người, cướp tài sản, nhập cư bất hợp pháp, mua bán người; xác minh làm rõ thông tin của hàng nghìn đối tượng, hơn 200 tổ chức có tư cách pháp nhân (là các công ty, ngân hàng, quỹ tín dụng…) liên quan đến các hoạt động tội phạm kinh tế, như rửa tiền, buôn lậu, lừa đảo và hàng nghìn đối tượng liên quan đến các hoạt động phạm tội về ma tuý xuyên quốc gia…

 

Đáng chú ý, lực lượng Cảnh sát Việt Nam phát hiện, điều tra khám phá hàng chục đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, không chỉ các nước trong khu vực, mà liên quan đến cả châu Âu, châu Mỹ và châu Phi, trong đó có nhiều đường dây mua bán ma túy lớn, bắt giữ nhiều đối tượng và thu giữ số lượng lớn ma tuý. Qua các vụ án này đã làm rõ nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng, thường sử dụng cất giấu ma túy trong container, giầy dép, nuốt trong bụng, giấu trong bì thư gửi qua bưu điện…Đặc biệt, lực lượng An ninh, Cảnh sát Việt Nam đã phối hợp Cảnh sát nước ngoài đập tan nhiều âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại của các tổ chức phản động người Việt lưu vong với các danh xưng, như “Chính phủ Việt Nam tự do”, “Việt Tân”...

 

Thông qua hợp tác với In-tơ-pôn, lực lượng Cảnh sát Việt Namon> đã phối hợp thực hiện hàng trăm yêu cầu về tương trợ tư pháp hình sự với nước ngoài và ngược lại. Các yêu cầu về tương trợ tư pháp hình sự liên quan đến hoạt động tội phạm, như lấy lời khai nhân chứng, người bị hại; lấy mẫu AND; cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án…được thực hiện theo đúng pháp luật và thông lệ quốc tế, góp phần có hiệu quả vào quá trình điều tra, khám phá các vụ án hình sự của phía nước ngoài và cơ quan Cảnh sát Việt Nam.

 

Cùng với những kết quả quan trọng đạt được trong công tác điều tra, khám phá tội phạm, những năm qua, Cảnh sát Việt Nam còn tích cực hợp tác với In-tơ-pôn trong hoạt động bắt tội phạm có lệnh truy nã, trong đó nhiều vụ án, đối tượng sau khi gây án tìm cách trốn ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài chạy sang Việt Nam ẩn náu nhằm trốn tránh pháp luật. Hoạt động truy nã tội phạm quốc tế của Việt Namon> thông qua kênh hợp tác In-tơ-pôn được thực hiện trên nguyên tắc có đi, có lại. 20 năm qua, Cảnh sát Việt Nam đã phối hợp bắt giữ, dẫn giải, tiếp nhận hoặc trao trả hàng trăm đối tượng truy nã quốc tế hoặc truy nã của Việt Nam theo đúng các quy định và thông lệ quốc tế về tương trợ tư pháp. Đây là biện pháp tiến công, bao vây về mặt pháp luật đối với đối tượng ở phạm vi thế giới, khu vực, hạn chế sự đi lại và răn đe bọn tội phạm. Việc thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ án để chuyển giao giữa Cảnh sát Việt Nam với các nước thành viên In-tơ-pôn được tiến hành trên cơ sở các nguyên tắc mà các bên thừa nhận trong các điều ước quốc tế  về tương trợ tư pháp hình sự. Sự hợp tác về dẫn độ tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự và thi hành bản án hình sự được triển khai có hiệu quả, tuân thủ thủ tục pháp luật quốc gia, quốc tế.

 

Bên cạnh công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, thông qua kênh hợp tác In-tơ-pôn, lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã và đang mở rộng hợp tác có hiệu quả với Cảnh sát các nước thành viên In-tơ-pôn trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng lực lượng Công an ngày càng trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại. Việc gia nhập In-tơ-pôn đã tạo ra nhiều cơ hội cho Cảnh sát Việt Namon> giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, như tội phạm khủng bố, ma tuý, rửa tiền, mua bán người. Đến nay, Cảnh sát Việt Nam đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ đi học tập, tham gia các khoá tập huấn, đào tạo do In-tơ-pôn tổ chức tại trụ sở Ban Tổng thư ký và các nước thành viên; tiếp nhận nhiều nguồn tài trợ, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện từ In-tơ-pôn và Cảnh sát các nước thành viên, phục vụ có hiệu quả  công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế của đất nước.

 

Nhìn lại 20 năm hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, lực lượng Cảnh sát Việt Namon> đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị trí, vai trò và hiệu quả hoạt động của In-tơ-pôn. Những kết quả đó đã khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự trong thời kỳ hội nhập.

 

Những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn của thời đại, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Bên cạnh những cơ hội thuận lợi rất cơ bản, lực lượng thực thi pháp luật nói chung và lực lượng Cảnh sát các nước nói riêng, trong đó có Việt Nam, sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, hoạt động của tội phạm có yếu tố nước ngoài ngày càng diễn biến phức tạp hơn, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới có tổ chức xuyên quốc gia. Trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam với các nước, các đường dây, tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia gia tăng hoạt động móc nối, liên kết trong và nước ngoài, triệt để lợi dụng sự khác nhau về hệ thống pháp luật, sự chênh lệch về trình độ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin và kinh nghiệm của các cơ quan thực thi pháp luật giữa các nước để tiến hành các hoạt động phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam hoặc lợi dụng lãnh thổ Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân nước khác, như: tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về ma tuý, tội phạm trong lĩnh vực môi trường, tội phạm mua bán người, tội phạm lừa đảo trong đầu tư, chứng khoán, tội phạm khủng bố… Các loại tội phạm này sẽ ngày càng mở rộng địa bàn hoạt động xuyên quốc gia, lợi dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại để phạm tội. Hậu quả do tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia gây ra rất nghiêm trọng, không chỉ gây tổn hại ở từng quốc gia, mà liên quan đến nhiều nước. Do  đó, cấn có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng thi hành pháp luật mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát các quốc gia trên thế giới.

 

Trước yêu cầu đó, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục khẳng định: hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với In-tơ-pôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan đến Việt Namon>. Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Việt Namon> cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau :

 

Một là, tiếp tục hợp tác chặt chẽ và toàn diện hơn nữa với In-tơ-pôn và các nước thành viên của tổ chức này; cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của In-tơ-pôn với tư cách là một thành viên tích cực và có trách nhiệm. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các quốc gia thành viên In-tơ-pôn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Chú trọng việc nghiên cứu xây dựng và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và các nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

 

Hai là, tổ chức tốt công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình tội phạm nói chung và các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam nói riêng, để chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời. Triển khai có hiệu quả nghị quyết các kỳ họp Đại hội đồng In-tơ-pôn, như Nghị quyết Đại hội đồng In-tơ-pôn lần thứ 75, lần thứ 77 về phòng, chống tội phạm buôn bán người, tội phạm xâm hại tình dục và mua bán trẻ em; tội phạm sử dụng công nghệ cao và các nghị quyết quan trọng khác về phòng, chống tội phạm rửa tiền, tội phạm về ma tuý, khủng bố… Đặc biệt, phải triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đồng In-tơ-pôn lần thứ 80 được tổ chức tại Việt Namon>.

 

Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, huấn luyện chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Chủ động phối hợp đăng cai các hội nghị, hội thảo quốc tế, các khoá tập huấn chuyên đề của In-tơ-pôn có liên quan đến hoạt động phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài để thống nhất cơ chế, biện pháp phối hợp trong từng thời điểm, với từng đối tác trong In-tơ-pôn.

 

Bốn là, nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý và cơ chế tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia với In-tơ-pôn, A-xê-an-pôn(ASEANAPOL). Đề xuất triển khai mạng lưới sĩ quan liên lạc của Cảnh sát Việt Nam ở nước ngoài làm cầu nối phối hợp giữa Cảnh sát Việt Nam với Cảnh sát các nước trong việc thực hiện các hiệp định, nghị định thư về hợp tác phòng, chống tội phạm, các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; đồng thời tạo điều kiện chủ động ngăn chặn từ xa, không để bọn tội phạm vào Việt Nam hoạt động.

 

Năm là, tiếp tục xây dựng, kiện toàn Văn phòng In-tơ-pôn Việt Nam bảo đảm thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp về thông tin và cơ sở dữ liệu tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia phục vụ khai thác, phân tích, chia sẻ và xử lý thông tin. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa Văn phòng In-tơ-pôn Việt Nam với các ngành chức năng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự, nhất là với Viện Kiểm sát và Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác với In-tơ-pôn trong thời gian tới.

 

Thực hiện tốt các giải pháp trên đây sẽ góp phần tích cực vào sự nghiệp giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.

Trung tướng, GS.TS Trần Đại Quang

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

  • Từ khóa