Chủ nhật, 05/01/2025, 09:51[GMT+7]

Những bổ sung quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Thứ 6, 11/11/2011 | 15:09:05
6,268 lượt xem
Ngày 1-11-2011, Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng (khóa XI) Nguyễn Phú Trọng ký Quyết định số 46-QÐ/T.Ư ban hành Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Ðảng trong Chương VII và Chương VIII Ðiều lệ Ðảng khóa XI.

Ðể tìm hiểu sâu hơn nội dung của Hướng dẫn này, nhất là những bổ sung quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Quang Thu, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

 

Từ ngày 6 đến 10-10-2011, Hội nghị lần thứ ba BCH T.Ư (khóa XI) đã bàn và quyết định một số định hướng lớn, trong đó có nội dung ban hành Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Ðảng trong Chương VII, Chương VIII Ðiều lệ Ðảng. Căn cứ vào Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, quy chế làm việc của BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; kế thừa Hướng dẫn Chương VII, Chương VIII Ðiều lệ Ðảng khóa X và những kinh nghiệm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ 2005 - 2010; Hội nghị đã có những quyết định bổ sung quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng trong tình hình mới.

 

1 - Tiếp tục khẳng định vai trò của công tác kiểm tra, giám sát; bảo đảm sự chặt chẽ và đồng bộ giữa kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Ðảng

 

Thực tiễn xây dựng Ðảng nhiều năm qua đã khẳng định: Công tác kiểm tra, giám sát đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Ðảng. Thông qua việc thường xuyên kiểm tra, giám sát khâu tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục sai lầm, khuyết điểm; kiểm tra, giám sát công tác, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ðó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng ta giành được thắng lợi. Tại Hội nghị lần này, BCH T.Ư tiếp tục nhấn mạnh: kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Ðảng, lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát coi như không lãnh đạo, và chuyển từ cấp ban hành trước đây là Bộ Chính trị, nay do BCH T.Ư quyết định ban hành Hướng dẫn.

 

Về hệ thống khái niệm, Hướng dẫn nhiệm kỳ này bổ sung khái niệm công tác kiểm tra của Ðảng. Mặc dù ngay từ tháng 10-1948, khi Ban Thường vụ Trung ương Ðảng ký Quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, công tác kiểm tra đã được hiểu là "xét xem chủ trương của Ðảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Ðảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Ðảng". Các nhiệm kỳ về sau cũng đều đề cập theo định hướng này. Thí dụ Ðiều lệ Ðại hội lần thứ IV của Ðảng nêu: "Kiểm tra những vụ đảng viên (kể cả cấp ủy viên) vi phạm Ðiều lệ Ðảng, kỷ luật của Ðảng và pháp luật Nhà nước"; hoặc: "Kiểm tra đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) và tổ chức đảng cấp dưới chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của đảng viên" (Ðiều lệ Ðại hội VII). Tuy nhiên, chưa có tài liệu nghiên cứu nào chỉ ra một khái niệm đầy đủ về công tác kiểm tra của Ðảng.

 

Hướng dẫn lần này quy định rõ: Kiểm tra của Ðảng là một trong những chức năng lãnh đạo của Ðảng, là việc các tổ chức đảng xem xét, đánh giá, kết luận về những ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Ðảng và pháp luật của Nhà nước. Việc quy định như trên không chỉ làm rõ về vị trí, ý nghĩa mà còn bao hàm cả về chủ thể, đối tượng, cả về nhiệm vụ và nội dung của công tác kiểm tra. Bổ sung này giúp cho công tác nghiên cứu và vận dụng được toàn diện, chặt chẽ hơn, quy định trước đây mới chỉ nêu khái niệm giám sát.

 

Về nhiệm vụ giám sát được hoàn thiện, bổ sung: Tổ chức đảng qua giám sát, cần kịp thời nhắc nhở đối tượng phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót, khuyết nhược điểm; nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì báo cáo hoặc đề nghị tổ chức có thẩm quyền tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Nếu phát hiện đảng viên, tổ chức đảng không thực hiện, thực hiện không đúng, hoặc ban hành trái với các nghị quyết, quy định của Ðảng, pháp luật Nhà nước thì báo cáo tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý. Việc hoàn thiện quy định này  nhấn mạnh thêm về thẩm quyền và trách nhiệm, đồng thời làm tăng sự gắn bó, thống nhất biện chứng hơn giữa các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Ðảng; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.

 

2 - Phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức đảng và đảng viên trong công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng

 

Quá trình tổ chức thực hiện các nội dung trong công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, một yêu cầu rất quan trọng và cũng là một phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra, giám sát. Ðó là: phải dựa vào vai trò lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện của tổ chức đảng; vai trò tiên phong gương mẫu, tự giác và nhất là tinh thần tự phê bình và phê bình của cá nhân đảng viên. Ðáng chú ý  là trong khi tiến hành các nhiệm vụ, nhất là kiểm tra dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo, khiếu nại, xử lý kỷ luật... nếu tổ chức đảng và đảng viên phát huy dân chủ, tự giác, nhận thức tốt vai trò trách nhiệm, cầu thị, trung thực và có bản lĩnh thực hiện đúng chức trách được giao thì việc chấn chỉnh những sai sót, vi phạm, thậm chí phải xử lý kỷ luật sẽ đạt hiệu quả cao, tạo sự đồng thuận của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, lòng tin trong đội ngũ cán bộ và đảng viên.

 

Từ những yêu cầu đó, Hướng dẫn đã cụ thể hóa Ðiều 30 Ðiều lệ Ðảng, quy định rõ: Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Ðảng, chấp hành nghiêm chỉnh Ðiều lệ Ðảng, các quy định của Ðảng, các quyết định, kết luận, yêu cầu của chủ thể kiểm tra, giám sát. Mặt khác, để đạt được yếu tố đạt lý thấu tình, tổ chức đảng và đảng viên được sử dụng những bằng chứng, chứng minh các nội dung khi kiểm tra, giám sát; được quyền bảo lưu ý kiến, đề nghị, báo cáo lên tổ chức đảng cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá lại kết luận đối với mình hoặc trách nhiệm của người đi kiểm tra, giám sát.

 

Về xác định trách nhiệm của tổ chức đảng cấp trên đối với việc xem xét, kỷ luật cấp dưới, Hướng dẫn nêu rõ: Tổ chức đảng có thẩm quyền cấp trên khi phát hiện đảng viên là cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên thì phải chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới, trước hết là chi bộ xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Nếu xử lý không đúng mức thì tổ chức đảng đó sẽ xem xét, xử lý về trách nhiệm của các tổ chức đảng cấp dưới và người đứng đầu tổ chức đó. Quy định trên đây nhằm nêu cao trách nhiệm của tổ chức đảng và người có trách nhiệm, tránh tình trạng "đứng ngoài cuộc" do nể nang, ngại va chạm; bảo đảm mục tiêu công khai, minh bạch trong công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng.

 

3 - Ðề cập sâu hơn về bản chất một số nhiệm vụ trọng tâm

 

Trước hết, do yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, Hướng dẫn quy định cụ thể hơn nhiệm vụ kiểm tra chấp hành của các cấp ủy. Theo đó, cần tập trung kiểm tra việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng kiểm tra: việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn đoàn kết nội bộ; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện cải cách tư pháp, các hoạt động tố tụng; kiểm tra về công tác cán bộ, giải quyết đơn thư, trách nhiệm của người đứng đầu. Bổ sung những nội dung trên nhằm một bước cụ thể hóa Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, những nội dung về công tác kiểm tra, giám sát trong Văn kiện Ðại hội lần thứ XI của Ðảng; đồng thời phục vụ cấp ủy các cấp tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm mà đảng viên và nhân dân đang quan tâm hiện nay.

 

Tại Ðại hội lần thứ VIII của Ðảng (nhiệm kỳ 1996-2001),  UBKT các cấp được điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ: "kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm". Từ đó đến nay, nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm tra đảng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện sai phạm khi mới manh nha, hạn chế, ngăn ngừa không cho tiêu cực phát triển từ chưa vi phạm trở thành vi phạm, từ vi phạm ít nghiêm trọng thành nghiêm trọng, từ một người thành nhiều người, từ cá nhân trở thành vi phạm của cả tổ chức. Yếu tố quan trọng nhất đó là phải xuất phát từ nhận thức đúng đắn, phải phát hiện kịp thời, chính xác dấu hiệu vi phạm để tiến hành kiểm tra. Tránh hai khuynh hướng: hoặc đơn giản khi mới nhận được thông tin chưa qua xử lý đã tổ chức tiến hành kiểm tra ngay, gây tâm lý băn khoăn, bức xúc; hoặc ngược lại do chậm phát hiện để dấu hiệu vi phạm đã trở thành vi phạm mới kiểm tra, khi đó tác hại trở nên nghiêm trọng, hậu quả là tài sản bị thất thoát, cán bộ bị xử lý, ý nghĩa của việc chủ động ngăn ngừa khi đó sẽ không còn tác dụng.

 

Tại Hội nghị Trung ương lần này đã bổ sung những nội dung quan trọng, xác định dấu hiệu vi phạm để tiến hành kiểm tra. Ðó là khi có những thông tin, tài liệu thu thập được đối chiếu với các quy định của Ðảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể mà đảng viên đó tham gia, với pháp luật của Nhà nước có căn cứ cho thấy tổ chức đảng hoặc đảng viên đó  không tuân theo, không làm hoặc làm trái một hoặc một số điều quy định của Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -  xã hội.

 

Việc xác định dấu hiệu vi phạm của đảng viên và tổ chức đảng sẽ được thông qua những nguồn thông tin khác nhau, như qua công tác kiểm tra, thanh tra của các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; qua tự phê bình và phê bình, việc bình xét phân tích chất lượng đảng viên và tổ chức đảng; qua khiếu nại, phản ánh kiến nghị của đảng viên, quần chúng; qua thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được kiểm chứng. Thông tin từ những kênh trên đây làm căn cứ quan trọng cho UBKT các cấp tiến hành kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng.

 

4 - Thẩm quyền ở một số trường hợp được quy định rõ hơn theo hướng nâng cao hiệu quả trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát

 

Do phát sinh thực tế về tình trạng vi phạm của đảng viên vẫn phức tạp, số lượng phải xử lý và giải quyết khiếu nại chưa giảm, có thời điểm gia tăng; để dành nhiều thời gian, công sức tập trung giải quyết những công việc quan trọng, cấp bách; Hướng dẫn quy định: BCH T.Ư là cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng với các hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Ðảng và các hình thức xử lý do Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định; Bộ Chính trị là cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với các hình thức khiển trách, cảnh cáo và cách chức đảng viên, trừ trường hợp do Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật.

 

Bổ sung quy định trên vừa  bảo đảm nguyên tắc theo quy định của Ðiều lệ Ðảng, vừa  bảo đảm quyền dân chủ của đảng viên; mặt khác tăng cường hơn nữa trách nhiệm, nâng cao trình độ nghiệp vụ xử lý kỷ luật và giải quyết khiếu nại của tổ chức đảng cấp dưới; tránh tình trạng do nể nang, ngại va chạm hoặc đơn giản trong giải quyết, đùn đẩy lên cấp trên.   

 

Hướng dẫn quy định UBKT từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên có thẩm quyền quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng của cấp ủy viên cấp dưới trực tiếp và đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý, nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp khi bị tạm giam, truy tố; quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với cấp ủy viên cấp dưới trực tiếp khi bị khởi tố, nhằm  bảo đảm tính kịp thời khi phối hợp với các cơ quan pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến tổ chức đảng và đảng viên.

 

Ðối với lực lượng vũ trang, Hướng dẫn quy định: UBKT Quân ủy Trung ương  chỉ đạo, hướng dẫn UBKT Ðảng ủy các quân khu, Bộ đội Biên phòng phối hợp với UBKT các Tỉnh ủy, Thành ủy tiến hành công tác kiểm tra, giám sát đối với Ðảng bộ quân sự, Bộ đội Biên phòng địa phương do UBKT Tỉnh ủy chủ trì. UBKT Ðảng ủy Công an Trung ương phối hợp với UBKT các Tỉnh ủy, Thành ủy tiến hành kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng trong Công an nhân dân các địa phương do UBKT, Tỉnh ủy, Thành ủy chủ trì. Trường hợp có yếu tố nước ngoài hoặc những vấn đề nội bộ của ngành thì báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

 

Bổ sung quy định trên nhằm bảo đảm sự chỉ đạo, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn giữa UBKT cấp trên đối với UBKT cấp dưới thuộc Quân ủy Trung ương và UBKT Ðảng ủy Công an Trung ương, trong việc phối hợp với UBKT các Tỉnh ủy, Thành ủy để kiểm tra Ðảng bộ quân sự, Bộ đội Biên phòng hoặc Ðảng bộ Công an nhân dân địa phương.

 

5 - Ðề cao trách nhiệm của cơ quan chuyên trách thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng

 

UBKT các cấp là cơ quan chuyên trách của Ðảng có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Ðiều 32 Ðiều lệ Ðảng. Hướng dẫn quy định cụ thể thêm một số nội dung tạo điều kiện cũng như đặt ra yêu cầu cao hơn trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của UBKT các cấp.

 

Trước hết, về khâu tổ chức lập UBKT, chuẩn y thành viên, tổ chức và chế độ hoạt động của UBKT. Hướng dẫn  quy định rõ hơn về số lượng, thành phần, cơ cấu theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, bước đầu tạo sự thống nhất trong toàn ngành; tăng cường cán bộ kiểm tra chuyên trách cho UBKT đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn và những tổ chức đảng trong cơ quan, doanh nghiệp có đông đảng viên sinh hoạt.

 

Trong nhiệm vụ giải quyết tố cáo đảng viên, ngoài việc thụ lý giải quyết theo quy trình, UBKT các cấp còn phải hướng dẫn người tố cáo thực hiện theo đúng những quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; xử lý hoặc đề nghị cấp ủy chỉ đạo xử lý nghiêm những trường hợp cản trở, dìm bỏ tố cáo, trù dập người tố cáo hoặc bao che cho đối tượng bị tố cáo. Mặt khác, trong nhiệm vụ thi hành kỷ luật trong Ðảng, Hướng dẫn quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức đảng cũng như UBKT trước những quyết định xử lý kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng. Cụ thể là việc yêu cầu cấp ủy, UBKT các cấp khi quyết định oan sai đối với đảng viên phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó, đồng thời tự phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm. Trường hợp khi quyết định xử lý kỷ luật, tổ chức đảng có thẩm quyền có sai phạm thì cấp ủy hoặc UBKT cấp trên xem xét, quyết định. Quy định như vậy đòi hỏi việc xử lý cần  bảo đảm thận trọng, công minh, chính xác, nếu vì nguyên nhân chủ quan dẫn đến vi phạm thì đều phải được xem xét xử lý, không có ngoại lệ.     

 

Ngoài những nội dung cơ bản trên đây, Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Ðảng trong Chương VII, Chương VIII Ðiều lệ Ðảng còn quy định một số nội dung như: sự lãnh đạo công tác kiểm tra của ban cán sự đảng, đảng đoàn; một số trường hợp vi phạm nhưng tạm thời chưa xem xét xử lý kỷ luật; thời gian có hiệu lực của kỷ luật sau khi bị xử lý; phương pháp biểu quyết khi Ban Chấp hành Trung ương tiến hành xử lý kỷ luật đảng viên hoặc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng.

Theo Nhân Dân

 

  • Từ khóa