Thứ 2, 02/12/2024, 20:50[GMT+7]

Tầm nhìn chiến lược của vị Doanh điền sứ

Chủ nhật, 30/09/2018 | 19:22:28
17,103 lượt xem
Kỷ niệm 190 năm (1828-2018) huyện Tiền Hải được thành lập cũng là tròn 160 năm ông qua đời. Thời gian có thể làm quên đi một con người bình thường, nhưng nhân thế không thể quên được ông- Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, một con người đa tài, nhà kinh tế, quân sự lỗi lạc. Để ghi nhớ và tri ân công lao của ông, Huyện ủy Tiền Hải tổ chức Hội thảo khoa học “Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với quê hương Tiền Hải” vào ngày 27/9/2018.

Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (năm 2011).

Nguyễn Công Trứ (1778-1858) hiệu là Ngộ Trai, tự là Hy Văn, quê quán tại làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Cha của ông là quan đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, đậu Cử nhân thời Lê Mạt, làm Tri huyện Quỳnh Côi rồi Tri phủ Tiên Hưng, đều thuộc tỉnh Thái Bình và mẹ đẻ là Cảnh Thị, con quan nội thị Cảnh Bá Nhạc. Buổi thiếu thời dù sống trong cảnh hàn vi, ông luôn cố công trau dồi kinh sử để mong thi đỗ ra làm quan giúp dân giúp nước. Sau nhiều lần thi hỏng, cuối cùng ông đậu Tú tài năm 1813 và đậu Giải Nguyên năm 1819. 

Hoạn lộ của ông lắm bước thăng trầm: Ông làm quan ở nhiều tỉnh, nhiều vùng, có khi lên đến Binh Bộ Thượng Thư, nhưng cũng có lắm lần bị gièm pha giáng chức, cách chức. Ông giúp triều đình nhà Nguyễn đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa lớn như của Lê Duy Lương, Nồng Văn Vân, Phan Bá Vành... Năm 1828 ông làm Doanh điền sứ, giúp dân khai khẩn đất hoang, lập ra hai vùng đất Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình) ngày nay. Ông mất ngày 7 tháng 12 năm 1858 tại chính quán, thọ 81 tuổi, được phong tước Dinh Bình Hầu.

 Đền thờ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại xã Tây Sơn (Tiền Hải).

Khi Tiền Hải còn mang tên gọi Tiền Châu, do quan niệm ấu trĩ, sai lầm của một số quan chức dưới chế độ thống trị của giai cấp phong kiến, đất và người  ở xứ “sú vẹt hoang vu” ấy, dường như bị lãng quên. Dân đói khổ lưu vong tứ xứ vì không có ruộng đất cày cấy; lũ lụt xảy ra thường xuyên; nghề sông biển chưa có điều kiện phát triển… Thời ấy, bước vào tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" Tả Thị lang bộ hình Nguyễn Công Trứ với lòng yêu nước, thương dân, với nhãn quan tinh tường đã dâng sớ trình với triều đình nhiều việc trong đó có việc: “Vỡ ruộng hoang cho dân nghèo”. Nhà vua y sớ, giao cho Nguyễn Công Trứ chức Doanh điền sứ để tổ chức việc khai hoang. Bằng tài năng và nghị lực sáng tạo, tháng 3/1828,  Nguyễn Công Trứ đã chiêu tập dân nghèo và dân lưu vong các nơi, chỉ 6 tháng sau đã hoàn thành công cuộc khẩn hoang mở đất. Tháng 9 năm Minh Mạng thứ 9 (1828) triều đình cho đặt tên là huyện Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương, trấn Nam Định (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Huyện lỵ Tiền Hải đầu tiên đặt ở ấp Phong Lai, tổng Tân Thành (nay là khu vực đất chùa Phong Lai, xã Đông Phong). Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), huyện lỵ được chuyển về ấp Ngoại Hoàng thuộc tổng Tân Định (nay là xã Tây Sơn). Khi tỉnh Thái Bình được thành lập ngày 21/3/1890, huyện Tiền Hải gồm 8 tổng, 79 xã thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. Ảnh: Mạnh Thắng 

Tưởng nhớ và tri ân công lao của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, 190 năm qua, các thế hệ người Tiền Hải luôn phát huy truyền thống lao động cần cù, bền bỉ, sáng tạo, tình đoàn kết gắn bó bền chặt giữa nhân dân các làng xã trong huyện và truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, cũng như sự nhạy cảm, quyết đoán trước những thời cơ và thách thức trong tiến trình hội nhập và phát triển. Tiền Hải ngày nay đã “thật xứng với tên mình”, trở thành một huyện trọng điểm về phát triển kinh tế, là khu vực phòng thủ quan trọng ven biển của tỉnh.

 
Giáo sư, Tiến sĩ Trương Sỹ Hùng - Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết (Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam)

 Bằng việc lập nên mảnh đất Kim Sơn và Tiền Hải, Nguyễn Công Trứ đã làm nên kỳ tích lịch sử, đủ sức khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt, táo bạo, sớm được “dân sử”, “quốc sử” ghi nhận và đánh giá cao. Qua đó khẳng định ông có vai trò đặc biệt quan trọng trên lĩnh vực đổi mới tư duy kinh tế, hướng về biển đảo để củng cố thế đứng trên đất liền của cộng đồng dân tộc Việt Nam, có chiều dọc đất nước bao gồm toàn bộ phía Đông là biển cả. Huyện Tiền Hải nói riêng và tỉnh Thái Bình cũng như Hà Tĩnh nói chung, cần có những cuộc hội thảo, làm sáng tỏ hơn nữa tấm gương lao động, nghệ thuật lãnh đạo, phấn đấu không biết mệt mỏi, hết lòng yêu nước, thương dân của ông.
 
 Giáo sư Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết (Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam)

 Cuộc đời Nguyễn Công Trứ là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong kinh tế và quân sự, tới chức Thượng thư, Tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, có lần giáng liền ba, bốn cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú. Là tác giả của công trình khai hoang, làm thủy lợi lập xóm làng tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình), Nguyễn Công Trứ được nhân dân các địa phương đó lập đền thờ ngay khi ông còn sống (sinh từ). Giới trí thức Việt Nam hôm nay luôn coi ông là tấm gương của một nhân cách cao quý và đẹp đẽ. Giới trẻ cần tìm học ở ông những bài học làm người sáng giá.  
 
Ông Nguyễn Văn Giang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Tiền Hải


  Các sử gia thời Nguyễn đã ghi nhận: “Nguyễn Công Trứ là con người trác lạc, có tài khí, chẳng những có tài thơ văn mà còn lập công lớn nơi chiến trận, lĩnh chức doanh điền, mở mang ruộng đất, tụ họp lưu dân, gây thành mối lợi vĩnh viễn cho đất nước”. Hội thảo khoa học “Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với quê hương Tiền Hải” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828-2018) giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những công lao to lớn của Doanh điền sứ với quê hương Tiền Hải. Đồng thời là dịp nhìn lại và khẳng định những thành tựu đã đạt được trong quá trình 190 năm xây dựng và trưởng thành của Tiền Hải. Từ đó, góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước của quê hương cách mạng 14-10 anh hùng, là nguồn cổ vũ quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Hải phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

                                                                                   Phan Lợi