Thứ 2, 02/12/2024, 16:40[GMT+7]

Nhân kỷ niệm 50 năm Báo Thái Bình ra số đầu 1/1/1962 – 2012 Những lần đón tết đáng nhớ

Thứ 3, 17/01/2012 | 08:07:41
2,215 lượt xem
Chỉ vài năm nữa thôi, thế hệ làm báo trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (sau các bác, các anh trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp) ở Báo Thái Bình sẽ lùi về hậu cứ, bàn giao lại cho lớp người sinh ra và lớn lên trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong chặng đường cầm súng và cầm bút, chúng tôi đón bao nhiêu mùa xuân, đón bao nhiêu năm mới, đầy ắp những kỷ niệm khó phai.

Tiết mục văn nghệ của ĐVTN Báo Thái Bình chào mừng kỷ niệm 50 năm Báo Thái Bình ra số đầu. Ảnh: Ngọc Linh

Đón giao thừa đầu tiên ở chiến trường

 

Không ngờ rằng năm đầu tiên xa gia đình, lại là năm đón giao thừa ở chiến trường. Chiều 30 tháng Chạp năm Bính Ngọ (1966) chúng tôi đã hành quân vào tới huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi). Thời điểm ấy Mỹ vừa hoàn thành đưa 50 vạn quân vào miền Nam, Việt Nam; quân đội ngụy còn đang sung sức, lại có thêm nhiều đội quân đánh thuê như Hàn Quốc, Thái Lan, Úc... cũng có mặt trên chiến trường càng thêm ác liệt. “Khúc ruột miền Trung” xa đường tiếp vận của hậu phương càng khó khăn hơn. Bộ đội giải phóng biết rằng “Năm đã hết, tết đã đến”, nhưng trong ba lô chỉ có 2kg gạo chiến lược là có thể ăn được.

 

Rừng núi Ba Tơ ngút ngàn, hiểm trở, màn đêm buông xuống đen đặc quánh lại, thi thoảng xé ra bởi một loạt pháo bầy của địch. Cả tiểu đoàn 600 con người chỉ duy nhất có 1 rađiô rê-mong-tơn do đồng chí chính trị viên quản lý, sử dụng. Ngay từ đầu tối, sau “bữa cơm chiều” (cơm độn với sắn khô), chúng tôi đề nghị: đến giao thừa thủ trưởng mở to đài để chúng em được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết. Tuy chẳng có bánh kẹo, rượu bia, chúng tôi vẫn háo hức chờ đợi. Giây phút thiêng liêng nhất đã tới, cũng trong màn đêm dày đặc, hàng trăm con người nghiêm trang ngồi quanh chiếc rađiô, nghe giọng nói Bác Hồ:

 

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Namon> – Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”

 

Giọng Bác ấm áp truyền cho chúng tôi sức mạnh và niềm tin, chẳng ai bảo ai, chúng tôi nắm chặt bàn tay nhau trong màn đêm – giờ phút thiêng liêng của trời đất và Tổ quốc.

 

Đón tết nơi sơ tán

 

Năm 1972, chuyển ngành về Tòa soạn Báo Thái Bình chưa đầy 3 tháng thì Mỹ lại đánh phá trở lại miền Bắc lần thứ 2, các cơ quan phải đi sơ tán. Ban đầu tòa soạn về xã Vũ Phúc, chừng hơn một tháng lại phải di chuyển về xã Minh Lãng (Vũ Thư) để gần với văn phòng Tỉnh ủy và các ban của Đảng. Thị xã Thái Bình đang đông vui trở lại sau chiến tranh phá hoại của Mỹ lần thứ nhất, nay lại hoang tàn, thưa thớt người qua lại.

 

Tòa soạn phân công anh Phạm Huy Niết và tôi về thị xã dỡ mấy gian nhà lá của Tỉnh ủy đưa về Minh Lãng làm nhà ăn và chỗ hội họp của cơ quan. May thay cả ngày thu dỡ yên tĩnh, mãi tới 7 giờ 30 phút, máy bay Mỹ mới tập trung đánh vào khu vực khách sạn cầu Bo và một vài nơi trong nội thị. Ngay đêm đó chúng tôi được tin ông Cúc, trưởng ty thương nghiệp, bà Kim Cương, cửa hàng trưởng cửa hàng ăn uống hy sinh. Mặc dù chiến tranh phá hoại ngày một ác liệt, nhưng Báo Thái Bình vẫn xuất bản đều đặn tuần 2 kỳ (thứ 2 và thứ 4). Tòa soạn chỉ hơn 10 người, nhiều khi lãnh đạo cũng phải viết bài, chụp ảnh và làm cả “họa sỹ”.

 

Ông Lê Trọng, thủ trưởng cơ quan vẽ cả tranh cổ động (một cô nông dân ôm bó lúa) đăng trong số báo đặc biệt “mừng công 6 tấn”. Ông Đỗ Vĩnh Bảo (Ủy viên Ban biên tập), gần như là thủ trưởng phó cơ quan, viết cả một thiên phóng sự về phong trào sản xuất, chiến đấu của quân và dân Tiền Hải. Ông Hữu Tháp, Đinh Hồng như phóng viên chiến tranh, Mỹ ném bom chỗ nào cũng phải đến viết bài, chụp ảnh... Công việc tòa soạn quay như đèn cù, chẳng mấy lúc đã đến Tết Nguyên đán Quý Sửu 1973. Thời chiến hàng Tết đều phải phân phối và đạm bạc: 2 lạng đỗ xanh, 1 chai nước mắm, nửa cân miến dong, hai lạng thịt... để góp với gia đình ăn Tết. Cả xã hội đều khó khăn nên chẳng một ai phân vân đòi hỏi.

 

Báo Thái Bình sau khi phát hành tờ báo Xuân 8 trang 3 màu, ngày 28 Tết thủ trưởng mới thông báo danh sách trực Tết. Tôi được phân trực ca 2 (từ trưa 30 tháng Chạp đến trưa ngày mùng 2 Tết). Đây lại là Tết đầu tiên chuyển ngành và đón giao thừa nơi sơ tán. Đất nước còn chiến tranh, cán bộ nhân viên Nhà nước đi đâu cũng chỉ có xe đạp “cà tàng”. Cơ quan Báo ít người nên chị Dụ cấp dưỡng được nghỉ, ai trực Tết phải tự nấu ăn. Ca trực của tôi có cả anh Thanh Đạt (Sau này làm Tổng biên tập Báo Bình Định). Khi nghe phân công trực, Thanh Đạt nói nhỏ với tôi: chú chưa xây dựng gia đình, trực cả cho tôi với. Bí mật nhé, đừng để lãnh đạo biết!

 

Lần đầu tiên tham gia làm báo tết

 

Năm 1978, sau mấy tháng được tòa soạn cử làm nhiệm vụ sửa morát (sửa bản in thử) là Tết Nguyên đán. Báo Tết ngày ấy tuy đơn sơ, nhưng vất vả vì công nghệ in typo (in bán cơ khí). Anh Thiếu Văn Sơn, thư ký Tòa soạn; Thanh Lãng phóng viên ảnh kiêm họa sỹ và tôi trong tổ làm báo Tết. Báo Tết cũng chỉ có 8 trang, in 3 màu nhưng rất phức tạp: phân xưởng sắp chữ xí nghiệp in phải dốc toàn lực để sắp và mi 24 trang in. Phân xưởng máy in cũng phải lên khuôn máy 24 lần.

 

Tổ làm báo Tết của Tòa soạn phải có mặt tại Xí nghiệp in suốt trong những ngày in báo Tết để xử lý chỗ thừa, chỗ thiếu, thay đổi chữ tít cho đẹp, duyệt màu, mang theo ảnh kẽm sẵn sàng thay thế khi bị trục trặc. Báo Tết là nhiều áp lực nhất, bên cạnh chất lượng phải hơn hẳn các số báo thường, còn chịu áp lực về ngày ra báo, vì ra muộn sẽ bị “ngập chìm” bởi các tờ báo, tạp chí ra trước. 

 

Từ đầu tối anh Sơn đã gọi tôi và Thanh Lãng cùng sang Xí nghiệp in. Đúng vào ngày đại hàn rét cóng, 3 anh em cùng với công nhân phân xưởng chữ, phân xưởng máy thức thâu đêm, mãi 5 giờ sáng bản in đầu tiên của tờ báo Tết mới hoàn thiện. Cả 3 anh em đều đói và rét, trở về tòa soạn nhưng đều vui, khi đi ngang qua cửa hàng ăn uống số II, anh Thiếu Văn Sơn, tuyên bố: Hôm nay hoàn thành việc làm báo Tết, tôi xin chiêu đãi mỗi người một bát phở. Đã 33 cái Tết rồi, thế mà cảm nhận mùi thơm nghi ngút của bát phở vẫn còn đọng lại. Cả 3 chúng tôi trong tổ làm báo Tết năm xưa nay đã về hưu, mỗi khi gặp lại đều nhớ về kỷ niệm những lần đầu làm báo số ra đặc biệt và báo Xuân.

Hoàng Duy

(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa