Thứ 2, 02/12/2024, 16:59[GMT+7]

Gương thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước Nguyễn Thị Hồng Mùi - Vì nhân dân quên mình, vì đồng đội hy sinh

Thứ 3, 21/02/2012 | 16:00:38
4,343 lượt xem
Lịch sử Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam, Lịch sử TNXP chống Mỹ cứu nước (CMCN) ngành đường sắt đã ghi đậm những sự kiện lịch sử trên các trọng điểm chiến đấu ác liệt, trong đó có chiến công của đại đội TNXP 895 đội 89 (Thái Bình) ngày 20/8/1966 tại Ga Gôi (Nam Định) mà nổi bật là gương lao động kiên cường, dũng cảm hy sinh vì đồng đội của Liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi – Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, C895.

Nhìn tấm Huân chương lao động do Bác Hồ truy tặng liệt sỹ Nguyễn Thị Hồng Mùi ngày 30/12/1966, càng thấy tự hào về tuổi trẻ trên mặt trận giao thông vận tải thời chống Mỹ.

 

Gần đây, báo QĐND đăng bài “Vụ nhiễm độc Ga Gôi – Câu chuyện bi tráng đang bị lãng quên” của Trần Hoàng Tiến và một loạt bài trên nhiều tờ báo khác đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho C895 và truy tặng danh hiệu AHLLVTND cho đồng chí Nguyễn Thị Hồng Mùi, có chế độ thỏa đáng đối với những TNXP bị nhiễm độc và con cái các đồng chí đó bị di tật. Tôi đã tìm lại sự kiện này và thấy đúng là chúng ta đã chậm. Chậm có phần trách nhiệm của Tỉnh đoàn Thái Bình và Hội Cựu TNCP Thái Bình. Chậm nhưng chưa muộn, chúng ta phải làm tiếp.

 

Chị Mùi sinh năm 1943 tại Làng Nhuệ, xã Chí Hòa (Hưng Hà) trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng quê hương và gia đình lại giàu truyền thống cách mạng từ những năm 1930 và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Các cụ thân sinh chị Mùi ??? tham gia đoàn thể cách mạng. Mùi là lao động chính của gia đình. Vào Đoàn năm 15 tuổi, năm 1963 là Bí thư chi đoàn, năm 1964 được kết nạp vào Đảng khi tròn tuổi 18, trưởng thành trong phong trào “Năm tấn thắng Mỹ”, phong trào “Ba sẵn sàng” của quê lúa Thái Bình. Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” do Trung ương đoàn phát động và nhất là khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, đánh phá Thái Bình, Mùi và cả chỉ đoàn của chị đã đăng ký “Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì Đảng viên và Đoàn giao cho”. Chị đã tham gia thành lập “Đội TNXPCMCN ở cơ sở” và là lớp thanh niên đầu tiên của Thái Bình gia nhập lực lượng TNXPCMCN tập trung được Trung ương Đoàn tổ chức (tháng 11/1965).

Năm 1965, Thái Bình thành lập 4 đội TNXP tập trung (87, 89, 93, 95) với 5000 thanh niên đi phục vụ ngành đường sắt. Đội 89 có 6 đại đội, Đại đội 895 huyện Duyên Hà (nay là huyện Hưng Hà) chia thành 10 tiểu đội. Chị Mùi là tiểu đội trưởng tiểu đội 3/C895.

 

Đội 89 đương giao nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng tuyến đường sắt Nam Định – Ninh Bình, sửa chữa đường tàu, khắc phục hậu quả khi bị địch đánh phá tuyến đường, trong đó có trọng điểm Ga Gôi và cung đường Trình Xuyên. C895 đứng chân trên địa bàn xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản. Từ đầu năm 1966 đến tháng 8/1966 địa bàn này đã phải đối phó mấy chục trận, hàng trăm lần máy bay Mỹ thả hàng trăm quả bom các loại, bắn hàng chục tên lửa, nhiều lần bom thả trúng đường sắt và kho tàng của ga gây thiệt hại nhiều về người và của. Đại đội 895 luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu với khẩu hiệu: “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm. Địch đánh ta sửa ta đi” bảo đảm thông đường thông tàu trong mọi tình huống.

 

Tiểu đội 3 C895 là tiểu đội mũi nhọn của đại đội. Mùi là cán bộ năng nổ, trách nhiệm cao, luôn chăm lo xây dựng tiểu đội thành tập thể vững mạnh sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm học tập cho đội viên; luôn là người chị gương mẫu. Trong đời sống hàng ngày coi trọng tình thương yêu đồng chí đồng đội: lúc nghỉ ngơi lại cùng “anh chị nuôi” lo cho tiểu đội cơm ngon canh ngọt; những chị em có khó khăn được chị động viên, giúp đỡ tận tình.

 

Chiến công xuất sắc nhất trong thời kỳ này của C895 và của Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi là trận cứu tàu, cứu hàng, cứu người tại Ga Gôi (Nam Định) ngày 20/8/1966. Hôm ấy, khoảng 4 giờ chiều, tại Ga Gôi một tàu quân sự vừa tập kết xong mấy trăm tấn hàng (chủ yếu là lương thực, vũ khí đạn dược, hóa chất) chuẩn bị vượt trọng điểm cầu Nình Bình vào tuyến Thanh Hóa – Vinh tiếp tế cho chiến trường thì bất ngờ nhiều tốp máy bay Mỹ ập tới bắn tên lửa, thả hàng chục quả bom vào ga và đường sắt. Tàu bị trúng bom. Một số toa bốc cháy, hàng hóa vỡ tung tóe.

 

Theo nhiệm vụ đã phân công trước, lực lượng TNXP C895 do đại đội trưởng Lê Nguyên Nhung chỉ huy đóng quân tại thôn Phú Thứ nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, tập trung lực lượng cứu tàu, cứu hàng, nhanh chóng bốc dỡ hết hàng hóa ra khỏi lưới lửa tử thần. Người xách nước, gánh nước cùng với đội cứu hỏa dập lửa, chia cắt đám cháy, ngăn chặn không để cháy lan sang các toa tàu khác; kẻ bốc người vác, kẻ khiêng người gánh... Những chàng trai, cô gái 17, 18 tuổi thấp bé nhẹ cân mà vác những bao gạo 50, 60kg, những hòm vũ khí đạn dược 70, 80 kg chạy băng băng hết chuyến này đến chuyến khác... Sau 1 giờ, dập tắt ngọn lửa và phần lớn hàng hóa được chuyển ra khu vực an toàn. Đến toa cuối cùng gần đầu máy, những thùng hóa chất phát nổ, bốc lửa cột khói xanh lam ùn lên. Khói bom đạn, lửa cháy vốn ngột ngạt, thêm khói lửa cháy từ các thùng hóa chất mù mịt, trùm cả toa tàu... Toàn bộ lực lượng TNXP C895, công nhân đường sắt khu vực Trình Xuyên, thanh niên dân quân địa phương dồn cả vào đó, nhanh chóng dập lửa và đưa những thùng hàng còn chưa bị vỡ ra ngoài. Ngọn lửa nhanh chóng được không chế, nhưng không khí cả khu vực rộng lớn như loãng ra, mùi hóa chất nồng nặc. Những người vào sâu, tiếp cận với hóa chất ngạt thở, mặt mày tái nhợt, nôn mửa, có người ngã khuỵu xuống... Người này ngã, người khác xông lên, vừa dập lửa, vừa cứu người, cứu hàng. Số người bị nhiễm độc tăng lên chóng mặt, nằm ngồi la liệt trên sân ga.

 

Nguyễn Thị Hồng Mùi ngay từ những phút đầu tiên đã lao ra trận địa, điểm mặt cả tiểu đội. Chị đã vào khu vực nóng bỏng, khu vực nguy hiểm, kéo ra, dìu ra, rồi cõng ra nhiều đồng đội, không kể người của đơn vị nào. Như một cán bộ y tế thực thụ, chị vừa làm, vừa hướng dẫn mọi người làm hô hấp nhân tạo, hà hơi tiếp sức và chị đã không ngần ngại hút cả đờm rãi cho đồng đội. Rồi chị lại lao vào sâu hơn. Chị kêu gọi “Tim mình có thể ngừng đập nhưng không thể không xông vào cứu đồng đội”. Chị Nguyễn Thị Lan, Phạm Thị Ngần, Nguyễn Thị Kiều (C895) kể lại: Tình đồng đội, đồng chí lúc này được nhân lên, chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã phát huy cao độ. Như con thoi, ra vào nhiều lần, chị Mùi đã cứu được 20 đồng đội, trong đó có chị Kiều. Thấy còn mấy người cuối cùng nằm gần toa chở hóa chất, chị lạo vào cõng bạn. Nhưng đã quá mệt, “lực bất tòng tâm”, chị đã kiệt sức và ngã xuống khi trên lưng còn cõng một đồng đội to lớn hơn mình. Đồng đội đã đưa chị và những người còn lại ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng chị đã hy sinh. Sau đó có sự tiếp sức của bộ đội binh chủng hóa học mới đưa được hết các thùng hóa chất còn lại ra khỏi toa tàu và đường tàu được thông suốt.

 

Trận Mỹ đánh phá Ga Gôi ngày 20/8/1966 thật ác liệt. Việc cứu hàng, cứu người là một chiến công của C895 TNXP Thái Bình. Tuy nhiên, vụ nhiễm độc hóa chất do hậu quả của bom đạn Mỹ là một tổn thất nặng nề: 23 người chết, 256 người bị thương, bị nhiễm chất độc. Di chứng của vụ nhiễm chất độc còn kéo dài nhiều năm cho đến hôm nay và nhiều năm sau.

 

Ngày 18/5/2010, Báo QĐND đăng bài “Vụ nhiễm độc Ga Gôi – Câu chuyện bi tráng đang bị lãng quên”. Một số cơ quan đã vào cuộc, nhiều tờ báo đã viết “Tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh anh dũng của TNXP C895 Thái Bình thật đáng trân trọng, xứng đáng được suy tôn Anh hùng LLVTND”. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Mùi, đảng viên Tiểu đội trưởng tiểu đội 3 C895 là một tấm gương cao cả “Vì nhân dân quên mình, vì đồng đội hy sinh”. Chị đã yên nghỉ tại Nghĩa trang xã Tam Thanh huyện Vụ Bản, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Lao động hạng III năm 1966, chị xứng đáng được tôn vinh Anh hùng LLVTND. Tại Ga Gôi, Đoàn TNCS HCM ngành đường sắt xây dựng Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ngày 20/8/1966.

 

Nguyễn Thị Hồng Mùi sống mãi trong lòng Thế hệ trẻ Việt Namon>.

Xin nghiêng mình trước linh hồn chị

Một Thiên thần Liệt sĩ tuổi hai mươi

Trong tâm linh, chị vẫn mỉm cười

Sống và chết như một người cộng sản

Tình yêu bao la, niềm thương vô hạn

Mãi mãi, sáng ngời Tuổi trẻ Việt Namon>

Bất khuất – Anh hùng – Truyền thống 

vẻ vang

Bông hoa đẹp trong rừng hoa bất tử

 

  Phạm Tầm

(Nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình)

 

  • Từ khóa