Thứ 5, 02/05/2024, 16:12[GMT+7]

Văn hóa – Thể thao & Du lịch Thái Bình Một năm nhìn lại

Thứ 5, 29/03/2012 | 07:55:54
2,060 lượt xem
Lâu lắm rồi tôi lại có dịp dự hội nghị đánh giá công tác văn hóa, thể thao và du lịch... Mới hay, ở cái lĩnh vực không làm ra tiền, ra của này cũng có nhiều việc để làm, nhiều chuyện để nói.

Ảnh Ngọc Linh

Tưởng như biến động chính trị thế giới, suy thoái kinh tế, lạm phát và cả mất mùa do thiên tai, dịch bệnh... là chuyện ở tận đâu ấy.

Vậy mà nó cũng tác động không nhỏ đến các hoạt động văn hóa – thể thao và du lịch. Nhưng kinh nghiệm “tiếng hát át tiếng bom” của một thời chiến tranh khói lửa lại vẫn hữu ích đến bây giờ. Càng khó khăn thử thách thì càng cần phải xây dựng niềm tin. Và niềm tin ấy không ở đâu khác chính là qua hoạt động văn hóa, thể thao: Thông qua hội diễn, hướng về cội nguồn tổ tiên để nâng cao trách nhiệm với lịch sử, với cha ông mà hướng tới tương lai.

Khép lại năm 2011, năm được đánh giá là tiếp tục có nhiều khó khăn; GDP chưa đạt kế hoạch và 4/14 chỉ tiêu không hoàn thành mục tiêu đề ra. Với ngành thể thao, văn hóa và du lịch vẫn là năm “đi ra từ khó khăn”. Tuy nhiên, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp vẫn “sáng ánh đèn, rộn ràng tiếng phách”, với 350 buổi biểu diễn, phục vụ 320 nghìn lượt khán giả.

Cùng với nguồn ngân sách nhà nước, các đoàn đã vận dụng phương châm: xã hội hóa, để có thêm nhiều vở mới, nhiều xuất diễn hay như: Nhà hát chèo dựng vở mới: “Doanh điền Sứ Nguyễn Công Trứ”, phục vụ cho chương trình khánh thành nhà lưu niệm Doanh điền Sứ Nguyễn Công Trứ; dựng vở mới: Đất làng, tham dự liên hoan sân khấu chèo về đề tài hiện đại năm 2011, giành Huy chương vàng; cá nhân đạt 3 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc. Đoàn cải lương dàn dựng và công diễn vở: “Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo” được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1. Đoàn ca múa kịch dàn dựng chương trình với chủ đề: “Cuộc hội ngộ của những dòng sông”, tham gia liên hoan nghệ thuật ba nước Lào – Việt Nam – Campuchia, tại Quảng Trị đạt 2 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc. Dựng chương trình phục vụ Lễ kỷ niệm 45 năm Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ 5.

Điểm nhấn quan trọng của năm 2011 của ngành văn hóa – thể thao là yêu cầu tuyên truyền cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Một khối lượng công việc khổng lồ đã được triển khai thực hiện: kẻ vẽ 23450 băng zôn, khẩu hiệu tường; 507 cụm tranh cổ động; 208 cổng chào, 3.383 panô, áp phích; phát hành 827 băng, đĩa tuyên truyền; cấp phát 2.178 tài liệu tuyên truyền bầu cử; tổ chức trên 440 buổi xe thông tin lưu động; 20 cuộc triển lãm...

Là địa phương giàu truyền thống văn hiến, nên công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được đặc biệt quan tâm: Sở tiếp tục triển khai dự án trùng tu, tôn tạo di tích lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ (xã Liên Hiệp), đền Mẫu (xã Tiến Đức), đền Thượng, chùa Hộ (Song Lãng)... Triển khai kế hoạch lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể ở Thái Bình... Khảo sát hai địa điểm khảo cổ học ở Tân Lễ và Tiến Đức (Hưng Hà). Nghiên cứu khảo sát chỉnh lý trưng bày nội thất Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Tân Hòa, khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh (Diêm Điền), Nguyễn Văn Năng (Đông Phong – Đông Hưng) – lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận 13 di tích cấp Quốc gia, UBND tỉnh công nhận 23 di tích cấp tỉnh.

 

Ảnh: Thành Tâm

Hoạt động của hệ thống thư viện trong cơ chế thị trường và thời đại bùng nổ thông tin, khi mà văn hóa đọc đang dần bị mai một... thì vẫn được đánh giá là duy trì ổn định, nâng cao hiệu quả phục vụ bạn đọc, nhu cầu tìm kiếm thông tin về sách, báo. Năm 2011, Thư viện tỉnh tổ chức 7 cuộc trưng bày, triển lãm sách; thư viện cấp huyện tổ chức 53 cuộc. Số sách được bổ sung từ các nguồn tới 12.445 bản, đặt 200 loại báo, tạp chí, cấp mới 2.555 thẻ bạn đọc (tăng 21%). Các mô hình thư viện tư nhân ở Quỳnh Phụ, Hưng Hà đang phát huy hiệu quả.

Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tổ chức 781 buổi chiếu phục vụ gần 129 nghìn lượt khán giả. Nhà triển lãm thông tin tổ chức 20 cuộc triển lãm, có 4 cuộc triển lãm tại chỗ, quy mô lớn; 16 cuộc triển lãm lưu động. Trung tâm VHTT 8 huyện, thành phố đã chủ động xây dựng chương trình và duy trì thường xuyên hoạt động đội tuyên truyền lưu động. Mở các lớp tập huấn kỹ thuật biểu diễn, lớp học hát chèo, kẻ, vẽ thông tin... Phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh cả bề rộng và chiều sâu.

Các địa phương đã triển khai việc đăng ký xây dựng gia đình, đơn vị văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Kết quả, toàn tỉnh có 78,2% gia đình văn hóa; 225 thôn, làng; 229 tổ dân phố; 235 cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa. Thành phố Thái Bình và huyện Quỳnh Phụ có số lượng gia đình đạt chuẩn văn hóa cao: 86%. Các huyện: Vũ Thư, Tiền Hải... có số lượng thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa cao hơn hẳn so với các huyện khác. Tình cảm cộng đồng gia đình, làng, nước ngày một thêm gắn bó; các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng. Sở đã tặng thưởng hiện vật tài trợ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho 26 thôn, làng, tổ dân phố tiêu biểu năm 2011. Xã Tây Giang (Tiền Hải) được đề nghị UBND tỉnh khen thưởng. Huyện Quỳnh Phụ được suy tôn là đơn vị dẫn đầu khối huyện, thành phố.

Trên lĩnh vực thể thao được ghi nhận trên hai “mảng”: phong trào quần chúng và thể thao thành tích cao. Năm 2011 có 13 giải thi đấu thể thao quần chúng cấp tỉnh; 145 giải cấp huyện và gần 1.400 giải cấp xã; 17,4% số gia đình thể thao. Trường năng khiếu TDTT duy trì chỉ tiêu đào tạo 210 học sinh, tổ chức 11 lớp năng khiếu tại cơ sở. Trung tâm huấn luyện TDTT tập huấn và tham dự 37 giải quốc gia và khu vực, đạt 159 huy chương, trong đó: 38 HCV, 45 HCB, 76 HCĐ.

Đặc biệt là hai HCV quốc tế giải vô địch đua thuyền Đông Nam Á và 2 HCV, 1 HCĐ môn Rôwing tại Seagame 26 của Phạm Thị Thảo và Phạm Thị Hiên. Ở lĩnh vực du lịch, có thể thấy rằng: tiềm năng du lịch ở Thái Bình là khá phong phú, đa dạng bao gồm: Du lịch sinh thái: Cồn Vành, Bách Thuận; du lịch tâm linh truyền thống, di tích lịch sử... Nhưng, vẫn chưa được đánh thức có hiệu quả. Nỗ lực của ngành trong việc đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch là rất ghi nhận. Năm 2011 có 550.000 lượt khách vào du lịch, tăng 19,5%, trong đó có 6000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu ước đạt 121 tỷ đồng. Rõ ràng, là công nghiệp không ống khói này cần tiếp tục được đầu tư thích đáng, để có thể khai thác tốt hơn lợi thế tiềm năng.

Bên lề hội nghị, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với các đồng chí lãnh đạo ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch. Trong ý kiến phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh đã thể hiện rõ quan điểm, chính kiến về nhiệm vụ giải pháp của công tác văn hóa – thể thao và du lịch năm 2012. Chúng tôi cũng chia sẻ với ngành về những khó khăn, thách thức từ yếu tố khách quan và cả chủ quan. Trong đó mục tiêu đặt ra là rất lớn và giải pháp đề ra cũng khá quyết liệt. Khi đời sống kinh tế của người dân đang phát triển nhanh chóng, đòi hỏi các hoạt động văn hóa phải có sự chuyển động kịp thời. Dân tộc nào tụt hậu về văn hóa là điều đáng sợ hơn rất nhiều so với tụt hậu kinh tế. Khủng hoảng, lạm phát, dịch bệnh, thiên tai... có thể khắc phục nhanh... nhưng đời sống văn hóa, tư duy văn hóa... tụt hậu thì có khi phải trả giá nhiều năm, nhiều thế hệ. Bởi vậy, “gánh nặng” văn hóa không nhẹ chút nào trong thời buổi thị trường hiện nay.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa