Thứ 5, 02/05/2024, 19:07[GMT+7]

Đôi nét về di tích Đền Hùng

Thứ 5, 29/03/2012 | 10:15:54
3,942 lượt xem
Từ lâu, giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành ngày Giỗ trọng đại của cả nước, in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ tổ, đều hướng về vùng đất cội nguồn; xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng gồm có đền Hạ và Chúa; đền Giếng, đền Trung, đền Thượng và lăng Vua Hùng.

 

* Đền Hạ: Tương truyền, đền Hạ là nơi bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Đền Hạ được xây dựng lại trên nền đất cũ vào thế kỷ XVII – XVIII, do nhân dân các xã quanh Đền Hùng cung đức, xây dựng theo kiểu chữ  “Nhị”, gồm hai toà tiền bái và hậu cung, mỗi toà 3 gian, cách nhau 1,5m

 

* Đền Trung: Đền Trung có tên là Hùng Vương Tổ miếu (Miếu thờ Vua Hùng). Tương truyền, đây là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc Hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây, Vua Hùng thứ 4 đã nhường ngôi cho Lang Liêu, người con hiếu thảo, vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày (theo truyền thuyết)

 

Đền được xây theo kiểu nhữ “Nhất”, có 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m, không có kèo, cầu quá giang gối vào tường, phía trước mở 3 cửa.

 

* Đền Thượng: Đền Thượng là nơi các Vua Hùng làm lễ tế trời đất, thần núi và thần lúa. Tục truyền đây là nơi Vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc, bay về trời, Vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi; Về sau, nhân dân đặt thêm bài vị Vua Hùng vào thờ cúng.

 

Bên  phía tay trái, đền có một cột đá thề, tương truyền do Tục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói, trông nom miếu Vũ họ Vương. Cột đá cao 1,3m, rộng 0,3.

 

* Lăng Vua Hùng: Tương truyền đây là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thuỷ, mặt quay theo hướng đông nam. Xưa là mộ đất thờ Tự Đức năm thứ 27 (1870) cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định, tháng 7/1922, đã cho trùng tu lại. Trong lăng có mộ Vua Hùng; mộ xây hình hộp chữ nhật, dài 1,3m, rộng 1,8m; cao 1m. Mộ có mái mui luyện. Phía trong lăng có bia đá ghi: biểu chính (lăng chính). Phía trên ba mặt lăng đều có ghi: Hùng Vương lăng (Lăng Hùng Vương).

 

* Đền Giếng: Trong đền có giếng Ngọc, bốn mùa đầy nước, trong vắt, soi gương được. Đền thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung là con gái yêu của Vua Hùng thứ 18, thường hay chải tóc và soi gương ở giếng này.

 

Cổng Đền Giếng được xây vào thế kỷ XVIII, kiểu dáng gần giống  cổng chính nhưng nhỏ và thấp hơn. Cổng xây theo kiến trúc 2 tầng 8 mái. Tầng dưới, giữa có cửa xây kiểu vòm, hai bên có hai cột trụ trên lắp nghê chầu. Tầng trên giữa cổng có bức đại tự đề: “Trung Sơn tiểu thất” (ngôi miểu nhỏ trong núi). Hai bên có câu đối và tượng hai võ sỹ. Mặt sau cổng đắp hổ, mỗi con một bên.

Nguyễn Khúc (st)

(Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)

 

  • Từ khóa