Thứ 5, 02/05/2024, 10:54[GMT+7]

Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 2012) Thái Bình - những ngày tháng 4 năm 1975

Thứ 4, 25/04/2012 | 09:08:23
4,321 lượt xem
Quay đi, ngoảnh lại như mới hôm nào thế mà đã đến kỷ niệm lần thứ 37 ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2012). Lại nhớ những ngày tháng 4/1975, Thái Bình tỉnh lúa và các tỉnh hậu phương miền Bắc sôi sục hàng ngày, hàng giờ chờ tin chiến thắng ở khắp các mặt trận dội về.

Tháng 4 năm ấy từ Thị xã Thái Bình đến các vùng trong tỉnh; từ những người nông dân một nắng, hai sương với ruộng đồng đến những công nhân ở công trường, nhà máy, từ người già đến người trẻ đều hướng về tiền tuyến, mong được đóng góp sức lực để cùng với đồng bào miền Nam ruột thịt, với các chiến sĩ ngoài mặt trận “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” như lời Hồ Chủ tịch căn dặn trước lúc Người “đi xa”. Tại HTX Vũ Thắng (Kiến Xương) lá cờ thâm canh điển hình của cả nước, tháng 4/1975 vào vụ lúa xuân, khắp các cánh đồng cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, bà con xã viên thi đua lao động sản xuất quyết tâm giành năng suất 4 đến 5 tấn/ha. Nhiều hợp tác xã vùng sâu, vùng xa như Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ), Đông Trà (Tiền Hải), Vũ Đông (Vũ Thư)... đâu đâu cũng vang lên khẩu hiệu: “Thêm một cân thóc vàng là góp phần với tiền tuyến thắng Mỹ”. Tại các nhà máy, xí nghiệp như: Nhà máy cơ khí Thái Bình, Nhà máy Đường – Rượu – Giấy Hưng Nhân, Xí nghiệp gạch vôi Tiền Phong, Xí nghiệp gỗ Độc Lập, phong trào công nhân làm giờ, tăng ca “Vì miền Nam ruột thịt” diễn ra sôi động từ đầu tháng tư.

 

Những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào “Namon> thanh niên ba sẵn sàng; phụ nữ ba đảm nhiệm” trở thành cao trào. Toàn tỉnh tiễn đưa hàng vạn trai tài, gái giỏi tình nguyện nhập ngũ, tình nguyện đi thanh niên xung phong, đi dân công hỏa tuyến để chi viện kịp thời cho các chiến trường. Nhiều cuộc chia tay không còn cảnh bịn rịn như những năm nào. Người đi, kẻ ở hẹn ngày chiến thắng trở về; hẹn “gặp nhau giữa Sài Gòn”.

 

Cũng khác hẳn với thời gian trước đó, công tác tuyên truyền, cổ động tăng lên gấp bội. Tại Thị xã Thái Bình, ngay đầu tháng 4/1975 đã hình thành hàng chục cụm, điểm thông tin, tuyên truyền. Đông người tham dự nhất là các điểm tại cửa rạp, chiếu bóng Thống Nhất, vườn hoa thị xã, cửa rạp Vĩnh Trà, trước cửa Bưu điện tỉnh (nay là Quảng trường 14/10... Tại đó đã treo nhiều băng rôn đỏ, chữ vàng “Tin chiến thắng ở các mặt trận”; “Mỗi người làm việc bằng hai để góp phần thắng Mỹ”, treo một cụm loa công suất lớn và một bản đồ chiến sự với nhiều mũi tên đỏ biểu thị hướng tiến quân của các binh đoàn chủ lực. Mỗi cụm điểm tuy chỉ có một thuyết minh viên, nhưng lúc nào cũng có tới hàng trăm, có khi tới hàng ngàn người trật tự theo dõi. Nhiều khi cả một rừng người vỗ tay hân hoan chào tin thắng trận của bộ đội giải phóng.

 

Tại các huyện, mỗi nơi hình thành 3 – 4 cụm tuyên truyền nhưng lúc nào cũng đông nghịt người dõi theo thước thuyết minh trên bản đồ của hướng dẫn viên, Ngày ấy phương tiện báo chí chỉ có 2 loại hình, báo viết và đài phát thanh; báo Nhân dân, báo QĐND, báo Thái Bình không đủ phát hành, bạn đọc truyền tay người nọ sang người kia để biết được miền Nam đã giải phóng đến đâu... Toàn dân thấy lòng mình phơi phới, thấy chiến thắng ở chiến trường, mình cũng đã góp phần công sức. Ngày ấy ai cũng đọc báo, nghe đài để biết tin chiến sự, nhưng ai cũng muốn kể lại cho người khác để mong được chia sẻ niềm vui, hạnh phúc.

 

Sáng 40/4/1975, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Namon> đưa tin (và các cụm điểm thông tin, tuyên truyền đánh dấu vào bản đồ chiến sự), đêm ngày 29/4, rạng sáng ngày 30/4, quân giải phóng tiếp tục tấn công dữ dội vào phòng tuyến Xuân Lộc tiêu hao nhiều sinh lực địch. Một vài điểm đã bị quân giải phóng xuyên thủng. Thính giả khắp nơi trong tỉnh dồn về các cụm điểm thông tin ngày càng đông càng náo nức hơn. Mọi người cảm nhận “Giờ cáo chung của chế độ ngụy quyền Sài Gòn đã đến gần”.

 

Tại Báo Thái Bình, sáng 30/4/1975, khác hẳn với những ngày bình thường. Ngay từ sáng sớm theo lệnh của Ban Biên tập, từng nhóm phóng viên tỏa về khắp mọi nơi trong tỉnh để đưa tin, viết bài, chụp ảnh... chuẩn bị cho số báo đặc biệt “Việt Nam toàn thắng”; “Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng”. Hồng Trường và tôi được cử sang Namon> Định để làm ảnh kẽm in cho số báo màu. Công việc gấp, phải đi nhanh, về nhanh, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, vừa bước chân lên phà Tân Đệ về Thái Bình, thì đâu đó ồn lên báo tin Quân giải phóng đã đánh chiếm và kéo cờ Mặt trận lên nóc dinh Độc lập và chiếm được Bộ tổng tham mưu ngụy quân Sài Gòn”; “Sài Gòn, Chợ Lớn đã thuộc về chính quyền cách mạng”. Chẳng ai bảo ai, mọi người từ trên bờ xuống đến phà vỗ tay reo hò vang dội. Chẳng quen biết, chẳng phân biệt già trẻ, giới tính người nọ ôm chầm lấy người kia tươi cười mà dòng lệ ngấn dài, vì “Niềm vui, vui đến bất ngờ”, “Niềm vui như đi trong mơ”. Từ Thị trấn Vũ Thư đến Thị xã Thái Bình, hai bên đường cờ đỏ sao vàng như ngợp trời; tiếng loa, tiếng trống, tiếng chuông vang lên rộn ràng hòa vào niềm vui chiến thắng.

 

Chiều 30/4, tôi tranh thủ về thăm nhà. Cha đẻ tôi cũng đã kéo cờ Tổ quốc trước cửa nhà. Mẹ tôi trong niềm vui chung đứng ngồi không yên, bà ra ngõ, rồi lại trở vào nhà. Bà chờ tin em út tôi chiến đấu ở miền Namon>. Nỗi lòng của mẹ tôi và bao bà mẹ có con đi chiến trường vào giờ phút thiêng liêng nhất của Tổ quốc thật dễ hiểu.

Hoàng Duy

(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa