Thứ 5, 02/05/2024, 10:31[GMT+7]

Thái Bình Góp phần cùng Điện Biên chiến thắng thực dân Pháp

Thứ 6, 04/05/2012 | 17:14:19
2,022 lượt xem
Ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu bước phát triển mới trong cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới, vì hoà bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong niềm vui chung ấy, Thái Bình rất tự hào đã kề vai sát cánh, đóng góp sức người, sức của, chia lửa cùng Điện Biên Phủ, tổ chức đánh địch giải phóng quê hương.

Dấu tích khối thuốc nổ 960 kg của quân đội Việt Nam đánh vào đồi A1. Ảnh: Minh Đức

Thái Bình đã chủ động tạo ra chiến trường tác chiến nhằm phân tán lực lượng của đối phương, kéo giãn lực lượng địch để buộc địch phải căng kéo lực lượng, rải quân chi viện, làm mỏng đội hình địch, không cho chúng tập trung ở một điểm, để thực hiện theo kế hoạch định trước. Bằng các hình thức chiến thuật như: tấn công, tập kích, phục kích, đánh cắt giao thông, quân sự với chính trị và binh vận..., Thái Bình đã thực sự chia lửa cùng Điện Biên trong những ngày tháng lịch sử ấy. Thất bại càng đau ở Điện Biên Phủ, địch càng ra sức càn quét bắt lính ở vùng đồng bằng.

 

Để chống lại âm mưu thủ đoạn của địch, tháng 4/1954 toàn tỉnh đã tổ chức 116 hội nghị “Thanh niên chống bắt lính” với 16.000 thanh niên tham dự, được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Nhiều nơi đã tích cực đấu tranh chống bắt lính. Tại An Tập - Tống Vũ (Vũ Tiên), nhân dân đã chặn đầu xe chở thanh niên để đấu tranh với địch, gây bạo loạn tạo điều kiện thời cơ cho thanh niên trốn đi lính cho Pháp.

 

Ngày 7/5, tin tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta tiêu diệt đã làm nức lòng quân dân Thái Bình. Phát huy chiến thắng Điện Biên, Thái Bình đã đẩy mạnh mọi hoạt động vây hãm các đồn địch. Trước tình thế không thể trụ vững, trong tháng 5 năm 1954 hàng loạt địch ở các đồn cùng rút chạy .Quân và dân Thái Bình ngoài nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động đánh địch trong tỉnh còn chủ động chi viện cho các tỉnh bạn đánh địch cơ động bằng đường thuỷ trên sông Luộc, phối hợp tập kích một Tiểu đoàn không quân địch ở Đông Tạ - Vĩnh Bảo - Kiến An - Hải Phòng. Đại đội 5 (Tiền Hải) và du kích một số xã trong 2 tháng (4 và 5) đã cơ động chi viện cùng bộ đội chủ lực đánh 3 đồn địch ở địa phận tỉnh lỵ Hưng Yên.

 

Với khí thế chiến thắng Điện Biên Phủ, Thái Bình đánh cho địch phải rút chạy, giải phóng quê hương, đóng góp một phần thắng lợi trong đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Giơnevơ. Sau thắng lợi của ta ở Điện Biên Phủ và bước đầu ở Hội nghị Giơnevơ, trong hàng ngũ địch xuất hiện tư tưởng dao động chia rẽ nội bộ... Phong trào đấu tranh binh vận ngày một phát triển mạnh, các tầng lớp nhân dân tích cực đấu tranh chính trị kết hợp tiến hành công tác địch vận chống địch ngày càng mạnh mẽ.

 

Tỉnh uỷ quyết định tổ chức phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn trên phạm vi toàn tỉnh với khẩu hiệu “Yêu cầu Chính phủ Pháp phải thành thật thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh”, “Trả chồng, con chúng tôi”, “Phản đối việc bắt thanh niên, phụ nữ đi nguỵ binh làm bia đỡ đạn”. Phương châm là đấu tranh mạnh mẽ nhưng phải bảo vệ được cơ sở, huy động được đông đảo quần chúng tham gia hỗ trợ. Song song với phong trào đấu tranh chính trị, cùng thời gian ấy, lực lượng vũ trang Thái Bình hoạt động mạnh trên quốc lộ 10, đặc biệt là đoạn từ cầu Vật tới Thị xã nhằm phá hệ thống chiếm đóng của địch, mở thông khu căn cứ du kích Nam Bắc của tỉnh, nắm thời cơ tiêu diệt địch và đấu tranh đòi hoà bình, đòi chồng con, đòi bồi thường tính mạng, đòi giảm thuế, cấp lương thực cho người nghèo...buộc địch phải thoả hiệp và xem xét giải quyết theo yêu cầu của nhân dân.

 

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Bình đã đánh 5.930 trận lớn nhỏ, tiêu diệt, bắt hàng 200 lượt đồn bốt giặc, phá hơn 850 bộ máy nguỵ quyền từ tỉnh đến xã, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 3 vạn tên. Cùng với quân sự, quân dân Thái Bình còn đánh địch trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, binh địch vận... Mặt khác, kháng chiến luôn gắn liền với kiến quốc, quân dân Thái Bình không ngừng xây dựng củng cố khu du kích, căn cứ du kích; tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm để tự lực tự cường đánh địch lâu dài, góp phần cho kháng chiến thắng lợi.

 

Từ năm 1951 đến năm 1954, Thái Bình đã huy động đóng góp cho chiến trường các khoản quy ra thóc trên 63.600 tấn. Trong 9 năm (1945 – 1954) Thái Bình đã huy động trên 18 triệu ngày công phục vụ kháng chiến (trong đó 8 triệu ngày công kháng chiến), động viên thanh niên tòng quân 27.087 người. Con em Thái Bình anh dũng hy sinh trên các chiến trường 9.922 người, bị thương 2.538 người. Ghi nhận thành tích kháng chiến chống Pháp của quân dân Thái Bình, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã tặng thưởng cờ “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”, 127 Huân chương các loại. Làng Nguyên Xá huyện Đông Hưng được Bác Hồ tặng cờ “Nguyên Xá làng kiểu mẫu”. Đồng chí Nguyễn Thị Chiên người nữ du kích đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.

 

Chúng ta vui mừng phấn khởi, tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Namon>, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Đảng bộ, nhân dân và LLVT Thái Bình. Ngày nay, cuộc cách mạng của nhân dân ta đã bước sang giai đoạn mới, song những kinh nghiệm và thành tựu trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước là những nhân tố tinh thần mạnh mẽ, là bài học kinh nghiệm quý báu, giúp Thái Bình vững vàng phát huy trên con đường đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đại tá: Bùi Trung Chuyển

Chính ủy Bộ CHQS tỉnh

 

  • Từ khóa