Thứ 5, 02/05/2024, 12:53[GMT+7]

Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày đầu độc lập

Thứ 6, 18/05/2012 | 08:22:51
3,102 lượt xem
Nhớ về những ngày đầu độc lập, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết rằng, đó là những năm tháng "không thể nào quên". Không thể nào quên, bởi đây là thời kỳ lịch sử vô cùng sôi động và phong phú, mỗi ngày, mỗi giờ đã diễn ra biết bao sự kiện trọng đại có quan hệ đến sự tồn vong của quốc gia, dân tộc.

Nhân dân Hà Nội mít-tinh tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) trong tuần lễ cứu đói, tháng 11-1945. Ảnh tư liệu

Và chính ở thời điểm lịch sử cực kỳ sôi động ấy, thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được bộc lộ đầy đủ, giúp cho "chúng ta có thể thấy được một hình ảnh khá trọn vẹn của Bác Hồ... Nhà chiến lược vĩ đại đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua biết bao bão táp phong ba, đi đến những bến bờ thắng lợi"(1)...

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra cho dân tộc ta một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, ngay trong những ngày đầu độc lập ấy, Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Ðông-Nam Á vừa được thành lập đã phải tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt cho sự tồn tại của mình. Những khó khăn to lớn, chồng chất lại một lần nữa thử thách nhân dân ta. Nền tài chính đất nước kiệt quệ, ngân khố quốc gia trống rỗng, chỉ còn hơn một triệu đồng, phần nhiều là tiền lẻ, cũ nát. Ngập lụt xảy ra ở nhiều nơi, nạn đói khủng khiếp vẫn còn đang là mối đe dọa. Trình độ văn hóa rất thấp kém, đại đa số nhân dân không biết chữ. Lực lượng vũ trang mới được xây dựng, còn rất nhỏ bé. Bộ máy quản lý nhà nước đang thiếu đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm. Nước ta giành được độc lập nhưng chưa có quốc gia nào trên thế giới thừa nhận. Ðất nước trong tình thế nghìn cân treo sợi tóc...

Giữa bộn bề những công việc cấp bách ấy, Người đã sáng suốt lựa chọn những vấn đề cấp bách nhất mà Chính phủ phải tập trung giải quyết đưa đất nước từng bước vượt qua tình thế khó khăn. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc này và đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết kịp thời, có hiệu quả những nhiệm vụ cấp bách ấy.

Trong thời kỳ đặc biệt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi "chống đói cũng như chống ngoại xâm". Người đề nghị với Chính phủ phát động ngay một chiến dịch tăng gia sản xuất và mở cuộc lạc quyên cứu đói. Cùng với việc khẩn thiết kêu gọi "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!..."(2), bằng những lời lẽ thiết tha, xúc động, Người viết thư động viên đồng bào cả nước nêu cao tinh thần "xẻ cơm nhường áo" để cứu dân nghèo: "Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Ðem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo"(3)... Và, tại buổi khai mạc lạc quyên tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Người đã gương mẫu đem phần gạo nhịn ăn của mình lạc quyên trước tiên...

Hiểu hơn ai hết, "dốt" cũng là một thứ "giặc", "muốn làm cho dân mạnh nước giàu", mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ mở một chiến dịch chống nạn thất học. Cùng với việc ra hàng loạt các sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, Hội đồng Cố vấn học chính để giúp Chính phủ soạn thảo chương trình giáo dục mới của đất nước, Người đã ký sắc lệnh bắt buộc mọi người phải học chữ Quốc ngữ và hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên tám tuổi đều phải biết đọc và biết viết.

Ðể mang lại những quyền lợi thiết thực cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã ký một loạt sắc lệnh bãi bỏ chế độ thuế khóa bất công của thực dân Pháp, như: thuế thân, thuế chợ, thuế đò, đồng thời ban hành Luật Lao động, bảo vệ quyền lợi cho công nhân; quy định giảm tô 25% cho nông dân; chia ruộng của bọn thực dân và ruộng công cho nông dân, ban bố sắc lệnh tự do tín ngưỡng. Các cuộc vận động xây đời sống mới, gây Quỹ Ðộc lập và phát động Tuần lễ vàng ủng hộ Chính phủ cũng được Người cho khẩn trương tiến hành...

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và học tập tấm gương mẫu mực của Người, đồng bào cả nước đã sôi nổi thi đua tăng gia sản xuất, thực hiện "tấc đất, tấc vàng", "không một tấc đất bỏ hoang". Một phong trào tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách với các hình thức phong phú như "Hũ gạo cứu đói", "Ngày đồng tâm nhịn ăn", v.v. được tổ chức trên khắp phố xá, làng quê. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng vạn tấn gạo đã được quyên góp, góp phần quan trọng vào việc từng bước đẩy lùi giặc đói. Phong trào chống nạn thất học cũng nhanh chóng trở thành phong trào quần chúng rộng lớn trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Cùng với việc tiến hành khẩn trương các công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Ðộc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo, xây dựng hệ thống chính quyền các cấp thật sự trở thành "công bộc của dân". Trong nhiều bức thư, bài báo, cuộc nói chuyện, Người luôn chỉ rõ: "Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì... các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta". Người đã nghiêm khắc phê phán những "lỗi lầm rất nặng nề" mà nhiều cán bộ phạm phải như làm việc trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo... đã khiến dân oán thán kêu ca, làm mất lòng tin cậy của dân, làm hại đến uy tín của Chính phủ. Người thẳng thắn cảnh tỉnh: "Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung" (4). Ðể mở rộng dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố lịch tiếp dân để có dịp lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong các công việc xây dựng đất nước. Người công khai viết bài Tự phê bình vạch rõ những thành công, khuyết điểm của Chính phủ do Người đứng đầu và khẳng định "những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi"(5)... Nhờ sự chỉ bảo tận tình và tấm gương mẫu mực của Người, cán bộ chính quyền các cấp đã nhanh chóng khắc phục được những sai sót buổi đầu, góp phần khẳng định bản chất tốt đẹp của chính quyền cách mạng.

Nổi bật trong các hoạt động của Người thời kỳ này là sách lược ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt và sáng tạo nhằm phân hóa kẻ thù, tạo thêm nhiều thời gian cho nhân dân ta xây dựng lực lượng, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu giữ vững lời thề độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt trong từng thời gian, phù hợp từng đối tượng cụ thể. Người đã tiến hành hàng trăm cuộc gặp gỡ trao đổi, khi thì nhân nhượng với quân Tưởng ở miền bắc để rảnh tay đối phó với quân Pháp ở miền nam, khi thì hòa hoãn với thực dân Pháp để nhanh chóng đuổi quân Tưởng về nước... Ðể có thời gian xây dựng lực lượng, củng cố chính quyền, mở rộng mặt trận đoàn kết thống nhất dân tộc, làm thất bại mọi mưu đồ độc ác của giặc ngoài thù trong, giữ vững chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta đã quyết đoán mau chóng, kể cả việc phải dùng đến những biện pháp đau đớn - để cứu vãn tình thế, như: Tuyên bố Ðảng tự giải tán (nhưng thực ra là rút vào hoạt động bí mật), một số bộ trưởng là người của Việt Minh trong Chính phủ lâm thời đã tự nguyện rút lui để nhường ghế cho các đảng phái khác, chấp nhận lùi tổng tuyển cử, thỏa hiệp về việc thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời... Nhờ đó, đã tránh được cùng một lúc phải đối phó nhiều kẻ thù, tranh thủ được một thời gian hòa bình tương đối để "bảo toàn thực lực", xây dựng và phát triển lực lượng, sẵn sàng cho cuộc kháng chiến mà ta biết rằng không thể tránh khỏi. Những biện pháp tình thế ấy, vừa cứng rắn về nguyên tắc vừa mềm dẻo về sách lược, đã trở thành "một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lê-nin-nít về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và về sự nhân nhượng có nguyên tắc"(6), đặt cơ sở nền tảng và để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Là con người "của những bước ngoặt lịch sử", "của những quyết định lịch sử", luôn nhạy bén với mọi tình huống dù phức tạp đến mấy, luôn nhìn xa thấy rộng giữa những rối ren, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta đã khéo léo vận dụng và sáng tạo thời - thế, thực hiện những đối sách phù hợp, tránh những xung đột bất lợi cho ta, để đưa công cuộc vừa kháng chiến vừa kiến quốc tiếp tục vững bước tiến lên. Nhớ về những năm tháng không thể nào quên ấy, cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã viết rằng: Mỗi khi nhớ lại những năm tháng đó, một ý nghĩ luôn luôn đến với tôi, nếu bấy giờ không có Hồ Chí Minh thì khó lường hết cái gì có thể xảy ra.

1. Tổng tập hồi ký Võ Nguyên Giáp, Nxb Quân đội Nhân dân, 2010, tr 366, H.2001, tr 388-389.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hn, 1995, t. 4, tr.115.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 31.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 58.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 166.

6. Tổng tập hồi ký Võ Nguyên Giáp, Nxb Quân đội Nhân dân, 2010, tr 369.

 

Theo nhandan

 

 

  • Từ khóa