Thứ 5, 02/05/2024, 13:34[GMT+7]

LÀNG THÁI ĐƯỜNG - Truyền thuyết và hiện thực

Thứ 6, 25/05/2012 | 10:03:15
8,645 lượt xem
Làng Tam Ðường xưa còn có tên là Thái Ðường. Gọi là Tam Ðường vì làng có ba thôn: Phúc Ðường, Ngọc Ðường và Thái Ðường. Làng nằm ở phía Tây Nam và cũng là trung tâm của xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Phía tây giáp sông Hồng, phía bắc giáp xã Phú Sơn, phía nam nhìn thẳng ra cánh đồng nơi có mộ của bốn vị vua nhà Trần và tứ vị hoàng hậu.

Đền thờ các vua Trần tại làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà

Ngay từ xa xưa, người Việt cổ đã đến đây dựa vào gò đống (đất nổi) để sinh sống bằng nghề đánh cá và trồng lúa lốc (truyền thống trồng lúa lốc còn giữ đến những năm đầu thế kỷ XX ở một số thôn trong xã Tiến Ðức). Theo truyền thuyết, vào thời ấy có một thầy địa lý (sử cũ chép là khách nhân) thường đi tìm thế đất để đặt mộ cho người thân của những nhà quyền quý. Một lần đến vùng Tinh Cương (Tam Ðường ngày nay), thấy có một gò hoả tinh nổi lên trên mặt nước, xung quanh có nhiều gò nhỏ, thầy thốt lên: “Giữa vùng sông nước sát với đất bằng mà có những gò đống nổi lên, hẳn không phải là hoang địa”. Sau đó, thầy tới làng Tây Nha, gặp người họ Nguyễn vẫn nhờ thầy tìm đất để đặt mộ tổ báo lại việc này. Khi công việc đã xong xuôi, người họ Nguyễn mở tiệc rượu khoản đãi. Ðến lúc thầy khách đã say, thừa lúc tối trời, họ Nguyễn bèn trói lại đem quẳng xuống sông. May gặp lúc thuỷ triều xuống, thầy không chết. Trần Hấp lúc ấy đang đánh cá ở gần đó, nghe tiếng kêu cứu liền bơi thuyền lại vớt lên, rồi cởi trói mà hỏi rõ đầu đuôi. Thầy thuật lại sự tình, đoạn nói: “Ðội ơn cứu mạng, già này xin được biếu một nơi cát địa để báo đền”. Theo chỉ dẫn của thầy địa lý, Trần Hấp chọn giờ lành, ngày tốt, di dời mộ tổ về táng vào gò hoả tinh. Ðể thuận lợi cho việc đánh bắt cá, khai hoang, trồng lúa và cũng là để đề phòng dòng họ Nguyễn phá mộ, nên theo lời thầy dặn, Trần Hấp đã làm nhà ngay trên phần mộ tổ để tiện trông nom, bảo vệ. Sau này, Trần Hấp sinh Trần Lý; Trần Lý sinh Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung...

Trần Thừa sinh Trần Liễu, Trần Cảnh, Trần Nhật Hiệu (Hạo). Ðến đời Trần Lý, dòng họ Trần đã giàu có và nổi tiếng khắp vùng. Vì có loạn Quách Bốc ở kinh thành, Trần Lý đã cùng gia đình đón Hoàng hậu Ðàm Thị cùng Thái tử Sảm về sống ở Lưu Gia (Lưu Xá). Theo “Ðại Việt sử ký toàn thư”: “Hoàng tử Sảm đi đến thôn Lưu Gia thuộc Hải ấp, nghe tin con gái Trần Lý có tư sắc bèn lấy làm vợ...” Sau khi lấy Trần Thị Dung, vua Lý Huệ Tông đã phong cho Trần Lý (bố vợ) tước Minh Tự và phong chức Ðiện Tiền chỉ huy sứ cho cậu vợ là Tô Trung Từ (vốn là võ quan của triều Lý). Từ đó họ Trần dốc lòng giúp vua Lý dẹp loạn Quách Bốc, Nguyễn Nộn, Ðoàn Thượng... Trần Thị Dung sinh được hai công chúa Chiêu Hoàng và Thuận Thiên. Năm 1225, Chiêu Hoàng (lúc này đang làm vua) đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Từ đó họ Trần làm vua ở Việt Nam, trải 175 năm (1225-1400) thì bị nhà Hồ cướp ngôi.

Tập tục và tâm lý của người Việt Nam xưa và nay, không ít người luôn có nguyện vọng thiết tha là lúc nhắm mắt xuôi tay được trở về nơi quê cha đất tổ để phần mộ được đời đời con cháu trông nom. Nhà Trần cũng không ngoài ngoại lệ đó: Lăng mộ của các vua Trần được xây ở đất phát nghiệp vương của mình, đó là làng Tam Ðường, hương Ða Cương, phủ Long Hưng (Thái Bình). Ở đây có Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Ðức Lăng là nơi an táng Thái Thượng hoàng Trần Thừa, vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông... Tuyên Từ Hoàng Thái hậu và vua Hiển Tông cũng được an táng ở An Lăng. Gần đó còn xây các cung điện Tinh Cương, Hưng Khánh, Diên An, Diên Hiển, Thềm Thiên Trì... Bến Ngự là nơi các vua Trần đi thuyền từ Thăng Long về quê hương Tam Ðường tế tổ tiên. Do khu lăng tẩm của các vua Trần đặt ở nơi thuận tiện đường thuỷ, đường bộ nên giặc Nguyên, giặc Chiêm Thành nhiều lần tràn tới đốt phá, đào bới lăng mộ, đền, chùa. Năm 1381, triều đình nhà Trần đã rước thần tượng ở các lăng Thái Ðường (Tam Ðường), Long Hưng, Kiến Xương về lăng Yên Sinh (Ðông Triều, Quảng Ninh). Hiện nay tại làng Tam Ðường còn lại ba ngôi mộ (nhân dân vẫn gọi là phần Bụt, phần Trung và phần Ða) có tổng diện tích khoảng gần 1000m2, cao 5 - 6m.

Theo các nhà khảo cổ học, sử học thì rất có thể đây là phần mộ của Thượng hoàng Trần Thừa và vua Trần Nhân Tông. Gần bờ sông Thái Sư vẫn còn đền Mẫu thờ công chúa Huyền Trân và công chúa Thiếu Hoa. Tương truyền, sau khi vua Chiêm Thành chết, Huyền Trân công chúa được đưa về nước. Bà đã xin vua cha cho về sống ở Thái Ðường, tại đây bà dạy dân trồng dâu, dệt vải và múa các điệu múa cung đình. Khi mất, bà được dân lập đền thờ tôn là Mẫu (mẹ). Vào những ngày lễ hội đầu xuân, đặc biệt là vào rằm tháng 2 âm lịch hàng năm, hội đền Trần, đền Mẫu thường được diễn ra rất long trọng ở ngay đền thờ các vua Trần. Hội có nhiều trò vui: chọi gà, đấu võ, thi thả diều, rước kiệu... đặc biệt là tục thi cá trắm luộc, hiếm thấy ở các địa phương khác trong cả nước.

Trải qua hàng trăm năm, nhân dân Tam Ðường, Long Hưng vẫn nổi tiếng là vùng đất thượng võ, hiếu học và anh dũng kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Thời kỳ 1930-1945, chi bộ Ðảng Cộng sản Ðông Dương ở Tam Ðường đã phát động, vận động nhân dân đấu tranh chống âm mưu nhổ lúa trồng đay của giặc Pháp-Nhật. Trong kháng chiến chống Pháp, khu du kích Tam Ðường - Tây Nha - Lê Xá đã trở thành nỗi lo sợ của binh lính Pháp. Nhân dân, du kích Tam Ðường đã đào hào, đắp lũy, huy động hơn 10.000 khóm tre rào làng, đào tới 2.150 mét giao thông hào và làm 1.230 mét hầm giao thông phục vụ bộ đội và du kích chiến đấu. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tam Ðường với khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân vượt mức” đã cung cấp cho chiến trường 1.296 tấn lương thực, 161 tấn thực phẩm. Hàng trăm thanh niên lên đường vào Namon> chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược. Nhân dân Tam Ðường đã được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng II, bằng khen của Chính phủ cùng 316 huân huy chương cho các cá nhân, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Lê Thị Bóng v.v...

Trong cơ chế kinh tế mở, làng Tam Ðường như sống lại thời Thái Ðường phường xưa kia. Hàng chục ngành nghề thủ công truyền thống được phục hồi và phát triển: dệt vải, làm chiếu, đan võng... Ðường làng ngõ xóm trải nhựa. Ðêm đêm cả làng sáng rực ánh đèn điện, hầu như nhà nào cũng có ti vi. Số hộ đói không còn. Toàn làng đã phổ cập văn hoá cấp I + II. Nhiều gia đình có tới ba người con theo học đại học, nhiều người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, tiến sĩ... Với thành tích xây dựng nếp sống mới, làng Tam Ðường hiện đã và đang là làng văn hoá của huyện Hưng Hà và tỉnh Thái Bình.

Ðể giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, ngày 5/12/2000, Thái Bình đã tiến hành tổ chức lễ khởi công tôn tạo khu di tích lịch sử lăng mộ đền thờ các vua Trần ở làng Tam Ðường (Thái Ðường xưa). Tổng thể khu đền thờ có diện tích 5.175m2, bao gồm nhiều công trình liên hoàn.

Ngoài ra, còn có nhà trưng bày hiện vật thời Trần, nhà bia và khu tượng đài chiến thắng chống Nguyên Mông. Sông Thái Sư sẽ được nạo vét với chiều ngang 100m, chiều sâu 5m, tại đây sẽ khôi phục lại cảnh lễ hội đón rước thuyền vua về tế tổ như ngày xưa hội làng vẫn tổ chức. Ngày 23/4/2003, Thái Bình đã phối hợp với Hội Sử học Việt Nam tổ chức dâng hương, khánh thành công trình Ðền Trần trên đất Thái Ðường (Tam Ðường) và tiến hành hội thảo: “Thái Bình với sự nghiệp nhà Trần trên đất Lưu Xá (Phủ Long Hưng xưa) - Hưng Hà ngày nay - nơi phát tích, dựng nghiệp đế vương của vương triều nhà Trần tại Việt Nam vào thế kỷ thứ XIII.

 

Đặng Hùng

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa